Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 10/01 - 14/01/2022

08:00 17/01/2022

Tổng quan:

Ngày 11/01/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua các chính sách tài khóa, bao gồm miễn giảm thuế, trong đó có giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, nhưng loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng.... Gói CSTK này sẽ tăng chi ĐTPT từ nguồn NSNN tối đa 176.000 tỉ đồng, gồm bố trí tối đa 14.000 tỉ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng… nhằm nâng cao năng lực y tế. Gói cũng hỗ trợ an sinh xã hội, lao động và việc làm, gồm 5.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất và cho vay ưu đãi; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỉ đồng với các chương trình tín dụng có mức lãi suất trên 6%/năm. Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3.150 tỉ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh, Nghị quyết được thông qua hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi. Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỉ đồng. Đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bổ sung tối đa 113.550 tỉ đồng vốn đầu tư từ NSNN để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai, đáp ứng các tiêu chí nhất định. Ngoài ra còn có các CSTK khác như sử dụng 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ 38.400 tỉ đồng cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cá nhân vay, mua nhà, xây mới và cải tạo nhà ở xã hội...

Đối với CSTT, Nghị quyết được thông qua yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cho phù hợp. Tính toán hợp lý tỉ lệ DTBB, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023. Ngoài ra, sử dụng tối đa 46.000 tỉ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết. Tiếp tục tái cấp vốn, để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động…

Theo Nghị quyết được thông qua, để có nguồn lực thực hiện các CSTK, cho phép tăng bội chi NSNN trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỉ đồng). Phát hành TPCP, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành CSTT, CSTK và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ. Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực, tiết giảm tối đa các khoản chi, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt là tăng thu với giao dịch số xuyên biên giới, dịch vụ nền tảng số. Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Ngoài ra, Nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù, như Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định việc chỉ định thầu với dự án hạ tầng quy mô lớn, cấp bách về giao thông và y tế; Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Được phân cấp, phân quyền cho các UBND tỉnh có đủ năng lực, kinh nghiệm và quản lý để thực hiện tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công (trừ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025). Để thực hiện có hiệu quả chương trình, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực một cách tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp; không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; Có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2022 đến ngày 31/12/2023; riêng đối với CSTK quy định tại một số điểm của Nghị quyết này được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.

Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đều kỳ vọng Nghị quyết này sẽ sớm đi vào cuộc sống, tháo gỡ các nút thắt cho khu vực kinh tế tư nhân, tạo “cú huých” phục hồi nhanh chóng nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực đời sống người dân trong điều kiện bình thường mới để tiếp tục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nhanh chóng nền kinh tế quốc dân và các địa phương. Nghị quyết này được cho là không chỉ giải quyết bài toán “tình thế”, mà còn hướng tới các vấn đề mang tầm chiến lược.

Tóm lược thị trường trong nước từ 10/01 - 14/01

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 10/01 - 14/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt tuần 14/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.082 VND/USD, giảm 56 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 đồng và mức 23.150 VND/USD.

Tỷ giá LNH biến động tăng – giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 14/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.708 VND/USD, giảm tiếp 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ. Chốt phiên cuối tuần 14/01, tỷ giá tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.520 VND/USD và 23.550 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 10/01 - 14/01 tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, chốt tuần 14/01 giao dịch quanh mức: ON 1,20% (-0,04 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,58% (-0,11 đpt); 2W 1,78% (-0,19 đpt); 1M 2,14% (-0,07 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn chỉ tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 14/01, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25% và 1M 0,32%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 10/01 - 14/01, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần qua, có 10.537,71 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 10.537,71 tỷ VND từ thị trường, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.           

Thị trường trái phiếu: Ngày 12/01, KBNN huy động thành công 4.935/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 71%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.935/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.500/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động toàn bộ 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,08%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,36%/năm (+0,01%); kỳ hạn 30 năm không đổi tại 2,96%/năm. Trong tuần có 7.084 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Trong tuần này từ 17-21/01, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, giảm so mức 7.084 tỷ đồng của tuần trước đó. Trong tuần này có 200 tỷ đồng đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.484 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 12.154 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động tăng – giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 14/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,55% (-0,02 đpt); 2 năm 0,62% (không thay đổi); 3 năm 0,77% (+0,05 đpt); 5 năm 0,93% (+0,003 đpt); 7 năm 1,33% (+0,01 đpt); 10 năm 2,09% (-0,01 đpt); 15 năm 2,39% (+0,02 đpt); 30 năm 2,97% (-0,001 đpt).   

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 10/01 - 14/01, thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều giảm điểm. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 14/01, VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm, tương ứng giảm trở lại 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm; UPCom-Index giảm 3,38 điểm (-2,92%) còn 112,22 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 37.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 610 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, bên cạnh đó quốc gia này cũng chứng kiến một số thông tin kinh tế kém lạc quan. Cụ thể, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Mỹ lần lượt tăng 0,5% và 0,6% m/m trong tháng 12, nối tiếp mức tăng 0,8% và 0,5% của tháng 11, đồng thời vượt qua mức tăng 0,4% và 0,5% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần và CPI lõi của nước Mỹ đã lần lượt tăng tới 7,0% và 5,5% trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,2% và 0,5% m/m trong tháng 12, nối tiếp đà tăng 0,8% và 0,7% của tháng 11, gần khớp với mức tăng 0,4% và 0,5% theo dự báo. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 31/12/2021 ở mức 230 nghìn đơn, tăng so với mức 207 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt khá mạnh so với mức 199 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt giảm 2,3% và 1,9% m/m trong tháng 12 sau khi tăng 0,1% và 0,2% ở tháng 11, trái với dự báo lần lượt tăng 0,2% và đi ngang (0,0% m/m). Niềm tin tiêu dùng tại thị trường này do Đại học Michigan khảo sát đạt mức 68,8 điểm trong tháng 01/2022, giảm so với mức 70,6 điểm của tháng trước và đồng thời thấp hơn mức 70,0 điểm theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Mỹ giảm nhẹ 0,1% m/m trong tháng vừa qua sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2%.

Tuần vừa qua, nước Anh ghi nhận nhiều thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, GDP của nước Anh tăng 0,9% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó, đồng thời tích cực hơn nhiều so với mức tăng 0,4% theo kỳ vọng. Bên cạnh đó, sản lượng xây dựng của nước này tăng 3,5% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 1,7% ở tháng 10. Sản lượng công nghiệp của Anh cũng tăng 1,0% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,5% ở tháng 10, cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại của nước này thâm hụt 11,3 tỷ GBP trong tháng 11, nhỏ hơn mức thâm hụt 11,8 tỷ của tháng trước đó và đồng thời nhỏ hơn nhiều so với mức dự báo thâm hụt 14,0 tỷ. Liên quan tới mối quan hệ giữa Anh và EU, Ngoại trưởng Anh Liz Truss và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic ngày 14/01 cho biết hai nền kinh tế đang nỗ lực giải quyết bất đồng liên quan tới vấn đề thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland. Trong một tuyên bố chung, hai bên mô tả cuộc đàm phán kéo dài hai ngày 12-13/01 là chân thành và cho biết đã nhất trí về một cuộc gặp vào ngày 24/01.

Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này ở mức 7,2% trong tháng 11/2021, giảm từ mức 7,3% của tháng 10 trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất của khu vực này kể từ giữa năm 2007. Tiếp theo, niềm tin đầu tư tại Eurozone do Sentix khảo sát được ở mức 14,9 điểm trong tháng 01/2022, tăng lên từ 13,5 điểm của tháng trước và vượt mức 12,6 điểm theo dự báo. Sản lượng công nghiệp tại khu vực này trong tháng 11/2021 tăng 2,3% m/m sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, vượt xa so với mức tăng 0,1% theo dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại tại Eurozone thâm hụt 1,3 tỷ EUR trong tháng 11, trái với mức thặng dư 1,8 tỷ của tháng 10, đồng thời trái với kỳ vọng thặng dư 1,5 tỷ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm