Tổng quan:
Ngày 02/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021.
Tại phiên họp, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục hồi phục. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Bình quân 11 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,84%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác. Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, hầu hết các ngành công nghiệp cấp I đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; năng suất lúa đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 8 triệu tấn; hoạt động thu hoạch, khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phục hồi, sản lượng thủy sản tháng 11 tăng 3,2% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 0,5%. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước, trong đó nhiều ngành dịch vụ phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10/2021; đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Về lạm phát, theo các cơ quan quản lý, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng sang năm 2022, “rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn”. Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Theo các chuyên gia, yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam hiện tại gắn trực tiếp với sự gia tăng của giá hàng hóa, đặc biệt là giá xăng dầu. Gần đây, biến chủng mới của COVID-19 đã gia tăng lo ngại về việc hạn chế lại hoạt động đi lại trên toàn cầu vừa mới mở ra, điều này có thể kìm hãm lại phần nào đà tăng của giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, giai đoạn hậu Covid-19, các gói kích thích mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có từ các chính phủ và NHTW trên thế giới cũng dẫn đến sự thay đổi về mặt bằng giá. Trong khi đó, những nút thắt giữa cung và cầu vẫn chưa được giải quyết do sự bất định của quỹ đạo đại dịch Covid-19. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. Cụ thể, sản xuất của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37%, tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế - chiếm 50,98%. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam nói chung và đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo phụ thuộc nhiều vào NVL nhập khẩu. Vì thế, biến động giá NVL thế giới tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước và lạm phát của kinh tế Việt Nam. Trong nước, sang năm 2022, cầu tiêu dùng cũng như tổng cầu nền kinh tế sẽ có những hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể cho Chính phủ để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tóm lược thị trường trong nước từ 29/11 – 03/12
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 29/11 - 03/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo theo xu hướng giảm. Chốt tuần 03/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.127 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.771 VND/USD.
Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua tăng ở tất cả các phiên, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên cuối tuần 03/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.830 VND/USD, tăng 155 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tăng ở 2 phiên đầu tuần rồi chững lại. Chốt tuần 03/12, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.470 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 29/11 - 03/12 tăng trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 03/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,68% (+0,01 đpt); 1W 0,79% (+0,02 đpt); 2W 0,89% (+0,03 đpt); 1M 1,18% (+0,09 đpt).
Trong khi đó, lãi suất USD LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 03/12, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,18% (không thay đổi); 2W 0,22% (-0,01 đpt) và 1M 0,30% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở, bắt đầu từ tuần 29/11 - 03/12, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 01/12/2021, KBNN huy động thành công 5.000/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 83%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm và 30 năm huy động lần lượt toàn bộ 2.000 và 3.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,08%/năm (+0,01%); kỳ hạn 30 năm tại 2,98%/năm (không đổi). Ngày 02/12/2021, NH PTVN huy động thành công 1.500/3.500 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 43%), toàn bộ ở kỳ hạn 10 năm. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,32%/năm. Kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại. Trong tuần có 574 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 06/12 - 10/12, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP và NHPTVN dự kiến gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Trong tuần này có 1.600 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.056 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 14.979 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 03/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh mức 1 năm 0,49% (+0,04 đpt); 2 năm 0,53% (không thay đổi); 3 năm 0,68% (+0,01 đpt); 5 năm 0,79% (+0,003 đpt); 7 năm 1,17% (+0,02 đpt); 10 năm 2,09% (không thay đổi); 15 năm 2,36% (+0,01 đpt); 30 năm 2,96% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 29/11 - 03/12, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tiêu cực do ảnh hưởng xấu từ thông tin quốc tế trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 03/12, VN-Index đứng ở mức 1.443,32 điểm, tương ứng giảm mạnh 49,71 điểm (-3,33%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 9,36 điểm (-2,04%) xuống 449,27 điểm; UPCoM-Index giảm 2,23 điểm (-1,95%) xuống 112,11 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch gần 33.300 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, khối ngoại bán ròng mạnh gần 2.530 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
OECD hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 do biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Chủ Fed có phát biểu quan trọng về lạm phát và chính sách mua tài sản. Trong tuần vừa qua, ngày 01/12, OECD dự báo kinh tế toàn cầu tăng 5,6% trong năm nay, giảm nhẹ 0,1 đpt so với dự báo đưa ra hồi đầu tháng 10. Theo OECD, đà phục hồi của thế giới đang chậm lại và ngày càng mất cân bằng, điển hình là tình trạng lạm phát cao, nguồn cung ứng tắc nghẽn và các chính sách vội vã. Theo tổ chức này, ưu tiên hiện nay cần làm là đảm bảo quá trình tiêm chủng vaccine. Mặc dù nhận định có phần bi quan, song OECD vẫn giữ tốc độ tăng trưởng của năm 2022 ở mức 4,5%; không thay đổi so với dự báo trước. Tiếp theo, về Fed, chủ tịch Jerome Powell trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 30/11 phát biểu rằng sẽ là phù hợp nếu Fed thảo luận về việc có nên kết thúc chương trình mua tài sản sớm hơn vài tháng so với dự kiến hay không. Nguyên nhân chính do áp lực lạm phát đã ở mức cao trong thời gian khá dài, và từ “tạm thời” đã không còn phù hợp để nhận định vấn đề này. Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày 14-15/12, kết quả của cuộc họp sẽ được thông báo vào sáng sớm ngày 16/12 theo giờ Việt Nam.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế tương đối lạc quan. Đầu tiên, doanh số nhà chờ bán tại quốc gia này tăng 7,5% m/m trong tháng 10 sau khi giảm 2,4% ở tháng trước đó, vượt xa so với mức tăng 0,8% theo dự báo. Tiếp theo, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 109,5 điểm trong tháng 11, giảm nhẹ từ mức 111,6 điểm của tháng 10, xuống thấp hơn mức 110,8 điểm theo dự báo. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 210 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 11, thấp hơn mức 546 nghìn của tháng 10, đồng thời thấp hơn mức 553 nghìn theo kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm mạnh xuống còn 4,2% trong tháng 11 từ mức 4,6% của tháng 10, tích cực hơn dự báo ở mức 4,5%. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng của tháng 10 và cũng là dự báo của các chuyên gia ở mức 0,4%. Cuối cùng, ở lĩnh vực dịch vụ, ISM khảo sát cho biết PMI của lĩnh vực này đạt 69,1% trong tháng 11, tăng lên từ mức 66,7% của tháng 10 và trái với dự báo giảm xuống còn 64,9%.
Nước Úc ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Văn phòng Thống kê Úc cho biết GDP của nước này giảm 1,9% q/q trong quý 3 vừa qua sau khi tăng 0,7% ở quý trước đó, không sâu như mức giảm 2,7% như dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, GDP quý 3 của Úc vẫn cho thấy mức tăng 3,9%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại quốc gia này tăng 4,9% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 1,3% của tháng 9 và đồng thời tích cực hơn mức tăng 2,5% theo kỳ vọng. Cán cân thương mại tại Úc thặng dư 11,22 tỷ AUD trong tháng 10, thấp hơn mức thặng dư 11,82 tỷ của tháng 9 và đồng thời thấp hơn mức thặng dư 11,25 tỷ theo dự báo. Cuối cùng, số cấp phép xây dựng tại nước này giảm mạnh 12,9% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà giảm 3,9% của tháng 9, đồng thời sâu hơn nhiều so với mức 1,4% theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB