Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 27/06/2024

08:26 27/06/2024

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.258 VND/USD, tăng trở lại 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.464 VND/USD, tăng tiếp 05 đồng so với phiên 25/06. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.880 VND/USD và 25.960 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,03 - 0,48 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên trước đó; cụ thể: ON 2,92%; 1W 4,16%; 2W 4,48% và 1M 4,76%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1W và giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 5,28%; 1W 5,33%; 2W 5,40%, 1M 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3Y 1,90%; 5Y 1,96%; 7Y 2,28%; 10Y 2,79%; 15Y 2,95%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 551,57 tỷ đồng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.630 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,50%, có 5.150 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 1.071,57 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 127.440 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 551,57 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 26/06, KBNN gọi thầu thành công 13.550 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 90%. Trong đó, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 12.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Kỳ hạn 30Y huy động được 50 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y gọi thầu 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10Y là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 15Y là 2,86% (tăng 0,03 đpt) và 30Y là 3,10% (không đổi).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán hôm qua tiếp diễn trạng thái giằng co, các chỉ số phân hóa. Kết phiên, VN-Index tăng nhẹ 4,68 điểm (+0,37%) lên 1.261,24 điểm; HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,21%) về mức 239,68 điểm; UPCoM-Index nhích 0,07 điểm (+0,07%) đạt 98,90 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 22.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 760 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Đánh giá sau đợt tham vấn định kỳ tháng 6/2024, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam đạt gần 6%, nhờ lực cầu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng với các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, chuyên gia IMF cho rằng rủi ro vẫn còn ở mức cao. Xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam - có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng cầu trong nước dự báo vẫn còn yếu do các DN phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường BĐS sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. IMF dự báo lạm phát năm nay dự kiến dao động quanh mức mục tiêu 4,0 - 4,5% của NHNN.       

Tin quốc tế:

Cơ quan Thống kê Mỹ cho biết doanh số bán nhà mới tại quốc gia này chỉ đạt 619 nghìn căn trong tháng 5, giảm mạnh từ mức 698 nghìn căn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 636 nghìn căn theo dự báo. Đây là tháng có mức doanh số thấp nhất kể từ sau tháng 11/2023, nguyên nhân chính do lạm phát giảm chậm và lãi suất thế chấp tại quốc gia này vẫn còn rất cao, khiến những người có nhu cầu mua nhà trở nên thận trọng.

Văn phòng Thống kê Úc ABS công bố chỉ số giá tiêu dùng toàn phần tại quốc gia này tăng 4,0% y/y trong tháng 5, cao hơn mức tăng 3,6% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 3,8% theo dự báo. Đây là mức tăng CPI toàn phần cao nhất kể từ tháng 11/2023. Dữ liệu cho thấy giá cả ở nhiều loại hàng hóa và dịch vụ đều tăng, đặc biệt là giá điện tăng 6,5% y/y trong tháng vừa qua (so với 4,2% y/y của tháng 4), giao thông tăng 4,9% (tháng 4 tăng 4,2%) và nhiên liệu ô tô tăng 9,3% (tháng 4 tăng 7,4%). Ở chiều ngược lại, chỉ có thực phẩm và đồ uống không cồn hạ nhiệt với mức tăng 3,3% y/y (tháng 4 tăng 3,8%).

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 27/06/2024

Đọc thêm