Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 16/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.119 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.750 VND/USD, tiếp tục tăng mạnh 30 đồng so với phiên 15/02. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.530 VND/USD và 23.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 16/02, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,03 – 0,05 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,88; 1W 2,82%; 2W 2,65 và 1M 2,65%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn dài hơn; giao dịch tại: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,25%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở các kỳ hạn 10Y và 15Y, cụ thể: 3Y 0,84%; 5Y 0,99%; 7Y 1,41%; 10Y 2,16%; 15Y 2,49%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.878 tỷ đồng trúng thầu. Trong ngày có 478,99 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, hôm qua, NHNN bơm ròng 1.399,01 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 17.163,77 tỷ đồng.
Thị trường TPCP: Ngày 16/2, KBNN huy động thành công 4.519/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 65%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.509/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 1.510/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 10 năm 2,12%/năm (+0,04%); 15 năm 2,42%/năm (+0,05%); 30 năm 2,98%/năm (+0,02%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các cổ phiếu lớn tăng điểm tích cực giúp thị trường vực lại được 2/3 thiệt hại của phiên đầu tuần. Chốt phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,65 điểm xuống 1.492,10 điểm (-0,04%); HNX-Index tăng 5,28 điểm (+1,25%) đạt 429,12 điểm; UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,52%) lên 111,80 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt trên 23.400 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 23 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngân hàng Quốc tế HSBC đưa ra dự báo về các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam năm 2022, nâng nhẹ mức dự báo lạm phát bình quân 2022 của Việt Nam từ 2,7% lên 3%. Tuy nhiên, theo HSBC, mức này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho NHNN vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ. Do đó, trong khi tình hình lạm phát ở nhiều nước ASEAN như Thái Lan và Singapore bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều người, lạm phát nhiều khả năng không phải mối lo lớn với Việt Nam năm nay.
Tin quốc tế:
Biên bản cuộc họp đầu năm cho thấy Fed kỳ vọng sớm tăng LSCS. Trong biên bản cuộc họp tháng 01 công bố vào sáng sớm nay 17/02, FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên bang, thuộc Fed) cho biết cơ quan này hướng đến mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong trung hạn. Theo đó, FOMC quyết định giữ LSCS ở mức 0% - 0,25%. Tuy nhiên, với việc lạm phát đang ở trên mức 2,0% một thị trường lao động mạnh mẽ, FOMC kỳ vọng sẽ sớm tới thời điểm thích hợp để bắt đầu tăng LSCS. Bên cạnh đó, FOMC quyết định tiếp tục giảm quy mô mua tài sản từng tháng, và sẽ chấm dứt hoạt động này vào đầu tháng 03/2022. Fed khẳng định lượng lớn tài sản mà cơ quan này mua và nắm giữ nhằm đảm bảo thị trường tài chính hoạt động một cách trơn tru, hỗ trợ cho dòng chảy tín dụng tới các hộ gia đình và các doanh nghiệp.
Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 3,3% và 3,8% m/m trong tháng 01/2022 sau khi giảm 2,3% và 1,9% ở tháng trước đó, cùng vượt qua mức tăng 1,0% và 2,1% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ toàn phần của nước này tăng tới 13,0% trong tháng đầu năm.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS cho biết CPI toàn phần và CPI lõi nước này trong tháng 01/2022 lần lượt tăng 5,5% và 4,4% y/y, cùng cao hơn mức 5,4% và 4,2% của tháng trước đó và đồng thời cũng cao hơn mức 5,4% và 4,3% theo dự báo.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB