Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 06/12 - 10/12/2021

08:06 13/12/2021

Tổng quan:

Ngày 03/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ rà soát "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ"; trong đó, xem xét và đánh giá chính sách của các đối tác thương mại lớn của Mỹ trong 4 quý, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam tiếp tục không bị gắn nhãn thao túng tiền tệ. 

Trong báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đã có một số thay đổi về tiêu chí thao túng tiền tệ so với các báo cáo trước đó. Thứ nhất, về đối tượng được đưa vào danh sách, Mỹ xem xét 20 đối tác thương mại lớn nhất (thay cho tiêu chí các đối tác thương mại chính có tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương trên 40 tỷ USD). Tiếp theo, Bộ Tài chính Mỹ vẫn đánh giá các đối tác này dựa trên 3 tiêu chí (ngưỡng) đánh giá khả năng một quốc gia thao túng tiền tệ, tuy nhiên có một số điều chỉnh, cụ thể: (i) Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ trên 15 tỷ USD (tích hợp cả thương mại dịch vụ, trước đó chỉ tính thương mại hàng hóa với tiêu chí 20 tỷ USD); (ii) Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 3% GDP (trước đây là 2% GDP) hoặc ước tính GAP Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai (số liệu mới nhất có thể) tương đương 1% GDP; và (iii) Can thiệp 1 chiều (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ 8 tháng liên tục trong giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng trên 2% GDP (trước đây là 6 tháng liên tục trong 12 tháng). Có thể thấy, Mỹ quan tâm đến top 20 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ; đã nới lỏng hơn tiêu chí về tài khoản vãng lai và can thiệp mua ngoại tệ ròng; quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí thặng dư thương mại song phương.

Danh sách giám sát lần này có 12 nước gồm Thụy Sỹ (mới bị đưa vào) cùng với 11 nước vẫn trong danh sách lần trước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico). Đặc biệt, Việt Nam và Đài Loan được đưa vào phân tích sâu do vượt ngưỡng của cả 3 tiêu chí, cụ thể đối với Việt Nam: (i) thặng dư cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ Việt Nam vào Mỹ ở mức 82 tỷ USD trong kỳ báo cáo; (ii) thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tuy chỉ đạt 1,6% GDP nhưng Ước tính GAP thặng dư cán cân tài khoảng vãng lai lại ở mức 2,1% GDP; (iii) có can thiệp liên tục trên thị trường ngoại tệ với lượng mua ròng ở mức 5,1% GDP. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ kết luận đến tháng 6/2021, không đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ vì mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong ngoại thương. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết những quan tâm của họ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ "hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay". Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện phân tích chuyên sâu với các chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và cân bằng hơn, đồng thời có lợi cho người lao động Mỹ.

Trước đó, ngày 19/07, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp trực tuyến với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và hai bên đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ. Trong quá trình làm việc, NHNN khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam, trong khung khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế. Thời gian tới, cùng với tiến trình hiện đại hoá khung khổ CSTT, NHNN cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó giải toả các quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ. Các quan điểm trên của NHNN đã được Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ và đồng thuận. Tại cuộc gặp trực tuyến này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá cao sự phối hợp làm việc mang tính xây dựng của hai bên, cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thỏa thuận của NHNN với Bộ Tài chính Mỹ cũng như kết luận mới nhất trong báo cáo vừa được công bố là những yếu tố tích cực, phản ánh những hoạt động ngoại giao, trao đổi và làm việc của NHNN với Bộ Tài chính Mỹ đã mang lại kết quả. NHNN tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hài hòa và hợp lý, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tóm lược thị trường trong nước từ 06/12 - 10/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 06/12 - 10/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh 3 phiên đầu tuần và giảm trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt tuần 10/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.175 VND/USD, tăng mạnh 48 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.650 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá trong 2 phiên đầu tuần, sau đó được giữ ở mức 23.150 VND/USD 3 phiên còn lại.

Tỷ giá LNH trong tuần vừa qua biến động mạnh 2 phiên đầu tuần, sau đó chững lại. Chốt phiên cuối tuần 10/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.970 VND/USD, tăng tiếp 140 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng. Chốt tuần 10/12, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.570 VND/USD và 23.620 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 06/12 - 10/12 ít biến động, chốt phiên 10/12 không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn và chỉ tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch quanh mức: ON 0,68%; 1W 0,79%; 2W 0,89%; 1M 1,20%.

Tương tự, lãi suất USD LNH cũng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn, chốt tuần 10/12, lãi suất USD LNH đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn ON. Lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,22% và 1M 0,30%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở, bắt đầu từ tuần 06/12 - 10/12, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.          

Thị trường trái phiếu: Ngày 08/12, KBNN huy động thành công 8.750/9.250 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 95%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 20 năm huy động được toàn bộ lần lượt 2.000 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 3.750 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,08%/năm (không đổi), 2,36%/năm (+0,02%) và 2,78%/năm (không đổi). Ngày 09/12, NHPTVN huy động thành công 4.700/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động được toàn bộ 500 và 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động 200/500 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,12%/năm (không đổi), kỳ hạn 7 năm tại 1,5%/năm (không đổi) và kỳ hạn 10 năm tại 2,35%/năm (+0,03%). Trong tuần có 1.600 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 13/12 - 17/12, KBNN dự kiến gọi thầu 7.500 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này có 23.600 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.951 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.056 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 10/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,52% (+0,03 đpt); 2 năm 0,53% (không thay đổi); 3 năm 0,67% (không thay đổi); 5 năm 0,8% (+0,01đpt); 7 năm 1,17% (không thay đổi); 10 năm 2,08% (-0,01 đpt); 15 năm 2,35% (-0,01 đpt); 30 năm 2,96% (-0,001 đpt).                  

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 06/12 - 10/12, thị trường chứng khoán Việt Nam trồi sụt, tuy nhiên 2 chỉ số chính vẫn kết tuần trong sắc xanh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 10/12, VN-Index đứng ở mức 1.463,54 điểm, tương ứng tăng 20,22 điểm (+1,40%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,33%) lên 450,75 điểm; UPCoM-Index giảm 0,30 điểm (-0,27%) xuống 111,81 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 26.400 tỷ đồng/phiên. Mặc dù có những phiên mua ròng nhưng chốt tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 724 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Một số NHTW lớn trên thế giới có các động thái đáng chú ý về CSTT. Cụ thể, ngày 06/12, NHTW Trung Quốc PBOC công bố hạ TLDTBB 0,5 đpt đối với phần lớn các NHTM, có hiệu lực kể từ ngày 15/12. Điều này đồng nghĩa với việc PBOC sẽ giải phóng khoảng 1,2 nghìn tỷ CNY tương đương 188 tỷ USD vào nền kinh tế. PBOC giải thích động thái này nhằm hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng trong bối cảnh tốc độ phục hồi có dấu hiệu bị thu hẹp. Tiếp theo, ngày 08/12, NHTW Úc RBA trong cuộc họp cuối năm đã thông báo giữ LSCS ở mức 0,1% không thay đổi so với trước. Đồng thời, cơ quan này duy trì kế hoạch mua TPCP ở mức 4,0 tỷ AUD/tuần, ít nhất kéo dài tới giữa tháng 02/2022. RBA nhắc lại mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát bền vững ở mức 2,0% – 3,0%. RBA cam kết không tăng LSCS cho tới khi đạt được mức lạm phát mục tiêu này, và dự kiến thời gian để đạt được mục tiêu là năm 2023. Trong tuần này sẽ có ba NHTW lớn khác là Cục DTLB Mỹ Fed, NHTW Châu Âu ECB và NHTW Anh BOE có các cuộc họp quan trọng. Thị trường hiện đang chú ý tới kịch bản Fed sẽ đẩy nhanh quá trình thu hẹp QE, trong khi BOE sẽ là NHTW lớn đầu tiên tăng LSCS trở lại. Kết quả cuộc họp của Fed và BOE cùng được công bố vào ngày 16/12 theo giờ Việt Nam.

Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, cán cân thương mại Mỹ thâm hụt 67,1 tỷ USD trong tháng 10, nhỏ hơn mức thâm hụt 81,4 tỷ của tháng 9 song vẫn lớn hơn mức thâm hụt 66,9 tỷ theo dự báo. Tiếp theo, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này giảm xuống còn 184 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 04/12 từ mức 222 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 189 nghìn đơn theo kỳ vọng. Trong tháng 10, nước Mỹ tạo ra 11,03 triệu cơ hội việc làm mới, cao hơn mức 10,6 triệu của tháng trước đó, đồng thời cao hơn mức 10,45 triệu theo dự báo. Về chỉ số giá tiêu dùng, CPI toàn phần và CPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,5% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,9% và 0,6% của tháng 10, gần khớp với dự báo lần lượt tăng 0,7% và 0,5%. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được điều chỉnh lên mức 70,4 điểm trong tháng 12, tích cực hơn mức 67,4 điểm theo kết quả khảo sát sơ bộ.

Eurozone ghi nhận một số chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, GDP của khu vực này chính thức tăng 2,2% q/q trong quý 3, không có sự điều chỉnh so với dữ liệu thống kê sơ bộ. Niềm tin kinh tế tại Eurozone do ZEW khảo sát được ở mức 26,8 điểm trong tháng 12, tăng lên từ mức 25,9 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm xuống còn 22,4 điểm. Tại nước Đức nói riêng, sản lượng công nghiệp tăng 2,8% m/m trong tháng 10 sau khi giảm 0,5% ở tháng trước đó, vượt khá mạnh so với kỳ vọng tăng 1,1%. Tuy nhiên, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Đức giảm mạnh 6,9% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 1,8% ở tháng 9, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,2% theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi của nước Đức chính thức giảm nhẹ 0,2% m/m trong tháng 9, không thay đổi so với thống kê sơ bộ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm