Tóm lược
Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 18/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.097 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.650 VND/USD và 23.150 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.730 VND/USD, chỉ giảm 01 đồng so với phiên 17/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và tăng 30 đồng ở chiều bán ra bán ra, giao dịch tại 23.530 VND/USD và 23.590 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 18/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,10 đpt ở các kỳ hạn ON, 1W và 1M, trong khi lãi suất kỳ hạn 2W đi ngang so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,16; 1W 1,54%; 2W 1,85 và 1M 2,01%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên các ở kỳ hạn ON và 1M trong khi dao động nhẹ ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,23%, 1M 0,31%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,77%; 5Y 0,92%; 7Y 1,31%; 10Y 2,08%; 15Y 2,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,50%. Khối lượng trúng thầu là 209,9 tỷ VND. Như vậy, NHNN bơm ròng 209,9 tỷ VND ra thị trường qua kênh cầm cố.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, áp lực bán tháo vẫn còn và xuất hiện chủ yếu ở phiên chiều, khối ngoại tiếp tục cho thấy lượng mua ròng đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 13,90 điểm xuống 1.438,94 điểm (-0,96%); HNX-Index cũng giảm mạnh 24,13 điểm (-5,42%) xuống 421,21 điểm; UPCoM-Index giảm 1,89 điểm (-1,73%) xuống 107,47 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức vừa phải với tổng giá trị giao dịch đạt gần 23.000 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng khá mạnh với tổng giá trị gần 886 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp. Về thoái vốn, năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng; trong đó, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại nước Đức ở mức 51,7 điểm trong tháng 01/2022, bật tăng từ mức 29,9 điểm của tháng trước đó, đồng thời vượt mạnh so với mức 32,1 điểm theo dự báo. Theo đó, niềm tin kinh tế tại khu vực Eurozone cũng ở mức 49,4 điểm trong tháng này, tăng từ 26,8 điểm của tháng trước và vượt qua kỳ vọng ở mức 29,2 điểm.
Thị trường lao động Anh đón nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này giảm 43,3 nghìn đơn trong tháng 11/2021, nối tiếp đà giảm 95,1 nghìn đơn của tháng trước đó và giảm mạnh hơn mức 38,6 nghìn theo dự báo. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Anh trong tháng 11 giảm xuống còn 4,1%, trái với dự báo đi ngang ở mức 4,2% của tháng 10. Cuối cùng, thu nhập bình quân của người dân Anh trong 3 tháng 09-10-11/2021 tăng 4,2% 3m/y; thấp hơn mức 4,9% của 3 tháng 08-09-10/2021 nhưng khớp với dự báo của các chuyên gia.
Sau hai ngày họp 17-18/01, NHTW Nhật Bản BOJ dự báo GDP của Nhật Bản năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,8%, cao hơn 0,9 đpt so với dự báo hồi tháng 10/2021. Ngoài ra, CPI lõi tại Nhật Bản được BOJ dự báo ở mức 1,1% trong năm nay, đồng nghĩa với tăng 0,2 đpt so với dự báo trước. Theo đó, BOJ quyết định duy trì LSCS ở mức -0,1% và tiếp tục duy trì các chính sách QE, nhằm hỗ trợ tối đa cho phát triển nền kinh tế, và quan trọng nhất là hướng tới lạm phát trung hạn đạt ngưỡng mục tiêu 2,0%. Các chuyên gia cho biết tình trạng kinh tế của Nhật Bản gần đây được cải thiện khá nhanh chóng, sau khi đất nước này gỡ bỏ dần các hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB