Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/04, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.229 VND/USD, giảm trở lại 08 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.876 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.088 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 06/04. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm tiếp 40 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.780 - 23.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức: ON 0,29%; 1W 0,39%; 2W 0,49% và 1M 0,67%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng ở kỳ hạn 15Y và giảm ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên tại: 3Y 0,66%; 5Y 1,14%; 7Y 1,52%; 10Y 2,39%; 15Y 2,60%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường TPCP: Ngày 07/04, KBNN huy động thành công 5.000/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 91%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,13% (+0,03%); 10 năm 2,35% (+0,05%); 15 năm 2,55% (+0,05%).
Thị trường chứng khoán: Sau 7 phiên tăng liên tiếp, phiên hôm qua, áp lực bán chốt lời gia tăng mạnh khiến thị trường có những nhịp rung lắc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,42 điểm (+0,20%) lên 1.242,38 điểm; HNX-Index tăng 1,16 điểm (+0,40%) lên 292,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%) xuống 82,56 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên 20.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 86 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến hết tháng 3 tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dùng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%. Với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, NHNN đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed vừa công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Các quan chức Fed cho biết chính sách thích ứng sẽ chỉ được thay đổi khi đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa đối với các mục tiêu về toàn dụng nhân công và ổn định giá cả; nhấn mạnh chính sách này sẽ không bị điều chỉnh dựa trên các dự báo. Biên bản cho biết thị trường sẽ nhận được nhiều thông báo trước khi Fed thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Tại cuộc họp hồi tháng 3, các quan chức có quyền bỏ phiếu của Fed đã thống nhất giữ lãi suất vay ngắn hạn ở mức gần 0% và tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. Trong biên bản, Fed dự báo GDP năm 2021 của Mỹ được tăng lên 6,5% từ mức kỳ vọng 4,2% trong dự báo tháng 12; tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,5% vào cuối năm và lạm phát có thể lên đến 2,2%, cao hơn một chút so với mục tiêu 2% truyền thống của Fed.
Cán cân thương mại nước Mỹ thâm hụt 71,1 tỷ USD trong tháng 2 vừa qua, sâu hơn mức thâm hụt 67,8 tỷ của tháng 1 đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 70,2 tỷ theo dự báo. Đây là mức thâm hụt cán cân thương mại kỷ lục của nước này.
IHS Markit cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ của Eurozone chính thức đạt mức 49,6 điểm trong tháng 3, được điều chỉnh tăng lên so với mức 48,8 điểm theo khảo sát sơ bộ, đồng thời tăng khá mạnh từ mức 45,7 điểm của tháng 2. Tại nước Anh, PMI lĩnh vực dịch vụ chính thức ở mức 56,3 điểm trong tháng 3, điều chỉnh giảm xuống so với mức 56,8 điểm theo khảo sát sơ bộ, tuy nhiên vẫn tăng mạnh so với mức 49,5 điểm của tháng trước đó.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB