Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 23/03/2021

08:00 23/03/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.204 VND/USD, tiếp tục tăng 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.850 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.076 VND/USD, không thay đổi so với phiên 19/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 40 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.920 - 23.980 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,30%; 1W 0,40%; 2W 0,48% và 1M 0,67%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn ON, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,26%, 1M 0,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y và giảm ở các kỳ hạn dài hơn, giao dịch tại: 3Y 0,66%; 5Y 1,12%; 7Y 1,54%; 10Y 2,44%; 15Y 2,65%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường tiêu cực khi cả 3 sàn đều giao dịch dưới mức tham chiếu, duy có VN-Index cuối phiên được hỗ trợ bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn nên chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,38 điểm (+0,03%) lên 1.194,43 điểm; HNX-Index giảm 2,86 điểm (-1,03%) xuống 274,84 điểm; UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,25%) xuống 81,28 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng trị giá giao dịch đạt trên 18.700 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng hơn 457 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới được Heritage Foundation (Mỹ) công bố, Việt Nam được 61,7 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế. Những năm gần đây, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam liên tục được cải thiện, với điểm tổng thể năm 2016 là 54 điểm; năm 2017 là 52,4 điểm; năm 2018 là 53,1 điểm; năm 2019 là 55,3 và năm 2020 Việt Nam là 58,8 điểm.       

Tin quốc tế:

EU ký lệnh trừng phạt đối với các quốc gia, tổ chức vi phạm nhân quyền, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, với cáo buộc nước này giam giữ người tùy tiện với quy mô lớn, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của EU chỉ mang tính biểu tượng và sẽ không có các hành động cụ thể. Tuần trước, Bắc Kinh cũng từng lên tiếng cảnh báo EU không can thiệp vào các vần đề an ninh quốc gia Trung Quốc. Nước này cho rằng các lệnh trừng phạt có thể thúc đẩy một cuộc đối đầu trên nhiều phương diện.

NHTW Châu Âu ECB cho biết cán cân vãng lai của khu vực này thặng dư 30,5 tỷ EUR trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với mức thặng dư 36,7 tỷ của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn so với mức thặng dư 34,5 tỷ như dự báo. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức thặng dư vãng lai lớn thứ hai của khu vực này kể từ tháng 05/2020.

Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ trong tháng 2 ở mức 6,22 triệu căn, thấp hơn so với mức 6,69 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 6,55 triệu căn theo kỳ vọng của các chuyên gia. Đây cũng là mức doanh số thấp nhất trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, mức doanh số trên vẫn tăng khoảng 9,1% y/y; kéo theo giá nhà cũ trung bình tăng lên 313 nghìn USD/căn; tăng 15,8% y/y.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm