Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 05/04 - 09/04/2021

08:00 12/04/2021

Tổng quan:

Ngày 02/04/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 13/03/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ được đánh giá tích cực vì tính kịp thời và hữu dụng của nó đối với cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ngay từ khoảng giữa năm 2020, nhiều quy định tại Thông tư 01 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình, theo quy định tại Thông tư 01, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với các số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.

Theo quy định sửa đổi tại Thông tư 03, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Phát sinh trước ngày 10/06/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020; được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19... Liên quan đến miễn, giảm lãi, phí, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quy định, TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Như vậy, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021. Về giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ, theo Thông tư số 03, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 thuộc diện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của NHNN trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020. TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/06/2020. Kể từ ngày 01/01/2024, TCTD căn cứ quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư. Về trích lập dự phòng rủi ro, Thông tư 03 quy định, TCTD thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi. Việc trích lập dự phòng nợ cơ cấu được giãn trong 3 năm. Kể từ ngày 01/01/2024, TCTD căn cứ quy định của NHNN về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư. Cụ thể, Thông tư số 03 hướng dẫn, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, TCTD thực hiện trích bổ sung tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất vào 31/12/2021. Tỷ lệ trích lập này tăng lên tối thiểu 60% tại ngày 31/12/2022 và 100% tại ngày 31/12/2023. Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 17/05/2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các DN thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các NHTM. Đối với phía DN, việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ DN vay vốn SX, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19. Đối với phía NHTM, việc sửa đổi này sẽ có tác động tích cực nhiều hơn, cả trong ngắn và dài hạn. Trong đó, danh mục nợ tái cơ cấu của các NH có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu mở rộng. Việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu được quy định trong Thông tư 03 dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho NH, đặc biệt trong năm 2021.

Tóm lược thị trường trong nước từ 05/04 - 09/04

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 05/04 - 09/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm qua hầu hết các phiên. Chốt phiên 09/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.214 VND/USD, giảm mạnh 27 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 09/04 ở mức 23.860 VND/USD.

Tỷ giá LNH biến động theo xu hướng giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt ngày 09/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.065 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm mạnh qua các phiên, tuy nhiên chốt tuần chỉ giảm 05 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.745 – 23.795 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 05/04 - 09/04, xu hướng chung của lãi suất VND LNH là biến động tăng nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 09/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,33% (+0,05 đpt); 1W 0,42% (+0,03 đpt); 2W 0,51% (+0,03 đpt); 1M 0,74% (+0,05 đpt).

Tương tự, lãi suất USD LNH dao động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 09/04, lãi suất kỳ hạn ON đóng cửa tại 0,15% (+0,01 đpt); 1W 0,19% (không thay đổi); 2W 0,25% (+0,01 đpt) và 1M 0,35% (+0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 05/04 - 09/04, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 05/04-09/04, KBNN huy động thành công 5.000/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 91%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,13% (+0,03%); 10 năm tại 2,35% (+0,05%); 15 năm tại 2,55% (+0,05%). Trong tuần qua khối lượng đáo hạn là 5.777 tỷ đồng. Tuần từ 12/04 – 16/04, KBNN tiếp tục gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần không có TPCP đáo hạn.  

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.427 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 10.374 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 05/04 - 09/04, lợi suất TPCP tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn so với tuần trước đó. Chốt phiên 09/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (+0,003 đpt); 2 năm 0,48% (+0,01 đpt); 3 năm 0,66% (+0,01 đpt); 5 năm 1,18% (+0,05đpt); 7 năm 1,5% (-0,05 đpt); 10 năm 2,4% (+0,001 đpt); 15 năm 2,6% (-0,001 đpt); 30 năm 3,15% (-0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Sau tuần hưng phấn trước đó, thị trường chứng khoán tuần từ 05/04 - 09/04 diễn biến bình lặng hơn tuy vẫn khá tích cực khi VN-Index duy trì trên mức 1.200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.231,66 điểm, tương ứng tăng nhẹ 7,21 điểm (+0,59%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 1,10 điểm (-0,37%) xuống 293,79 điểm; UPCoM-Index tăng 0,74 điểm (+0,90%) lên 83,01 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 19.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 1.478 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua nhờ phiên cuối tuần mua ròng mạnh hơn 2.300 tỷ đồng. 

Tin quốc tế

Biên bản cuộc họp Fed tháng 3 của Fed mang tính trấn an lớn tới thị trường. Trong biên bản cuộc họp này, Fed cho biết chính sách thích ứng sẽ chỉ được thay đổi khi đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa đối với các mục tiêu về toàn dụng nhân công và ổn định giá cả; nhấn mạnh chính sách này sẽ không bị điều chỉnh dựa trên các dự báo. Biên bản cho biết thị trường sẽ nhận được nhiều thông báo trước khi Fed thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) thống nhất giữ LSCS ở mức gần 0% và tiếp tục kế hoạch thu mua TPCP trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, Fed nhận định kinh tế Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn những dự đoán trước đây. Cụ thể, Fed dự báo GDP Mỹ 2021 tăng 6,5% (+2,3 đpt so dự báo tháng 12/2020); tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,5% vào cuối năm và lạm phát có thể lên đến 2,2%, cao hơn một chút so với mục tiêu 2% mà Fed vẫn kỳ vọng. Sau khi công bố biên bản cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell có buổi họp với Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tại đây ông khẳng định, mối lo lớn nhất trong bối cảnh hiện tại không phải vấn đề lạm phát, mà là sự lây lan của Covid-19 trên toàn thế giới. Ông Powell cho rằng việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine, kết hợp với duy trì giãn cách xã hội là những điều cần quan tâm hàng đầu ở thời điểm hiện tại.

Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng ISM Mỹ cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 63,7% trong tháng 3, tăng mạnh từ 55,3% của tháng trước đó và vượt qua mức 58,3% theo dự báo. Tiếp theo, nước Mỹ tạo ra 7,37 triệu cơ hội việc làm trong tháng 2, cao hơn mức 7,10 triệu của tháng 1 và đồng thời cao hơn mức 6,91 triệu theo dự báo. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/04 ở mức 744 nghìn đơn, tăng nhẹ so với mức 728 nghìn của tuần trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 682 nghìn đơn. Chỉ số giá sản xuất PPI lõi và PPI toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,7% và 1,0% trong tháng 3 sau khi tăng 0,2% và 0,5% trong tháng 2. Cuối cùng, cán cân thương mại tại Mỹ thâm hụt 71,7 tỷ USD trong tháng 2, sâu hơn mức thâm hụt 67,8 tỷ của tháng 1 đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 70,2 tỷ theo dự báo.

NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS trong phiên họp đầu tháng 4, đồng thời nước này đón tin tích cực về lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể, RBA nhận định kinh tế nước Úc đang tăng trưởng tích cực hơn so với dự kiến. Tuy nhiên tiền lương cho người lao động và áp lực giá cả vẫn đang khá yếu. Trong ngắn hạn, CPI có thể tăng tạm thời do dịch Covid-19 gây ra hiệu ứng số. Theo đó, lạm phát cơ bản sẽ ở dưới ngưỡng mục tiêu 2,0% trong vài năm tới. Theo đó, RBA quyết định duy trì LSCS ở mức 0,10% cùng kế hoạch thu mua TPCP đã thiết lập trước đây. RBA cam kết sẽ duy trì cao độ CSTT hỗ trợ thị trường, sẽ không tăng LSCS cho tới khi lạm phát thực tế bền vững trong ngưỡng mục tiêu 2% - 3%. Liên quan đến lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực dịch vụ, PMI của hai lĩnh vực này lần lượt ở mức 61,8 và 58,7 điểm trong tháng 3, cùng tăng so với mức 57,4 và 55,8 điểm của tháng trước đó.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm