Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 23/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.130 VND/USD, không thay đổi so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.835 VND/USD, tăng 40 đồng so với phiên 22/02. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 23/02, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,04 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên trước đó, cụ thể: ON 2,53; 1W 2,65%; 2W 2,63 và 1M 2,53%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống; giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,25%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở các kỳ hạn 10Y và 15Y, cụ thể: 3Y 1,05%; 5Y 1,12%; 7Y 1,55%; 10Y 2,23%; 15Y 2,55%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu. Trong ngày có 7.937,99 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 7.937,99 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 3.239,88 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 23/02, KBNN chỉ huy động thành công 6/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 0,1%). Trong đó, chỉ duy nhất kỳ hạn 10 năm huy động được 6/2.000 tỷ đồng, lãi suất không đổi tại 2,12%/năm. Với các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 20 năm, KBNN lần lượt gọi thầu 500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng nhưng đều đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, nhiều cổ phiếu blue-chip tăng giá, thị trường giao dịch trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,83 điểm đạt 1.512,30 điểm (+0,59%); HNX-Index tăng 8,11 điểm (+1,87%) lên 442,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,50 điểm (+0,44%) lên 113,01 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 27.600 tỷ VND. Khối ngoại mua ròng hơn 127 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7% trong năm 2022 và 7,0% trong năm 2023. Lạm phát trong năm nay được dự báo ở mức khoảng 4%; khi kinh tế tăng trưởng mạnh, lạm phát trong năm 2023 sẽ đáng quan ngại hơn với mức trên 5%, cụ thể là 5,5%.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết CPI toàn phần và CPI lõi của khu vực này chính thức tăng 5,1% và 2,3% y/y trong tháng 1, cùng không thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ. Liên quan tới kinh tế Đức nói riêng, tổ chức Growth from Knowledge (GfK) khảo sát được chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước này ở mức -8,1 điểm trong tháng 2, giảm từ mức -6,7 điểm của tháng trước và trái với kỳ vọng cải thiện nhẹ lên mức -6,2 điểm.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết chỉ số tiền lương tại nước này tăng 0,7% q/q trong quý 4/2021, nối tiếp đà tăng 0,6% của quý trước đó và khớp với kỳ vọng. So cùng kỳ năm 2021, chỉ số lương của nước Úc tăng 2,3%. Tiếp theo, giá trị công trình xây dựng đã hoàn thành trong quý 4/2021 tại Úc giảm 0,4% q/q, nối tiếp đà giảm 1,2% ở quý trước đó và trái với kỳ vọng tăng mạnh 2,6%. So với cùng kỳ năm 2020, mức độ hoàn thành xây dựng trong quý 4 vẫn tăng 4,2%.
Tiếp bước Mỹ và EU, Nhật Bản ngày hôm qua 23/02 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga khi Moscow công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, đe dọa tới hòa bình trên lãnh thổ Ukraine. Các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản nhắm tới bao gồm cấm việc phát hành trái phiếu Nga tại Nhật Bản, đóng băng các tài khoản ngân hàng, hạn chế nhập cảnh đối với một số nhân vật của Nga.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB