Tổng quan:
Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng ở những dự án có nguồn vốn lớn.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 của cả nước đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Mặc dù vậy, số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Cụ thể, năm 2021, cả nước có 1.738 dự án FDI được cấp mới, giảm 31,1% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại đạt 15,2 tỉ USD, tăng 4,1% so với năm trước. Điều này cho thấy, các dự án quy mô lớn, chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ. Quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án khoảng 9 triệu USD, cao gần gấp đôi so với năm trước. Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký điều chỉnh có 985 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt trên 9 tỉ USD, tăng 40,5% so với năm 2020. Đây được đánh giá là mức tăng rất mạnh, đồng thời là điểm sáng trong bức tranh thu hút FDI cả năm, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn khả quan. Trong năm 2021, có 3.797 lượt vốn góp, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án của Việt Nam, với giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỉ USD.
Trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỉ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng không nhiều, song do có dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỉ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỉ USD và trên 1,4 tỉ USD… 2021 cũng là năm thu hút thêm nhiều dự án lớn từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ USD từ vốn FDI như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina... Loạt dự án tỷ đô của Foxconn, Lego, Pegatron, Jinko Solar, Luxshare... đã đầu tư vào Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh...
Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021, ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước. Theo ý kiến các cơ quan quản lý, dịch bệnh bùng phát kéo dài trong năm 2021 dẫn tới việc hạn chế nhập cảnh và áp dụng chính sách cách ly dài ngày đã làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới vào Việt Nam. Mặc dù vậy, với nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển 2021, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn hàng đầu thế giới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có 67% số doanh nghiệp Châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam... Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam đã sử dụng việc tham gia các FTA như một công cụ để đảm bảo tăng cường sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính. Điều này sẽ đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm sản xuất công nghệ thấp và hàng hóa sơ cấp sang các mặt hàng công nghệ cao phức tạp hơn như điện tử, máy móc, phương tiện và thiết bị y tế. Việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vào năm ngoái là một ví dụ về điều này. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2022. RCEP sẽ giảm thuế quan và đặt ra các quy tắc thương mại và giúp liên kết chuỗi cung ứng, đặc biệt khi các chính phủ phải đối mặt với ảnh hưởng của COVID-19. Bên cạnh đó, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 nới lỏng các yêu cầu cấp và gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài vào Việt Nam. Về cơ bản, theo nghị quyết, trình độ học vấn không nhất thiết phải liên quan đến vị trí công việc tại Việt Nam và kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam có thể được tính là lợi thế hơn kinh nghiệm làm việc tại nước sở tại. Việc nới lỏng các quy định này cùng với việc nới lỏng thủ tục nhập cảnh trong năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp và người lao động vào Việt Nam có cơ hội việc làm. Với các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, sự ổn định tương đối về kinh tế và chính trị, chi phí hiệu quả và triển vọng nhu cầu tiêu dùng, Việt Nam có khả năng tiếp tục hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở Châu Á, thu hút một loạt nhà đầu tư mới cũng như giữ chân các nhà đầu tư hiện tại.
Tóm lược thị trường trong nước từ 04/01 - 07/01
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/01 - 07/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm luân phiên. Chốt tuần 07/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.138 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 đồng và mức 23.150 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 07/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.748 VND/USD, giảm tiếp 44 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xem. Chốt phiên cuối năm 07/01, tỷ giá tự do tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.520 VND/USD và 23.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Sau 2 tuần tăng mạnh, lãi suất VND LNH trong tuần từ 04/01 - 07/01 đã giảm trở lại ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống, chốt tuần 07/01 giao dịch quanh mức: ON 1,24% (-0,48 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,69% (-0,16 đpt); 2W 1,97% (-0,06 đpt); 1M 2,21% (+0,08 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn duy trì xu hướng tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 07/01, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, cụ thệ: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,24% và 1M 0,31%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 04/01 - 07/01, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, kỳ hạn 14 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần qua, có 2,04 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 2,04 tỷ VND từ thị trường, đưa số lượng lưu hành trên kên này xuống mức 10.537,71 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 05/01, KBNN huy động thành công 5.217/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%). Trong đó, khối lượng trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2.132/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm tại 2.750/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm tại 335/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,07%/năm (-0,01%), kỳ hạn 15 năm tại 2,35%/năm (+0,02%), kỳ hạn 20 năm tại 2,75%/năm (không đổi). Trong tuần không có TPCP đáo hạn.
Trong tuần từ 10-14/01, KBNN sẽ gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP, giảm so mức 7.000 tỷ đồng của tuần trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.154 tỷ đồng/phiên, tăng khá mạnh so với mức 9.339 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động tăng – giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 07/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,57% (-0,01 đpt); 2 năm 0,62% (+0,01 đpt); 3 năm 0,72% (+0,02 đpt); 5 năm 0,92% (+0,06 đpt); 7 năm 1,31% (+0,06 đpt); 10 năm 2,1% (không thay đổi); 15 năm 2,37% (không thay đổi); 30 năm 2,97% (+0,002 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 04/01 - 07/01, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực khi sắc xanh bao trùm cả 3 sàn, VN-Index trụ vững ở mốc trên 1.500 điểm. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 07/01, VN-Index đứng ở mức 1.528,48 điểm, tương ứng tăng 30,20 điểm (+2,02%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng mạnh 19,85 điểm (+4,19%) lên 493,84 điểm; UPCom-Index tăng 2,92 điểm (+2,59%) lên 115,60 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch trung bình khoảng 35.880 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.513 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Biên bản họp Fed cho thấy chính sách diều hâu, bên cạnh đó nước Mỹ đón một số thông tin quan trọng về kinh tế. Đầu tiên, về Fed, biên bản cuộc họp tháng 12/2021 được cơ quan này công bố ngày 06/01/2022, cho thấy hầu hết các quan chức đều lo ngại quá trình tăng của các loại giá cả sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Bên cạnh đó, thị trường lao động tại Mỹ cũng đang dần trở nên tích cực. Những yếu tố này có thể thúc đẩy Fed tăng LSCS sớm hơn hoặc với tốc độ nhanh hơn dự đoán trước đây. Một số ý kiến tại Fed cho rằng, bên cạnh việc tăng gấp đôi tốc độ giảm gói mua tài sản, Fed có thể sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối tài sản tương đối sớm sau khi bắt đầu tăng lãi suất. Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, ISM khảo sát cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại nước Mỹ lần lượt ở mức 58,7% và 62,0% trong tháng 12, cùng giảm so với 61,1% và 69,1% của tháng 11, đồng thời sâu hơn so với mức 60,0% và 67,0% theo dự báo. Tiếp theo, quốc gia này tạo ra 10,56 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 11, thấp hơn so với mức 11,09 triệu của tháng 10, đồng thời thấp hơn mức 11,06 triệu theo kỳ vọng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 01/01/2022 ở mức 207 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 200 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời cao hơn mức 199 nghìn đơn theo dự báo. Bộ Lao động Mỹ cho biết nước này tạo ra 199 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng trước, thấp hơn so với mức 249 nghìn của tháng 11 và thấp hơn nhiều so với mức 426 nghìn theo kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 12/2021 ở mức 3,9%; giảm tương đối mạnh từ mức 4,2% của tháng 11 và tích cực hơn mức 4,1% theo dự báo. Cuối cùng, thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ tăng 0,6% m/m trong tháng 12, nối tiếp mức tăng 0,4% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 0,4% theo dự báo.
Eurozone ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, doanh số bán lẻ tại Eurozone tăng 1,0% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,3% của tháng 10 và trái với dự báo giảm 0,4%. CPI tại khu vực này tăng 5,0% y/y trong tháng 12 theo báo cáo sơ bộ, cao hơn mức 4,9% của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 4,8% theo dự báo. Tại nước Đức nói riêng, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này giảm 0,2% m/m trong tháng 11 sau khi tăng 2,4% ở tháng 10, trái với kỳ vọng tăng 1,1%. Giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Đức tăng 3,7% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 5,8% ở tháng 10, vượt qua mức tăng 2,1% theo dự báo. Doanh số bán lẻ tại Đức tăng 0,6% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng 10 và trái với dự báo giảm nhẹ 0,2%. Cuối cùng, cán cân thương mại tại nước Đức thặng dư 10,9 tỷ EUR trong tháng 11, thấp hơn mức 12,4 tỷ của tháng 10 và đồng thời thấp hơn dự báo thặng dư 12,7 tỷ.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB