Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.076 VND/USD, tăng tiếp 08 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 22.550 VND/USD. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.638 VND/USD, giảm mạnh 32 đồng so với phiên 25/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,04 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,09 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,93; 1W 2,10%; 2W 2,30 và 1M 2,45%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,24%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,71%; 5Y 0,90%; 7Y 1,29%; 10Y 2,08%; 15Y 2,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 3.914,97 tỷ đồng trúng thầu. Như vậy, NHNN bơm ròng 3.914,97 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 8.887,74 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 26/01, KBNN huy động thành công 6.680/8.000 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 84%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 3.560/4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.700/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 1.420/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,08%/năm (không đổi); 2,37%/năm (+0,01%) và 2,96%/năm (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường giao dịch trong tâm lý khá phấn khởi sau nhịp tăng mạnh phiên trước đó; tuy vẫn có những rung lắc, nhưng lực mua nhanh chóng được bổ sung giúp thị trường trở lại xu hướng tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,0 điểm đạt 1.481,58 điểm (+0,14%); HNX-Index tăng 1,59 điểm (+0,39%) lên 411,82 điểm; UPCoM-Index tăng 1,02 điểm (+0,94%) lên 109,05 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 26.100 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục mua ròng ròng hơn 334 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 ngày của tháng đầu tiên năm 2022, nước ta đã thu hút trên 2,1 tỷ USD đầu tư nước ngoài, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2021. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8%.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp 2 ngày 25-26/01 đã nhất trí quyết định giữ mức lãi suất chính sách của mình ở mức gần bằng 0. Theo nhận định của Fed, các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được củng cố. Việc làm đã tăng ổn định trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể. Sự mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế đã tiếp tục góp phần làm tăng lạm phát. Với lạm phát đã tăng lên mức trên 2% và thị trường lao động vững vàng, Fed kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất chính sách một cách phù hợp. Trong bài phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang tính tới việc tăng LSCS trong cuộc họp tháng 3 tới. Việc mua tài sản sẽ tiếp tục trong vài tháng tới và kết thúc vào tháng 3. Fed cũng phát hành văn bản phác thảo các nguyên tắc để bắt đầu “giảm đáng kể” lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối tài sản, tuy nhiên chưa chỉ ra khung thời gian cụ thể.
Doanh số bán nhà mới tại Mỹ đạt 811 nghìn căn trong tháng 12/2021; tăng mạnh so với mức 725 nghìn căn của tháng 11 và đồng thời vượt qua kỳ vọng ở mức 759 nghìn căn. Đây là mức doanh số nhà mới cao nhất của nước này trong vòng 9 tháng. Tiếp theo, cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt 101 tỷ USD trong tháng 12, sâu hơn mức thâm hụt 98 tỷ của tháng trước đó, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 96,1 tỷ USD theo dự báo. Tính cả năm 2021, CCTM Mỹ thâm hụt hơn 1000 tỷ USD, là mức thâm hụt nặng nề nhất trong lịch sử nước này.
Chính phủ Đức dự đoán lạm phát giá cả sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2022, trái với những nhận định cho rằng lạm phát cao chỉ là nhất thời mà trước đây từng đưa ra. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck phát biểu trước truyền thông, cho rằng CPI của năm 2022 tại Đức sẽ là 3,3%; cao hơn mức 3,1% của năm 2021. Tuy vậy, ông cũng kỳ vọng áp lực sẽ hạ nhiệt trong năm tới với mục tiêu ổn định giá cả của NHTW Châu Âu.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB