Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 22/03 - 26/03/2021

08:00 29/03/2021

Tổng quan:

Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ mở rộng chức năng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua Kho bạc Nhà nước bổ sung một số nghiệp vụ về hoán đổi, mua lại trái phiếu chính phủ và phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản.

Trong đó, bắt đầu từ ngày 01/04 tới đây, KBNN sẽ thực hiện thí điểm mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Đây là một trong 4 nghiệp vụ về quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ. Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên: tạm ứng cho NSTW; tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn các khoản NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các NHTM có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của NHNN (trong đó ưu tiên gửi tại NHTM có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn); mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP). KBNN cho biết, 3 nghiệp vụ (tạm ứng cho NSTW, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại NHTM) đã được KBNN triển khai đồng loạt trong thời gian qua. Riêng nghiệp vụ về mua lại có kỳ hạn TPCP là một nghiệp vụ khá phức tạp, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, ngày 21/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN, có hiệu lực từ 01/04/2020. (KBNN) lựa chọn đối tác giao dịch là các Ngân hàng thương mại (NHTM) để giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau: (i) Trong danh sách các NHTM được xếp hạng theo mức độ an toàn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính (KBNN) hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP; (ii) Đang là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán; (iii) Không vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với KBNN theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này trong vòng một (01) năm (tính theo ngày) liền kề trước tính đến ngày KBNN thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP. TPCP được KBNN chấp nhận sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP phải đảm bảo các điều kiện sau: (i) Là TPCP đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá 01 năm; (ii) Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và được phép chuyển nhượng; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo trong thời gian mua lại có kỳ hạn, kể từ ngày thanh toán giao dịch lần 1. Kỳ hạn mua lại TPCP của KBNN bao gồm: kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.

KBNN cho biết, hoạt động này sẽ không tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vì nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN là tiền trong lưu thông, tương tự như nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Lợi ích của việc mua lại có kỳ hạn TPCP là hỗ trợ phát triển thị trường TPCP khi giúp tăng tính thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp, từ đó tác động hỗ trợ trở lại đối với hoạt động phát hành của KBNN trên thị trường sơ cấp và góp phần thúc đẩy phát triển thị trường TPCP. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nghiệp vụ này của KBNN chưa thể nhộn nhịp ngay khi khối lượng TPCP có thời hạn từ 1 năm trở xuống lưu thông trên thị trường không lớn, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số dư trên toàn thị trường bao gồm cả TPCP và TPCPBL. Đồng thời, KBNN có mục tiêu phát hành TPCP kỳ hạn dài, chủ yếu ở kỳ hạn dài 10 – 15 năm, giảm phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm, lượng trái phiếu có kỳ hạn còn lại tối đa 1 năm trong tương lai sẽ cũng không có nhiều.

Liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h ngày 27-3, tăng giá các mặt hàng xăng và giảm giá dầu. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 129 đồng/lít, lên 17.851 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 165 đồng/lít, có giá 19.046 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S giảm 158 đồng, về 14.243 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 169 đồng/lít, về 13.004 đồng/lít. Giá dầu mazut 180CST 3.5S giảm 12 đồng/kg, về 13.757 đồng/kg.

 

 

Tóm lược thị trường trong nước từ 22/03 - 26/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 22/03 - 26/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 26/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.230 VND/USD, tăng 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 26/03 ở mức 23.877 VND/USD.

Tỷ giá LNH tiếp tục tăng trong tuần qua. Chốt ngày 26/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.083 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xen qua các phiên trong tuần qua. Kết thúc tuần ngày 26/03, tỷ giá tự do tăng 55 đồng ở chiều mua vào và tăng 35 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.935 – 23.965 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 22/03 - 26/03, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 26/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,29% (-0,01 đpt); 1W 0,40% (-0,02 đpt); 2W 0,49% (-0,02 đpt); 1M 0,66% (-0,06 đpt).

Lãi suất USD LNH cũng cho thấy xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn, chốt tuần 26/03, lãi suất kỳ hạn ON đóng cửa tại 0,29% (-0,01 đpt); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (-0,02 đpt) và 1M 0,33% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 22/03 - 26/03, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 22/03 - 26/03, KBNN huy động thành công 2.000/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 36%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 1.000/2.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm và 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,08%/năm (+0,02%); kỳ hạn 10 năm tại 2,27%/năm (+0,02%).

Có 6.150 tỷ đồng TPCP đáo hạn trong tuần qua.

Tuần từ 29/3 – 2/4, KBNN tiếp tục gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này không có khối lượng TPCP đáo hạn.  

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.054 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 9.396 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Trong tuần 22/03 - 26/03, lợi suất TPCP đồng loạt giảm so với tuần trước đó. Chốt phiên 26/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,25% (-0,01 đpt); 2 năm 0,47% (-0,01 đpt); 3 năm 0,65% (-0,01 đpt); 5 năm 1,11% (-0,03đpt); 7 năm 1,5% (-0,04 đpt); 10 năm 2,39% (-0,07 đpt); 15 năm 2,6% (-0,04 đpt); 30 năm 3,13% (-0,05 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 22/03 - 26/03 quay đầu giảm điểm ở cả ba sàn, ở những phiên cuối tuần chịu tác động tương đối mạnh do xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới. Chốt phiên 26/03, VN-Index giảm 31,84 điểm (-2,67% w/w) xuống mức 1.162,21 điểm; HNX-Index đóng cửa giảm 6,74 điểm (-2,43% w/w) xuống 270,96 điểm; UPCOM-Index giảm 1,63 điểm (-2,00% w/w) xuống 79,85 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 18.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.550 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell có những phát biểu quan trọng. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ, bà Yellen và ông Powell cùng cho rằng nước Mỹ đang có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực, song giới chức nước này cần tiếp tục hỗ trợ vì vẫn còn hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Vị Bộ trưởng cho biết Chính phủ Mỹ đang cân nhắc nâng thuế doanh nghiệp từ 21% lên thành 28%, đảo ngược chính sách năm 2017 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Về phía Chủ tịch Fed, ông Powell nhận định kinh tế nước Mỹ đang phục hồi nhanh hơn mức dự báo chung, và thậm chí ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẹ hơn. Tuy nhiên ông cũng khẳng định mức phục hồi hoàn toàn vẫn đang ở khá xa. Theo đó, ông Powell đưa đến thông điệp rằng Fed sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế, chính sách tiền tệ hiện tại được Fed đưa ra nhằm đạt được mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát mục tiêu một cách bền vững. Cuối cùng, vị Chủ tịch trấn an thị trường rằng lạm phát sẽ tăng lên trong năm 2021, nhưng ở góc nhìn tích cực nhất sẽ không quá lớn và dai dẳng.

Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, về thông tin tích cực, GDP của nước này chính thức tăng 4,3% q/q trong quý 4 năm 2020, được điều chỉnh tích cực hơn so với mức 4,1% theo báo cáo sơ bộ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 20/03 ở mức 684 nghìn đơn, giảm tương đối mạnh từ mức 781 nghìn đơn của tuần trước đó, thậm chí xuống thấp hơn mức 727 nghìn đơn theo dự báo của các chuyên gia. Doanh số bán nhà mới tại nước này ở mức 775 nghìn căn trong tháng 2, thấp hơn khá nhiều so với mức 948 nghìn căn cuả tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 880 nghìn căn theo kỳ vọng. Về mặt tiêu cực, doanh số bán nhà mới tại nước này ở mức 775 nghìn căn trong tháng 2, thấp hơn khá nhiều so với mức 948 nghìn căn cuả tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 880 nghìn căn theo dự báo. Mức chi tiêu bình quân của người dân Mỹ trong tháng 2 giảm 1,0% m/m sau khi tăng 3,4% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,8% theo dự báo.

Eurozone có khả năng phong tỏa xã hội trở lại, siết chặt xuất khẩu vaccine, đồng thời đón một số thông tin kinh tế quan trọng trong tuần vừa qua. Tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, các lãnh đạo của khối này bàn về các giải pháp ngăn chặn Covid-19, trong đó giải pháp tăng cường nguồn cung vắc xin và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng được quan tâm nhiều nhất. Trước thềm hội nghị, Chủ tịch UB Châu Âu Ursula von der Leyen cảnh báo có thể cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 với lượng nhất định. EU cũng cho rằng các biện pháp hạn chế xã hội phải được duy trì trong thời gian tới song không để cản trở dòng chảy kinh tế. Về các chỉ báo, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của nước Đức lần lượt ở mức 66,6 điểm và 50,8 điểm trong tháng 3, tăng rất mạnh từ mức 60,7 và 45,7 điểm của tháng trước, đồng thời vượt xa dự báo ở mức 60,4 và 46,4 điểm. Theo đó, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Eurozone tháng này lần lượt ở mức 62,4 và 48,8 điểm, tăng từ mức 57,8 và 45,7 điểm của tháng 2, vượt qua mức 57,5 và 46,1 theo kỳ vọng. Cuối cùng, tổ chức GfK cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước Đức ở mức -6,2 điểm trong tháng 4, tăng lên từ mức -12,7 điểm của tháng 3 và vượt nhiều so với mức -12,1 điểm theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm