Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 14/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.096 VND/USD, tăng nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.687 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên 11/02. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 VND/USD và 23.600 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 14/02, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,05 – 0,22 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 2,92; 1W 2,80%; 2W 2,62 và 1M 2,66%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,15; 1W 0,21%; 2W 0,27%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,76%; 5Y 0,93%; 7Y 1,36%; 10Y 2,14%; 15Y 2,48%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 520 tỷ đồng trúng thầu. Trong ngày không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, hôm qua, NHNN bơm ròng 520 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 15.976,66 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, hầu hết cổ phiếu Ngân hàng bất ngờ giảm sâu, cả 3 sàn đỏ lửa. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm mạnh 29,75 điểm xuống 1.471,96 điểm (-1,98%); HNX-Index giảm 5,88 điểm (-1,38%) xuống 421,01 điểm; UPCoM-Index giảm 1,69 điểm (-1,50%) còn 110,85 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao với tổng giá trị giao dịch đạt trên 29.600 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng hơn 287 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố tăng mạnh giá các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu từ ngày 11/02. Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 24.571 đồng/lít (tăng 976 đồng/lít so với giá hiện hành); Xăng RON95-III: không cao hơn 25.322 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít); Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.865 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 18.751 đồng/lít (tăng 958 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg (tăng 666 đồng/kg).
Tin quốc tế:
Ông James Bullard – Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed chi nhánh Saint Louis kêu gọi một kế hoạch tăng LSCS nhanh hơn sau khi vừa chứng kiến các báo cáo về lạm phát trong thời gian qua. Ông cho rằng Fed cần đảm bảo cho thị trường thấy rằng LS sẽ tăng trong thời gian tới. Cụ thể, vị quan chức này khẳng định Fed nên tiến hành tăng LSCS tối đa trong 3 cuộc họp kể từ nay cho tới tháng 07/2022, trong đó cần có ít nhất một lần tăng 50 điểm cơ bản, thay vì tăng 25 điểm cơ bản thường thấy. Ông Bullard dự kiến sẽ bàn bạc trực tiếp với Chủ tịch Fed Jerome Powell tại các cuộc họp sắp diễn ra. Kể từ cuộc họp tháng 01/2022 tới thời điểm hiện tại, Chủ tịch Powell vẫn chưa có phát biểu nào cụ thể liên quan tới việc điều hành LSCS trong tương lai.
Hôm qua ngày 14/02, Chủ tịch của ECB – bà Christine Lagarde cho biết các dữ liệu hiện tại chứng minh GDP của Eurozone tăng 0,3% q/q trong quý cuối năm 2021, nghĩa là mức GDP hiện tại đã phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát đang là vấn đề nóng và mang lại rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hội đồng của ECB sẽ cần đánh giá lại liệu lạm phát tăng chỉ đơn thuần do giá cả nhiên liệu leo thang hay không. Về CSTT, bà Lagarde khẳng định ECB sẽ kết thúc chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch PEPP vào tháng 03/2022, và các mức LSCS sẽ không tăng lên ít nhất cho tới khi ECB kết thúc các chương trình mua tài sản này. Thêm vào đó, ECB cũng sẽ có những tham chiếu khác, nhằm tránh trường hợp LS bị tăng quá sớm, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế khu vực. Vị Chủ tịch ECB kết luận cơ quan này sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát trung hạn ở mức 2,0%; và sẽ hành động cụ thể vào thời điểm phù hợp.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB