Tổng quan:
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 08/02/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, trong Chỉ thị, Chính phủ giao NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 NHTM yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.
Trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành CSTT, cụ thể: (i) Điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững; (ii) Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (iii) Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai; (iv) Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực; (v) Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động chính sách tại NHCSXH; (vi) Phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 – 2023; (vii) Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thực trạng kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều biến động do tác động của dịch bệnh, CSTT cũng như các chính sách khác luôn phải linh hoạt, thiết thực để hỗ trợ được nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả nhất.
Tóm lược thị trường trong nước từ 07/02 - 11/02
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/02 - 11/02, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên đầu và cuối tuần trong khi tăng nhẹ ở 3 phiên giữa tuần. Chốt phiên 11/02, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.090 VND/USD, giảm 09 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động tăng – giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 11/02, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.687 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng vào đầu tuần rồi giảm trở lại sau đó. Chốt phiên cuối tuần 11/02, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 65 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.500 VND/USD và 23.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 07/02 - 11/02 tăng mạnh 3 phiên đầu tuần và giảm nhẹ trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 11/02, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,70% (+0,50 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,71% (+0,39 đpt); 2W 2,56% (+0,16 đpt); 1M 2,61% (+0,18 đpt).
Lãi suất USD LNH gần như không biến động trong tuần qua. Chốt tuần 11/02, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25% và 1M 0,32%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/02 - 11/02, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở 2 phiên đầu tuần, 3 phiên cuối tuần chào thầu 10.000 tỷ đồng, đều ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Có 14.389,77 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 20.390,2 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 6.000,43 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này xuống mức 15.454,66 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 09/02, KBNN huy động thành công 4.100/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 63%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.000/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 600/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,09%/năm (+0,01%), 2,39%/năm (+0,02%), 2,75%/năm (không đổi). Trong tuần có 3.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 14/02-18/02 có 6.572 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.382 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.495 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP đồng loạt tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 11/02, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,56% (+0,08 đpt); 2 năm 0,68% (+0,1 đpt); 3 năm 0,78% (+0,07 đpt); 5 năm 0,93% (+0,04đpt); 7 năm 1,38% (+0,08 đpt); 10 năm 2,15% (+0,05 đpt); 15 năm 2,49% (+0,1 đpt); 30 năm 3,01% (+0,04 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 07/02 - 11/02, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích cực hơn khi tăng điểm trở lại. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 11/02, VN-Index đứng ở mức 1.501,71 điểm, tương ứng tăng 22,75 điểm (+1,54%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 13,16 điểm (+2,44%) lên 426,89 điểm; UPCom-Index tăng 2,85 điểm (+2,60%) lên 112,54 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 23.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón thông tin quan trọng về lạm phát và một số lĩnh vực khác. Cụ thể, ngày 10/02, Bộ Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này cùng tăng 0,6% m/m trong tháng 01/2022, sau khi lần lượt tăng 0,4% và 0,6% ở tháng trước đó, đồng thời lớn hơn dự báo lần lượt tăng 0,4% và 0,5%. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần và CPI lõi Mỹ đã tăng tới 7,5% và 6,0% y/y trong tháng vừa qua, đánh dấu mức tăng y/y lớn nhất sau 40 năm, kể từ năm 1982. Theo CME dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có khả năng tăng LSCS 6 lần ngay trong năm 2022, lần đầu tiên có thể ngay trong cuộc họp vào tháng 03/2022 với mức tăng tới 50 điểm cơ bản, lên mức 0,5% - 0,75%. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 05/02 ở mức 223 nghìn đơn, giảm từ mức 239 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn một chút so với mức 227 nghìn đơn theo kỳ vọng. Tiếp theo, cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ của nước này thâm hụt 80,7 tỷ USD trong tháng 12/2021, sâu hơn mức thâm hụt 79,3 tỷ của tháng trước đó, song chưa quá lớn như mức thâm hụt 83 tỷ theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng sơ bộ tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 61,7 điểm trong tháng 2, giảm từ 67,2 điểm của tháng trước, là mức niềm tin thấp nhất kể từ giữa năm 2011.
Nước Anh đón nhiều thông tin kinh tích cực. Đầu tiên, GDP của nước Anh tăng 1,0 q/q trong quý 4/2021, nối tiếp đà tăng 1,1% của quý trước đó và thấp hơn một chút so với kỳ vọng tiếp tục tăng 1,1% của các chuyên gia. Như vậy, GDP của nước Anh tăng 7,3% năm 2021, phục hồi về mức trước khi bị dịch Covid-19 tác động. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp của nước Anh tăng 0,3% m/m trong tháng 12/2021, nối tiếp mức tăng 0,7% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,1% theo dự báo. Sản lượng xây dựng của nước này cũng tăng 2,0% m/m trong tháng 12 sau khi tăng 1,9% ở tháng 11, trái với dự báo giảm nhẹ 0,6%. Cuối cùng, cán cân thương mại Anh thâm hụt 12,4 tỷ GBP trong tháng cuối năm 2021, gần bằng mức thâm hụt 12,7 tỷ của tháng trước đó và khớp với dự báo.
Nhật Bản ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, NHTW Nhật Bản BOJ thống kê cho biết chỉ số giá sản xuất tại nước này tăng 8,6% y/y trong tháng 01/2022, thấp hơn một chút so với mức 8,7% của tháng trước đó, song vẫn cao hơn khá nhiều so với mức 8,2% theo dự báo. Tiếp theo, thu nhập bình quân của người dân Nhật Bản giảm 0,2% y/y trong tháng 12/2021, trái với mức tăng 0,8% của tháng 11 và đồng thời trái với kỳ vọng tăng 0,9%. Mức chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản giảm 0,2% y/y trong tháng 12, bớt tiêu cực hơn mức giảm 1,3% của tháng trước đó, song chưa khả quan như dự báo ở mức 0,0% y/y. Cuối cùng, cán cân vãng lai của Nhật Bản thặng dư 0,79 nghìn tỷ JPY trong tháng 12/2021, thấp hơn mức 1,37 nghìn tỷ của tháng 11 và đồng thời thấp hơn mức 1,16 nghìn tỷ theo kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB