Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 14/04/2021

08:00 14/04/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/04, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.214 VND/USD, giảm trở lại 04 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.860 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.074 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên 12/04. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 130 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.600 - 23.680 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng 0,01 – 0,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức: ON 0,45%; 1W 0,54%; 2W 0,66% và 1M 0,81%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 1W và 1M, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở kỳ hạn 10Y và giữ nguyên ở kỳ hạn 15Y, chốt phiên tại: 3Y 0,69%; 5Y 1,17%; 7Y 1,52%; 10Y 2,41%; 15Y 2,62%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chứng khoán đảo chiều nhẹ, cả 3 chỉ số đều giao dịch dưới mức tham chiếu khi chịu áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,12 điểm (-0,33%) xuống 1.248,33 điểm; HNX-Index giảm 3,34 điểm (-1,13%) xuống 292,19 điểm; UPCoM-Index giảm 0,97 điểm (-1,15%) xuống 83,13 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt gần 29.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 187 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, chỉ đạt 60.749,635 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%, trong đó có 31 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án trọng điểm đạt thấp: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đạt 13,3% kế hoạch; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt 14,65% kế hoạch. Ngoài ra, giải ngân vốn nước ngoài đạt chỉ 0,66% kế hoạch (gần như chưa giải ngân), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%).          

Tin quốc tế:

Chỉ số giá tiêu dùng CPI và CPI lõi tại nước Mỹ lần lượt tăng 0,6% và 0,3% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 0,4% và 0,1% trong tháng 2, đồng thời vượt qua mức tăng 0,5% và 0,2% theo dự báo. Như vậy, CPI toàn phần của nước Mỹ trong tháng 3 đã tăng 2,6% y/y, và CPI lõi tăng 1,6%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến CPI toàn phần tăng mạnh chính là sự leo thang của giá dầu trong suốt một năm vừa qua, với mức tăng 9,1% y/y vào thời điểm kết thúc tháng 3. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng CPI toàn phần ở mức cao như vậy do “hiệu ứng nền” của dịch Covid-19. Cũng trong tháng 3 năm ngoái, dịch Covid-19 bùng nổ tại nước Mỹ và để lại khoảng 22 triệu người thất nghiệp, kéo theo tất cả các chỉ số giá cả đi xuống. Trong thời gian gần đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed luôn nhấn mạnh lạm phát có thể tăng lên cao trong năm 2021 nhưng chỉ là tạm thời, cơ quan này không kỳ vọng đưa ra bất cứ đợt tăng LSCS nào kể từ nay cho tới năm 2023.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách tại nước này trong 6 tháng đầu tài khóa 2021 (từ 10/2020 đến 03/2021) ở mức 1.700 tỷ USD, tăng 130% so với mức thâm hụt 743 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước. Đây là mức thâm hụt lớn nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai (tính theo % GDP).

Niềm tin kinh tế tại nước Đức ở mức 70,7 điểm trong tháng 4, giảm từ mức 76,6 điểm của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng lên mức 79,1 điểm. Đây là tháng đầu tiên mức niềm tin tại nước Đức giảm xuống kể từ tháng 11/2020. Theo đó, niềm tin kinh tế tại Eurozone cũng giảm xuống còn 66,3 điểm từ mức 74,0 điểm, trái với kỳ vọng tăng lên 77,2 điểm.

GDP nước Anh tăng 0,4% m/m trong tháng 2 sau khi giảm 2,2% ở tháng 1, gần khớp với kỳ vọng tăng 0,5%. Tiếp theo, sản lượng xây dựng nước Anh tăng 1,6% m/m trong tháng 2 sau khi đi ngang ở tháng 1 (0,0% m/m), mạnh hơn mức tăng 0,6% theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp của nước Anh tăng 1,0% m/m trong tháng 2 sau khi giảm 1,8% trong tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 0,5% theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm