Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 25/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.068 VND/USD, tăng 06 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 22.550 VND/USD. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.670 VND/USD, tiếp tục tăng 05 đồng so với phiên 24/01. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.420 VND/USD và 23.480 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 25/01, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng mạnh 0,03 – 0,59 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,99; 1W 2,18%; 2W 2,34 và 1M 2,36%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, giao dịch tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,24%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở kỳ hạn 5Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 0,70%; 5Y 0,90%; 7Y 1,30%; 10Y 2,09%; 15Y 2,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 970,45 tỷ đồng trúng thầu. Như vậy, NHNN bơm ròng 970,45 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 4.972,77 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường đảo chiều khi cả 3 sàn tràn ngập sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 39,87 điểm đạt 1.479,58 điểm (+2,77%); HNX-Index cũng tăng mạnh 9,47 điểm (+2,36%) lên 410,23 điểm; UPCoM-Index tăng 1,32 điểm (+1,24%) lên 108,03 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 25.000 tỷ VND. Khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh ròng hơn 1.260 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 25/01, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố báo cáo cập nhật giám sát kinh tế khu vực tháng 1/2022, trong đó nhận định khu vực sẽ tiếp tục duy trì khả năng tự phục hồi trong năm 2022, bất chấp những thách thức mới từ đại dịch COVID-19. Trong đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được AMRO dự báo đạt mức 7,5% trong năm 2022, không thay đổi so với báo cáo hồi tháng 10/2021. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam năm 2022 được dự báo tăng lên mức 3,4% từ mức 3,2% của báo cáo trước đó.
Tin quốc tế:
IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới 2022. Trong báo cáo mới công bố ngày hôm qua 25/01, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 4,4% trong năm nay, giảm 0,5 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021. Nhóm các quốc gia phát triển được dự báo tăng 3,9% trong năm nay (-0,6 đpt); trong đó Mỹ tăng 4,0% (-1,2 đpt); Euro Area tăng 3,9% (-0,4 đpt); Nhật Bản tăng 3,3% (+0,1 đpt) và Anh tăng 4,7% (-0,3 đpt). Nhóm nước đang phát triển được dự báo tăng 4,8% (-0,3 đpt), trong đó Trung Quốc chỉ tăng 4,8% (-0,8 đpt); Ấn Độ tăng 9,0% (+0,5 đpt) và nhóm ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Vietnam) tăng 5,6% (-0,2 đpt). IMF đưa ra nguyên nhân của việc hạ dự báo chủ yếu là do biến thể Omicron đang bùng phát khiến cho thời kỳ dịch bệnh kéo dài, và các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục gián đoạn.
Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 113,8 điểm trong tháng 1, giảm nhẹ từ mức 115,8 điểm của tháng trước đó và không thấp như mức 111,4 điểm theo dự báo của các chuyên gia.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết CPI của nước này tăng 1,3% q/q trong quý 4/2021, nối tiếp đà tăng 0,8% của quý trước đó và đồng thời vượt khá mạnh so với mức tăng 1,0% theo dự báo. Như vậy, CPI quý cuối năm 2021 của Úc đã tăng tới 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB