Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 19/04 - 23/04/2021

08:00 26/04/2021

Tổng quan:

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng tích cực trong quý I/2021 nhờ tháng 3 tăng mạnh sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/03/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn giải ngân ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD. Đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Nước đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong quý I là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn; tiếp theo là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hai nguồn vốn này chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, HongKong, Mỹ… Ðiểm tích cực là làn sóng công nghệ cao vào Việt Nam đã xuất hiện với hàng loạt dự án đã đi vào hoạt động của Samsung, Foxconn, Luxshare, Intel… bên cạnh hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới Việt Nam gần đây. Nhìn từ khía cạnh thương mại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI là khối dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu trong khi xuất khẩu từ khu vực trong nước chững lại. Quý 1, xuất khẩu của khu vực FDI tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước trong khi xuất khẩu từ khu vực trong nước chỉ tăng 3,6%. Khu vực trong nước thâm hụt 6,4 tỷ USD (so với mức thâm hụt 3,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái) trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thặng dư 9,23 tỷ USD (so với mức thặng dư 7,4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, hiện nay, Việt Nam được xem là địa chỉ tốt cho dòng vốn FDI chất lượng cao. Sau đại dịch COVID-19 và trước đó từ “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội, một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong nước cũng liên tục được hoàn thiện, nâng cấp. Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của COVID-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á. Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao, giúp cải thiện trình độ chuyên môn, góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả này chưa mang yếu tố bền vững bởi sự tăng trưởng chủ yếu tập trung vào tháng 3/2021, với tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần đạt gần 5 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là, trong tháng 3, có một dự án FDI lớn là Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore, tổng vốn đầu tư 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải, phân phối, sản xuất điện tại tỉnh Long An, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 19/03, đã khiến dòng vốn FDI trong tháng 3 và quý I/2021 tăng mạnh. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Một yếu tố nữa trong thu hút FDI 3 tháng đầu năm là Việt Nam vẫn chỉ thu hút được các đối tác truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, trong khi dòng vốn FDI đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu vẫn rất hạn chế… Với các yếu tố trên, nhiều chuyên gia nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay chưa thể nói có đột phá so với những năm trước đó.

Tóm lược thị trường trong nước từ 19/04 - 23/04

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 19/04 - 23/04, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm tương tự tuần trước đó. Chốt phiên 23/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.179 VND/USD, giảm mạnh 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 23/04 ở mức 23.824 VND/USD.

Tỷ giá LNH tuần qua tăng nhẹ 2 phiên đầu tuần và giảm trở lại ở các phiên cuối. Chốt ngày 23/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.058 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng trở lại ở hầu hết các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 23/04, tỷ giá tự do tăng 95 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.730 – 23.770 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 19/04 - 23/04, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 23/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,46% (-0,01 đpt); 1W 0,61% (không thay đổi); 2W 0,70% (không thay đổi); 1M 0,88% (-0,03 đpt).

Tương tự, lãi suất USD LNH chỉ dao động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 23/04, lãi suất giữ nguyên ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, đóng cửa tại 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,23% và 1M 0,33%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 19/04 - 23/04, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 19/04 - 23/04, KBNN huy động thành công 9.350/9.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 98%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.500 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 350/500 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,15%/năm (+0,02%), kỳ hạn 10 năm tại 2,34%/năm (-0,04%), kỳ hạn 15 năm tại 2,55%/năm (-0,02%), kỳ hạn 20 năm không đổi tại 2,89%/năm. Trong tuần qua có 5.240 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần từ 26/04 – 30/04, KBNN gọi thầu 8.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần có 7.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.181 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 8.403 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 19/04 - 23/04, lợi suất TPCP biến động trái chiều so với tuần trước đó. Chốt phiên 23/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (+0,001 đpt); 2 năm 0,48% (không thay đổi); 3 năm 0,67% (+0,01 đpt); 5 năm 1,18% (+0,02 đpt); 7 năm 1,43% (-0,08 đpt); 10 năm 2,35% (-0,04 đpt); 15 năm 2,56% (-0,04 đpt); 30 năm 3,11% (-0,03 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán tuần từ 19/04 - 23/04, các chỉ số tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.248,53 điểm, tăng 9,82 điểm (+0,79%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 9,48 điểm (-3,23%) xuống 283,63 điểm; UPCoM-Index giảm 1,39 điểm (-1,70%) xuống 80,40 điểm.

Thị trường tiếp tục giao dịch sôi động, thanh khoản thị trường ở mức cao tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 23.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 714 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua, mặc dù đã mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở phiên cuối tuần.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón nhận một số thông tin kinh tế trong tuần qua, chờ đợi phiên họp quan trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed trong tuần này. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại quốc gia này tuần kết thúc ngày 17/04 ở mức 547 nghìn đơn, tiếp tục giảm xuống từ mức 586 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng lên mức 607 nghìn đơn. Tiếp theo, doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 3 ở mức 6,01 triệu căn, thấp hơn so với mức 6,24 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời chưa đạt kỳ vọng ở mức 6,18 triệu căn. Trong tuần này, Fed sẽ có cuộc họp CSTT vào ngày 27-28/04, kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 29/04 theo giờ Việt Nam. Hầu hết thị trường đều dự đoán Fed sẽ không có thay đổi nào về LSCS trong cuộc họp này, kể cả trong bối cảnh CPI tại nước Mỹ ở mức 2,6% và CPI lõi là 1,6% y/y trong tháng 3 vừa qua. Biểu đồ dự báo của CME ngày 25/04 cho thấy khả năng Fed không thay đối LS là 95,6% và chỉ có 4,4% khả năng Fed nâng LS thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 0,25% - 0,50%. Trong cuộc họp lần trước vào tháng 3, biểu đồ dot plots của Fed cho thấy cơ quan này kiên định trong việc giữ LSCS ở mức gần 0%, ít nhất cho tới năm 2023.

NHTW Châu Âu ECB không thay đổi CSTT trong cuộc họp vừa qua, bên cạnh đó khu vực Eurozone đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Cụ thể, trong phiên họp diễn ra tuần qua, ECB quyết định giữ LS cho vay tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên ở mức 0,25%; và LS tiền gửi ở mức -0,5%. ECB kỳ vọng duy trì LSCS ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho tới khi nhìn thấy triển vọng lạm phát đi lên mạnh mẽ, tới mức đủ gần, ngay bên dưới ngưỡng mục tiêu 2,0%. Đồng thời, NHTW này không thay đổi quy mô và tốc độ thực hiện chương trình thu mua TPCP cấp tốc trị giá 1.850 tỷ EUR, được cam kết duy trì ít nhất cho tới cuối tháng 03/2022. ECB cũng cam kết rằng các tài sản đáo hạn nằm trong PEPP sẽ được tái đầu tư cho tới ít nhất hết năm 2023. Liên quan tới kinh tế Eurozone, cán cân vãng lai của khu vực này thặng dư 25,9 tỷ EUR trong tháng 2, thấp hơn mức thặng dư 34,7 tỷ EUR trong tháng trước đó đồng thời thấp hơn mức thặng dư 31,2 tỷ theo dự báo của các chuyên gia. PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone lần lượt ở mức 63,3 và 50,3 điểm trong tháng 4, cùng tăng so với 62,5 và 49,6 điểm của tháng 3, trái với dự báo giảm xuống mức 62,0 và 49,1 điểm. Liên quan tới nước Đức PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 66,4 điểm trong tháng 4, giảm nhẹ so với 66,6 điểm của tháng 3 nhưng vẫn tích cực hơn mức 65,8 điểm theo dự báo. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này giảm xuống còn 50,1 điểm trong tháng 4 từ 51,5 điểm của tháng 3, sâu hơn mức 51,1 điểm theo dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá sản xuất tại Đức tăng 0,9% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 0,6% theo kỳ vọng.

Nước Anh tuần vừa qua ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế tích cực. Đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm xuống 4,9% trong tháng 3, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 5,0%. CPI tại nước Anh trong tháng 3 tăng 0,7% y/y, mạnh hơn mức tăng 0,4% của tháng trước đó và sát với dự báo ở mức 0,8%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 5,4% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 2,2% của tháng trước đó, đồng thời vượt mạnh so với mức tăng 1,5% theo dự báo. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Anh lần lượt ở mức 60,7 và 60,1 điểm trong tháng 4, cùng tăng so với 58,9 và 56,3 điểm của tháng 3, đồng thời cao hơn so với dự báo ở mức 59,0 và 58,9 điểm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm