Tổng quan:
Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, đồng thời, 15 ngân hàng thương mại Việt Nam được Moody's nâng triển vọng tín nhiệm.
Ngày 18/03/2021, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody's) đã giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm và thay đổi triển vọng hai bậc lên "Tích cực". Mức Ba3 và triển vọng “tiêu cực” được Moody’s đưa ra từ ngày 18/12/2019. Cơ sở tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên “Tích cực” là nhờ ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới. Moody’s cho biết, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Tổ chức này đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động. Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của nước ta đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ. Trong đợt đánh giá xếp hạng tín nhiệm lần này, Moody’s có cân nhắc về yếu tố môi trường, xã hội, vấn đề ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học… là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm. Theo ước tính của Moody's tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng nhẹ lên mức 39% vào năm 2020 do đại dịch gây giảm thu và tăng chi. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác và được dự báo sẽ giảm dần trong vài năm tới. Ngoài ra, Moody's cho rằng những nhân tố khiến Việt Nam bị đánh giá triển vọng “tiêu cực” vào tháng 12/2019 đang suy giảm, trong đó có vấn đề hành chính từng gây chậm việc thanh toán nợ được chính phủ bảo lãnh. Các chuyên gia của Moody’s lạc quan về khả năng thanh toán nợ của Việt Nam, cho rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường giám sát hành chính đối với các khoản thanh toán trong tương lai, đảm bảo chuẩn bị đủ nguồn tiền để đáp ứng mọi nghĩa vụ nợ khi đến hạn. Việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.
Moody's cũng đã nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn, và theo đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo được ưu tiên trả nợ, đối với 15 ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực", 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" và 6 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định". Danh sách ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Tóm lược thị trường trong nước từ 15/03 - 19/03
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 15/03 - 19/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 19/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.194 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 05/03 ở mức 23.840 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục tăng trong tuần qua. Chốt ngày 19/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.076 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xen qua các phiên trong tuần qua. Kết thúc tuần ngày 19/03, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.880 – 23.930 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 15/03 - 19/03, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 19/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,30% (-0,05 đpt); 1W 0,42% (-0,04 đpt); 2W 0,51% (-0,07 đpt); 1M 0,72% (-0,06 đpt).
Lãi suất USD LNH gần như không biến động trong tuần vừa qua, chốt tuần 19/03 không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W, đóng cửa tại: ON 0,15; 1W 0,19%; 2W 0,25% và 1M 0,34%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 15/03 - 19/03, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 15-19/03, KBNN huy động thành công 2.181/6.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 34%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm huy động được lần lượt 31/1.000 tỷ đồng, 1.000/2.000 tỷ đồng, 1.000/2.000 tỷ đồng và 150/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu lần lượt tại 1,45%/năm (-0,01%); 2,25%/năm (+0,03%); 2,48%/năm (+0,03%); 3,05%/năm (+0,04%). Có 6.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn trong tuần qua. Tuần từ 22-26/03, KBNN gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung), giảm so với mức 6.500 tỷ đồng của tuần trước. Trong tuần này có 6.150 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.396 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 8.362 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần, lợi suất TPCP tăng so với tuần trước đó. Chốt phiên 19/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (+0,01 đpt); 2 năm 0,48% (+0,02 đpt); 3 năm 0,66% (+0,01 đpt); 5 năm 1,13% (+0,06đpt); 7 năm 1,55% (+0,06 đpt); 10 năm 2,45% (+0,10 đpt); 15 năm 2,65% (+0,09 đpt); 30 năm 3,18% (+0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 15/03 - 19/03 nối tiếp đà tăng của tuần trước đó trên cả 3 sàn, trong đó VN-Index đã có phiên đóng cửa đạt 1.200 điểm. Chốt phiên 19/03, VN-Index tăng 12,49 điểm (+1,06%) lên mức 1.194,05 điểm; HNX-Index đóng cửa tăng 3,79 điểm (+1,38%) đạt 277,70 điểm; UPCOM-Index tăng 1,15 điểm (+1,43%) lên 81,48 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 18.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.900 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nhiều NHTW lớn có các cuộc họp CSTT quan trọng trong tuần vừa qua, các chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn đang được cam kết duy trì. Cụ thể, ngày 18/03, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC nhất trí giữ nguyên lãi suất gần 0%, đồng thời tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng cho tới năm 2023. Fed dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay là 6,5% và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,5% vào cuối năm, tích cực hơn so mới mức tăng trưởng 4,2% và tỉ lệ thất nghiệp 5% mà cơ quan này dự báo trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 năm ngoái. Fed cho thấy sẽ để lạm phát tăng cao hơn mức mục tiêu 2% nhằm đảm bảo nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, dự báo lạm phát có khả năng tăng lên mức 2,4% vào cuối năm nay nhưng sẽ trở lại mức 2% vào năm 2022. Biểu đồ dot-plot cho thấy 7/18 thành viên Fed cho rằng sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong năm 2023, tăng lên từ con số 5/17 thành viên hồi tháng 12/2020. Bên cạnh Fed, NHTW Anh BOE và NHTW Nhật Bản BOJ cũng có các cuộc họp trong tuần vừa qua. Về phía BOE, cơ quan này quyết định duy trì LSCS đang ở mức 0,1%; ngoài ra vẫn duy trì chương trình nắm giữ TPDN với quy mô 20 tỷ GBP và TPCP với quy mô 875 tỷ GBP, không thay đổi so với lần họp trước. BOE cho rằng chính sách tiền tệ này là phù hợp để đạt được lạm phát ở khoảng 2,0% một cách bền vững, đồng thời giúp tăng trưởng thị trường lao động. Tiếp đến BOJ, NHTW này duy trì LSCS ở mức -0,1%; bên cạnh đó sẽ tiếp tục chương trình thu mua TPCP và không giới hạn giá trị mua, miễn là cơ quan này thấy cần thiết và cho tới khi đạt được lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế không khả quan. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần của Mỹ lần lượt giảm 2,7% và 3,0% m/m trong tháng 2 sau khi tăng mạnh 8,3% và 7,6% ở tháng trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo lần lượt tăng 0,2% và giảm 0,5%. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước này lần lượt ở mức 1,68 triệu đơn và 1,42 triệu căn trong tháng 2, thấp hơn mức 1,88 triệu đơn và 1,58 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn so với mức 1,74 triệu đơn và 1,56 triệu căn theo dự báo. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 13/03 ở mức 770 nghìn đơn, tăng khá mạnh từ mức 725 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo giảm xuống còn 704 nghìn đơn.
Úc đón một số thông tin kinh tế quan trọng, chủ yếu cho thấy sự tích cực. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Úc cho biết giá nhà tại nước này tăng 3,0% q/q trong quý IV/2020, nối tiếp đà tăng 0,8% ở quý trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 1,9% theo dự báo. Về thị trường lao động, nước Úc tạo ra 88,7 nghìn việc làm mới trong tháng 2, tăng mạnh từ mức 29,5 nghìn của tháng 1 và vượt qua mức 30,5 nghìn theo kỳ vọng. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại Úc giảm xuống còn 5,8% trong tháng 2, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 6,3% của tháng 1. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của nước này giảm 1,1% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 0,5% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng ở mức 0,6%.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB