Tổng quan:
Ngày 02/04/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đạt 58,11 tỷ USD, tăng 42,2% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 29,65 tỷ USD, tăng 46,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 9,46 tỷ USD); nhập khẩu đạt 28,46 tỷ USD, tăng 37,8% (tương ứng tăng 7,8 tỷ USD). Trong quý I/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 154,01 tỷ USD, tăng 25,2% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 78,40 tỷ USD, tăng 23,7%, tương ứng tăng 15,01 tỷ USD và nhập khẩu đạt 75,61 tỷ USD, tăng 26,8%, tương ứng tăng 15,98 tỷ USD. Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 1,2 tỷ USD. Tính trong quý I năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 2,79 tỷ USD. So với quý I/2020, kim ngạch trong quý đầu năm nay tăng thêm tới hơn 41 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng tới 36,6%. Bộ Công Thương đánh giá, mức tăng trưởng này là ấn tượng, cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia tăng 8,56%, Singapore tăng 1,1%, Hàn Quốc tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9%, Thái Lan giảm 1,16%...
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 40,12 tỷ USD, tăng 36,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý I/2021 đạt 108,67 tỷ USD, tăng 29,9%, tương ứng tăng 24,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 21,93 tỷ USD, tăng 42,1% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong quý I/2021 lên 58,95 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3/2021 đạt 18,18 tỷ USD, tăng 30,7% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong quý I/2021 đạt 49,72 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3/2021 có mức thặng dư trị giá 3,75 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong quý I/2021 lên mức thặng dư trị giá 9,23 tỷ USD.
Trong quý I của năm 2021, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 99,72 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,8%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 31,96 tỷ USD, tăng 31%; châu Âu: 17,44 tỷ USD, tăng 15,1%; châu Đại Dương: 3,08 tỷ USD, tăng 30,2% và châu Phi: 1,8 tỷ USD, tăng 35% so với quý I/2020. Các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8.2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chilê tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%... Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay. Việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới", Bộ Công Thương khẳng định.
Với kết quả quý 1, cộng với tốc độ tăng trưởng cao và quy luật những năm gần đây, Bộ Công thương cho rằng, nhiều khả năng năm 2021, cả nước sẽ cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 600 tỷ USD. Tuy nhiên, đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong cả năm 2021, Bộ cũng cảnh báo, kể cả dịch bệnh có thể thuyên giảm thì tác động của Covid-19 vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này, cũng không thể chủ quan mà vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát triển tốt hơn, ví dụ như sử dụng các kênh tiếp thị trên môi trường số.
Tóm lược thị trường trong nước từ 12/04 - 16/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 12/04 - 16/04, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng giảm. Chốt phiên 16/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.196 VND/USD, giảm mạnh 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 16/04 ở mức 23.842 VND/USD.
Tỷ giá LNH biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt ngày 16/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.070 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động với xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt tuần 16/04, tỷ giá tự do giảm 110 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.635 – 23.695 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 12/04 - 16/04, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động tăng qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 16/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,47% (+0,14 đpt); 1W 0,61% (+0,19 đpt); 2W 0,70% (+0,19 đpt); 1M 0,91% (+0,17 đpt).
Trong khi đó, lãi suất USD LNH chỉ dao động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 16/04, lãi suất kỳ hạn ON đóng cửa tại 0,14% (-0,01 đpt); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (-0,02 đpt) và 1M 0,33% (-0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 12/04 - 16/04, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Giao dịch trên thị trường sơ cấp: Trong tuần từ 12/04-16/04, KBNN huy động thành công 4.810/7.750 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 62%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 3.750 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 60/500 tỷ đồng, riêng kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,38%/năm (tăng 0,03%); kỳ hạn 15 năm tại 2,57%/năm (tăng 0,02%) và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,05%/năm.
Trong tuần qua không có khối lượng TPCP đáo hạn.
Giao dịch trên thị trường thứ cấp: Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.403 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 9.427 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Trong tuần 12/04 - 16/04, lợi suất TPCP biến động trái chiều ở hầu hết các kỳ hạn so với tuần trước đó. Chốt phiên 16/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,26% (0 đpt); 2 năm 0,48% (+0,01 đpt); 3 năm 0,67% (+0,01 đpt); 5 năm 1,16% (-0,02đpt); 7 năm 1,51% (+0,01 đpt); 10 năm 2,38% (-0,02 đpt); 15 năm 2,61% (+0,01 đpt); 30 năm 3,14% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 12/04 - 16/04 chưa xác định rõ xu hướng khi cả 3 chỉ số tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.238,71 điểm, tương ứng tăng nhẹ 7,05 điểm (+0,57%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,68 điểm (-0,23%) xuống 293,11 điểm; UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,47%) xuống 81,79 điểm.
Thị trường giao dịch sôi động, thanh khoản thị trường ở mức rất cao với giá trị giao dịch đạt gần 24.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Bộ Tài chính Mỹ ra báo cáo đầu năm 2021, gỡ bỏ mác thao túng tiền tệ của Việt Nam, Đài Loan, Thụy Sỹ. Ngày 16/04 theo giờ Việt Nam, BTC Mỹ ra báo cáo trong đó đánh giá Việt Nam, Đài Loan và Thụy Sỹ thỏa mãn cả 3 tiêu chí về thao túng tiền tệ trong 4 quý tính tới hết 2020, theo đạo luật Xúc tiến Thương mại 2015 của Mỹ. Tuy nhiên, theo đạo luật Cạnh tranh và Thương mại 1988, BTC Mỹ kết luận chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan thao túng tỷ giá. Nói riêng về Việt Nam, BTC Mỹ cho biết đã tiến hành cập nhật các phân tích trong báo cáo này. Cơ quan này đề cập tới việc tăng cường các cam kết song phương đối với nước ta kể từ đầu năm 2021, và hiện cùng các cơ quan chức năng lên kế hoạch hành động để chỉ ra các nguyên nhân khiến cho đồng tiền của Việt Nam bị định giá thấp. Ngoài việc thay đổi kết luận đối với 3 quốc gia trên, BTC Mỹ cũng cập nhật con số trong danh sách cần theo dõi lên 13, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Italy, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mexico cùng hai cái tên mới là Ireland và Mexico.
Kinh tế Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế trái chiều, hầu hết đều rất tích cực. Đầu tiên, CPI và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,6% và 0,3% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 0,4% và 0,1% trong tháng 2, đồng thời vượt qua mức tăng 0,5% và 0,2% theo dự báo. Như vậy, CPI toàn phần của nước Mỹ trong tháng 3 đã tăng 2,6% y/y, và CPI lõi tăng 1,6%. Tiếp theo, chỉ số giá nhập khẩu tại Mỹ tăng 1,2% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 1,3% của tháng trước đó, vượt qua mức tăng 1,0% theo kỳ vọng đồng thời đánh dấu tháng tăng thứ năm liên tiếp của chỉ số này. Về lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của nước Mỹ lần lượt tăng 8,4% và 9,8% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 2,5% và 2,7% trong tháng trước đó, vượt mạnh so với kỳ vọng tăng 5,1% và 5,8%. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 09/04 ở mức 576 nghìn đơn, giảm rất mạnh so với mức 769 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời tích cực hơn so với mức 704 nghìn đơn theo dự báo. Sản lượng công nghiệp Mỹ tăng 1,4% m/m trong tháng 3 sau khi giảm 2,2% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 2,7% theo dự báo. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ được Đại học Michigan khảo sát sơ bộ ở mức 86,5 điểm trong tháng 4, tăng nhẹ từ 84,9 điểm của tháng 3 nhưng vẫn chưa đạt mức 88,9 điểm theo kỳ vọng.
Liên minh Châu Âu EU tiến gần hơn tới việc ký kết thỏa thuận Brexit với nước Anh, bên cạnh đó khu vực Eurozone cũng đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong cuộc họp sơ bộ diễn ra ngày 15/04, Hội đồng Liên minh Châu Âu EP đã bỏ phiếu về nội dung thỏa thuận Brexit mà nước Anh đã thông qua. Các nghị sỹ đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trên với tỷ lệ 108 phiếu thuận/4 phiếu trắng/0 phiếu chống. Liên quan tới thông tin kinh tế, doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone tăng 3,0% m/m trong tháng 2 sau khi giảm mạnh 5,2% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 1,3% theo dự báo. Tại EU27, mức tăng là 2,9% sau khi giảm 4,6%. Tại nước Đức, niềm tin kinh tế của thị trường này (theo ZEW khảo sát) đang ở mức 70,7 điểm trong tháng 4, giảm từ mức 76,6 điểm của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng lên mức 79,1 điểm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB