Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/04, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.183 VND/USD, chỉ tăng 01 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.828 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.065 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên 20/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.670 - 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/04, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,45%; 1W 0,58%; 2W 0,69% và 1M 0,89%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, chốt phiên tại: 3Y 0,67%; 5Y 1,16%; 7Y 1,45%; 10Y 2,34%; 15Y 2,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu: Ngày 22/04, KBNN huy động thành công 9.350/9.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 98%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.500 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 350/500 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,15%/năm (+0,02%), kỳ hạn 10 năm tại 2,34%/năm (-0,04%), kỳ hạn 15 năm tại 2,55%/năm (-0,02%), kỳ hạn 20 năm không đổi tại 2,89%/năm.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, áp lực bán tháo xuất hiện khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn. Chốt phiên, VN-Index giảm mạnh 40,46 điểm (-3,19%) xuống 1.227,82 điểm; HNX-Index cũng giảm mạnh 9,44 điểm (-3,18%) còn 287,04 điểm; UPCoM-Index giảm 1,98 điểm (-2,42%) xuống 79,75 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 24.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 146 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tại cuộc họp thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 1/2021 diễn ra ngày 22/04, NHNN thông báo, thống kê đến 16/04/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,41 đpt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020.
Tin quốc tế:
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc này 17/04 ở mức 547 nghìn đơn, tiếp tục giảm xuống từ mức 586 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng lên mức 607 nghìn đơn. Doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng 3 ở mức 6,01 triệu căn, thấp hơn so với mức 6,24 triệu căn của tháng trước đó, đồng thời chưa đạt kỳ vọng ở mức 6,18 triệu căn.
Trong phiên họp chính sách diễn ra ngày hôm qua, NHTW Châu Âu ECB quyết định không thay đổi LSCS, giữ LS cho vay tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên ở mức 0,25%; và LS tiền gửi ở mức -0,5%. ECB kỳ vọng duy trì LSCS ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho tới khi nhìn thấy triển vọng lạm phát đi lên mạnh mẽ, tới mức đủ gần, ngay bên dưới ngưỡng mục tiêu 2,0%. Bên cạnh đó, ECB cũng không thay đổi quy mô và tốc độ thực hiện chương trình thu mua TPCP cấp tốc (PEPP). PEPP được ECB bắt đầu thực hiện vào tháng 03/2020, sau hai lần tăng quy mô đã nâng tổng giá trị lên ở mức 1.850 tỷ EUR. Đây là công cụ chính của ECB nhằm khắc phục những hậu quả của dịch Covid-19, được cam kết duy trì ít nhất cho tới cuối tháng 03/2022. Các tài sản đáo hạn nằm trong PEPP sẽ được tái đầu tư cho tới ít nhất hết năm 2023.
Niềm tin tiêu dùng tại khu vực Eurozone ở mức -8 điểm trong tháng 4, cải thiện hơn so với mức -11 điểm của tháng trước đồng thời là dự báo của các chuyên gia.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB