Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 21/02 - 25/02/2022

08:00 28/02/2022

Tổng quan:

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 khá tích cực, Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố, tính từ đầu năm đến 20/2/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 183 dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn. Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ là do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021, đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư lớn có vốn 136,4 triệu USD. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm nay, các dự án đầu tư quy mô lớn đều thuộc về các dự án tăng vốn. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên. Ngoài ra, còn có Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh. Đó là lý do vì sao, 2 tháng qua, có 142 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,5% về số lượt dự án và tăng gấp hơn 2,2 lần về số vốn so với cùng kỳ. Về góp vốn, mua cổ phần, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong hai tháng đầu năm, có 400 lượt đầu tư theo hình thức này của các nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ, nhưng giá trị vốn góp lại đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ. 2 tháng đầu tiên năm 2022, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan… Trước đây, xếp số 1 trong đầu tư vào Việt Nam luôn là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Từ năm 2020 đến nay, Singapore đã vượt mặt 2 quốc gia trên, giành ngôi quán quân, với tổng vốn đăng ký gần 9 tỉ USD trong đó có 1 tỉ USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng gấp đôi so với con số 4,5 tỉ USD của năm 2019. Một điểm tích cực khác, đó là vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng tăng 0,4 đpt so với tháng 1/2022.

Đánh giá về kết quả này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm nhấn là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng (45,2%). Và điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả phòng chống dịch covid-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Tính lũy kế đến ngày 20/02/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo các chuyên gia, dù phải đối mặt với một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan trong đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, chính phủ đưa ra một số gói hỗ trợ, như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu dưới 8,8 triệu USD vào năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ khác được ban hành dưới hình thức giảm tiền thuê nhà, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản trả một lần. Nhờ chi phí lao động cạnh tranh, các chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư, cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến cho nhu cầu sản xuất và lắp ráp của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, trong năm 2022, Việt Nam dự kiến đưa tăng trưởng phục hồi về mức trước thời điểm đại dịch COVID-19. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí thấp nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có. Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Vafie cho biết, năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và khoảng 21-22 tỷ USD vốn thực hiện. Một thông tin nữa là, theo các cuộc khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)... gần đây, 60-65% doanh nghiệp thành viên các tổ chức này đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022.

Tóm lược thị trường trong nước từ 21/02 - 25/02

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 21/02 - 25/02, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng mạnh. Chốt phiên 25/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.146 VND/USD, tăng 27 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.

Tỷ giá LNH tăng – giảm mạnh ở 2 phiên đầu tuần, cuối tuần chững lại. Chốt phiên cuối tuần 25/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.815 VND/USD, tăng nhẹ 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do vẫn chỉ tăng – giảm đan xen trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 25/02, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.480 VND/USD và 23.550 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 21/02 - 25/02, lãi suất VND LNH tăng – giảm đan xen qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 25/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,54% (-0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,66% (+0,03 đpt); 2W 2,64% (+0,05 đpt); 1M 2,46% (-0,08 đpt).

Lãi suất USD LNH rất ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 25/02, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25% và 1M 0,32%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 21/02 - 25/02, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Có 918 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 14.389,77 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 13.471,77 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 3.316 tỷ VND.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.                

Thị trường trái phiếu: Ngày 16/02, KBNN chỉ huy động thành công 6/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 0,1%). Trong đó, chỉ duy nhất kỳ hạn 10 năm huy động được 6/2.000 tỷ đồng, lãi suất không đổi tại 2,12%/năm. Với các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 20 năm, KBNN lần lượt gọi thầu 500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nhưng đều đấu thầu thất bại. Trong tuần có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Trong tuần này từ 28/02 - 04/03, có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.261 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 14.986 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng mạnh hơn ở các kỳ hạn ngắn. Chốt phiên 25/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,12% (+0,25 đpt); 2 năm 1,19% (+0,23 đpt); 3 năm 1,26% (+0,21 đpt); 5 năm 1,28% (+0,17đpt); 7 năm 1,58% (+0,08 đpt); 10 năm 2,22% (+0,02 đpt); 15 năm 2,54% (không thay đổi); 30 năm 2,99% (không thay đổi).           

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 21/02 - 25/02, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tăng – giảm mạnh, đặc biệt 2 phiên đầu tuần, tuy nhiên đã chốt tuần trong sắc xanh trên cả 3 sàn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 25/02, VN-Index đứng ở mức 1.498,89 điểm, tương ứng tăng 19,93 điểm (+1,35%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 23,43 điểm (+5,62%) lên 440,16 điểm; UPCom-Index tăng 2,97 điểm (+2,71%) lên 112,66 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 30.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 966 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, Đầu tiên, báo cáo sơ bộ lần 2 của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy GDP tại nước này tăng 7,0% q/q trong quý 4/2021, cao hơn một chút so với mức tăng 6,9% theo báo cáo sơ bộ lần 1, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Theo đó, GDP cả năm 2021 của Mỹ ước tính tăng 5,7%, không thay đổi so với kết quả thống kê ban đầu. Về chỉ số giá tiêu dùng, PCE lõi của Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 01/2022, bằng mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 62,8 điểm trong tháng 2, tăng nhẹ từ mức 61,7 điểm của tháng 1 và trái với dự báo sẽ đi ngang. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi và hàng hóa lâu bền chung của Mỹ lần lượt tăng 0,7% và 1,6% m/m trong tháng đầu năm 2022, cùng tích cực hơn mức tăng 0,4% và 1,1% theo kỳ vọng. Cuối cùng, IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt ở mức 57,5 và 56,7 điểm trong tháng 2, cùng tăng so với 55,5 và 51,2 điểm của tháng trước, đồng thời tích cực hơn mức điểm 55,9 và 52,9 theo dự báo.

Nước Đức cũng ghi nhận nhiều chỉ báo đáng chú ý trong tuần qua, chủ yếu là tích cực. GDP quý 4/2021 của nước này giảm 0,3% q/q trong báo cáo chính thức, không quá tiêu cực như mức giảm 0,7% theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, GDP của Đức tăng 2,9% trong năm vừa qua. Tiếp theo, IHS Markit khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của Đức ở mức 58,5 điểm trong tháng 2, giảm từ 59,8 điểm của tháng trước, xuống thấp hơn mức 59,6 điểm theo dự báo. Trái lại, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,6 điểm trong tháng 2, tăng khá mạnh từ 52,2 điểm của tháng 1 và vượt qua mức 53,2 điểm theo kỳ vọng. Cuối cùng, niềm tin kinh tế tại Đức do Ifo khảo sát được ở mức 98,9 điểm trong tháng 2, tăng lên từ mức 96,0 điểm của tháng đầu năm, cao hơn mức 96,4 điểm theo kỳ vọng.

Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang căng thẳng, song có thể có những đàm phán hạ nhiệt trong thời gian tới. Ngày 24/02/2022, quân đội Nga bắt đầu tấn công quân sự đối với Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn tuyên chiến. Sau ba ngày tiến hành chiến dịch, quân đội Nga đang áp sát thủ đô Kiev của Ukraine, nơi giao tranh diễn ra dữ dội. Đối với hành động này của Nga, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva, loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Sau đó, Tổng thống Nga ngày 27/02 yêu cầu lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Hiện tại, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết phái đoàn nước này sẽ đàm phán với Nga ở biên giới Ukraine – Belarus. Trước đó, Điện Kremlin cũng đã xác nhận Ukraine đã đồng ý đàm phán tại khu vực biên giới Belarus, song thời gian đàm phán cụ thể vẫn chưa được xác nhận.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm