Tổng quan:
Quý 1/2021, tổng sản phẩm trong nước GDP của Việt Nam ước tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm nhưng cao hơn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 2. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ.
Theo Tổng cục Thống kê, con số này là cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với Quý 1 các năm trước đó: quý 1/2019: 6,79%; quý 1/2018: 7,38%; quý 1/2017: 5,10%; quý 1/2016: 5,46%; quý 1/2015: 6,03%. Nguyên nhân là do từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý 1/2020 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1 như sau: bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 đpt); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 đpt; ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 đpt; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 đpt.
Trước đó, từ đầu năm, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 là 6,5%, trong đó, quý 1 là 5,12%; quý 2 là 7,11%; quý 3 là 6,71% và quý 4 là 6,67%. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 2, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, ước tính GDP quý 1/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6,0%) và mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%). Có chuyên gia kinh tế còn kém lạc quan hơn khi lo ngại không dễ để đạt mức tăng trưởng GDP đạt được dương trong quý 1/2021 hoặc có thể sẽ rơi vào khoảng 2,8-3%.
Về lạm phát, Tổng cục Thống kê lưu ý dù chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân quý 1-2021 tăng chỉ 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ bởi các quốc gia tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng; theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. Nguyên nhân dẫn đến chỉ số CPI tháng 3/2021 giảm như trên là do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,29%; CPI tháng 3/2021 tăng 1,31% so với tháng 12/2020 và tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020, thấp nhất kể từ năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý 1/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 3/2021, có 7 nhóm giảm giá so với tháng trước, 4 nhóm tăng giá. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm nhiều nhất, giảm 1,46% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,49 đpt) do giá thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau tươi giảm mạnh nhờ nguồn cung dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,37%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,2%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%. Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 2,29% (làm CPI chung tăng 0,22 đpt) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào thời điểm 25/02/2021, 12/3/2021 và 27/3/2021. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,24% do giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng làm cho giá vật liệu xây dựng tăng; giá gas tăng 1,37% do giá gas trong nước điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 15 USD/tấn (từ mức 595 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do giá thuốc các loại tăng 0,04%. Nhóm giáo dục tăng 0,01%, chủ yếu do giá văn phòng phẩm tăng.
Tóm lược thị trường trong nước từ 29/03 - 02/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 29/03 - 02/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ 3 phiên đầu tuần và giảm nhẹ trở lại 2 phiên cuối. Chốt phiên 02/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.241 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 02/04 ở mức 23.888 VND/USD.
Tỷ giá LNH ít biến động trong tuần qua. Chốt ngày 02/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.077 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 2 phiên đầu tuần rồi giảm mạnh ở các phiên sau đó. Kết thúc tuần ngày 02/04, tỷ giá tự do giảm 185 đồng ở chiều mua vào và 165 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.750 – 23.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 29/03 - 02/04, lãi suất VND LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 02/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,28% (-0,01 đpt); 1W 0,39% (-0,01 đpt); 2W 0,48% (-0,01 đpt); 1M 0,69% (+0,03 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH cũng dao động nhẹ qua các phiên, chốt tuần 02/04, lãi suất kỳ hạn ON đóng cửa tại 0,14% (không thay đổi); 1W 0,19% (+0,01 đpt); 2W 0,24% (+0,01 đpt) và 1M 0,34% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 29/03 - 02/04, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 29/03 - 02/04, KBNN huy động thành công 3.553/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 65%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 950/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 103/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn các kỳ hạn lần lượt tại 1,10%/năm (+0,02%), 2,30%/năm (+0,03%); 2,50%/năm (+0,02%) và 3,05%/năm (không đổi). Không có khối lượng đáo hạn trong tuần qua. Tuần từ 05/04 – 09/04, KBNN tiếp tục gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần có 5.777 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.374 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 14.054 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 29/03 - 02/04, lợi suất TPCP tăng nhẹ so với tuần trước đó. Chốt phiên 02/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,25% (+0,002 đpt); 2 năm 0,47% (0,001 đpt); 3 năm 0,66% (+0,01 đpt); 5 năm 1,13% (+0,02đpt); 7 năm 1,55% (+0,04 đpt); 10 năm 2,39% (+0,002 đpt); 15 năm 2,6% (+0,003 đpt); 30 năm 3,16% (+0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 29/03 - 02/04 vừa có tuần giao dịch tích cực khi VN-Index vượt xa mức đỉnh lịch sử năm 2018. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.224,45 điểm, tương ứng tăng 62,24 điểm (+5,36%) so với tuần trước đó; HNX-Index cũng tăng 23,93 điểm (+8,83%) lên 294,89 điểm; UPCoM-Index tăng 2,42 điểm (+3,03%) lên 82,27 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 19.000 tỷ đồng/phiên. Mặc dù mua ròng khá mạnh phiên cuối tuần, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng 355 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi kế hoạch chi tiêu cải tạo cơ sở hạ tầng. Ngày 31/03, Tổng thống Joe Biden khẳng sự cấp bách phải thông qua kế hoạch “American Job”, nhằm đại tu một nền kinh tế méo mó và không công bằng, cũng như giúp quốc gia này cạnh tranh tốt hơn với các cường quốc kinh tế khác. Phần đầu tiên của kế hoạch này là gói chi tiêu 2.000 tỷ USD nhằm đầu tư vào các dự án truyền thống như cầu đường, thúc đẩy dịch vụ và bảo vệ môi trường. Nguồn lực thực hiện kế hoạch này được ông Biden đề xuất bằng cách nâng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%. Kế hoạch trên của vị Tổng thống Mỹ đang vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Các nhà lập pháp này cho rằng gói chi tiêu trên sẽ ảnh hưởng đến khoản tiền đầu tư quân sự hằng năm của Chính phủ Mỹ, kèm theo đó sẽ làm suy yếu lực phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù vậy, khả năng đạt được kế hoạch này của ông Biden khá cao khi Đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng nếu không có tình huống đặc biệt xảy ra, kế hoạch của Tổng thống Biden sẽ được thông qua vào đầu tháng 07/2021.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, về thông tin tích cực, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết mức niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 3 là 109,7 điểm, tăng rất mạnh từ mức 90,4 điểm của tháng trước đó, đồng thời vượt xa so với kỳ vọng ở mức 96,0 điểm. Tiếp theo, ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 64,7% trong tháng 3, tăng khá mạnh so với 60,8% của tháng trước đó, vượt qua kỳ vọng ở mức 61,5%. Về thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 916 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 3, cao hơn nhiều so với mức 468 nghìn của tháng 2 và cao hơn mức 652 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng vừa qua giảm xuống còn 6,0% từ mức 6,2% của tháng 2, khớp với dự báo. Về thông tin tiêu cực, thu nhập bình quân theo giờ tại nước Mỹ trong tháng 3 giảm 0,1% m/m sau khi tăng 0,3% của tháng 2, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,1%. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ được ghi nhận ở mức 719 nghìn đơn trong tuần kết thúc ngày 27/03, tăng so với mức 658 nghìn đơn của tuần trước đó và tiêu cực hơn nhiều so với mức 678 nghìn đơn theo dự báo.
EU thống nhất kế hoạch triển khai vaccine, cũng trong tuần qua Eurozone đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Về kế hoạch vaccine, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu EU Ursula von der Leyen khẳng định 27 nước thành viên vẫn trên đà đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% số người trưởng thành vào cuối mùa hè 2021. Các nước hiện đang gặp khó khăn nhất là Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia and Slovakia sẽ được ưu tiên nhận 2,85 triệu trong tổng số 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech mà khối này dự kiến tiếp nhận trong quý 2. Liên quan đến thông tin kinh tế Eurozone, CPI toàn phần của khu vực này tăng 1,3% y/y trong tháng 3, cao hơn mức 0,9% của tháng trước đó và sát với dự báo ở mức 1,4%. Tuy nhiên, CPI lõi Eurozone trong tháng vừa qua chỉ tăng 0,9% y/y; trái với dự báo tăng bằng mức 1,1% của tháng 2. Tại nước Đức, doanh số bán lẻ của nước này tăng 1,2% m/m trong tháng 2 sau khi lần lượt giảm mạnh 9,6% và 4,5% ở tháng 12/2020 và 01/2021; tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng 2,0% theo kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB