Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 17/03, NHNN giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.204 VND/USD, tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng ở mức 23.125 VND/USD, tỷ giá bán ở mức 23.850 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.070 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên 16/03. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.850 - 23.890 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 17/03, lãi suất chào bình quân LNH VND không thay đổi ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,32%; 1W 0,43%; 2W 0,51% và 1M 0,72%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,26%, 1M 0,36%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,66%; 5Y 1,13%; 7Y 1,55%; 10Y 2,43%; 15Y 2,63%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 17/03, KBNN huy động thành công 2.181/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 34%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm huy động được lần lượt 31/1.000 tỷ đồng, 1.000/2.000 tỷ đồng, 1.000/2.000 tỷ đồng và 150/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 1,45%/năm (-0,01%); 2,25%/năm (+0,03%); 2,48%/năm (+0,03%); 3,05%/năm (+0,04%).
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường diễn ra theo chiều hướng tích cực, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận nhiều mã bứt phá, giúp kéo VN-Index tăng điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,19 điểm (+0,52%) lên 1.186,09 điểm; HNX-Index tăng 0,67 điểm (+0,24%) lên 276,55 điểm; UPCoM-Index tăng 0,78 điểm (+0,96%) lên 81,71 điểm. Thị trường sôi động, thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng trị giá giao dịch đạt gần 19.800 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài duy trì bán ròng mạnh hơn 1.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong báo cáo Việt Nam – khống chế thành công đại dịch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ra tháng 3/2020, IMF nhận định, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng và những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.
Tin quốc tế:
Rạng sáng 18/03 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố kết quả phiên họp chính sách tháng 3, nâng mạnh kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, nhưng báo hiệu sẽ không nâng lãi suất cho đến năm 2023, dù rằng triển vọng kinh tế đã tươi sáng hơn và kỳ vọng lạm phát cao hơn. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhất trí giữ nguyên lãi suất gần 0%, đồng thời tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng cho tới năm 2023. Fed dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay là 6,5% và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,5% vào cuối năm, so mới mức tăng trưởng 4,2% và tỉ lệ thất nghiệp 5% mà cơ quan này dự báo trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 năm ngoái. Fed cho thấy sẽ để lạm phát tăng cao hơn mức mục tiêu 2% nhằm đảm bảo nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, dự báo lạm phát có khả năng tăng lên mức 2,4% vào cuối năm nay nhưng sẽ trở lại mức 2% vào năm 2022. Biểu đồ dot-plot cho thấy 7/18 thành viên Fed cho rằng sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên đầu năm 2023, tăng lên từ con số 5/17 thành viên hồi tháng 12/2020.
Số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt ở mức 1,68 triệu đơn và 1,42 triệu căn trong tháng 2, thấp hơn mức 1,88 triệu đơn và 1,58 triệu căn của tháng trước đó. Kết quả của tháng 2 cũng thấp hơn so với mức 1,74 triệu đơn và 1,56 triệu căn theo dự báo.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho rằng khu vực này đang phải đối mặt với cuộc suy thoái thế kỷ, EU nhìn thấy làn sóng Covid-19 thứ ba đang hình thành tại một số quốc gia thành viên và biết rằng cần phải đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng. Bà cho biết khoảng 10 triệu liều vaccine đã được các nước EU27 xuất khẩu sang Anh trong thời gian vừa qua. Theo đó, EU sẽ xem xét liệu xuất khẩu vaccine sang các nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn hơn EU có phù hợp hay không.
Liên quan đến kinh tế Eurozone, CPI toàn phần và CPI lõi của khu vực này chính thức tăng 0,9% và 1,1% y/y trong tháng 2, không thay đổi so với thống kê sơ bộ, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB