Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 20/06/2024

08:07 20/06/2024

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 19/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.257 VND/USD, giảm nhẹ 02 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.451 VND/USD, tăng nhẹ 01 đồng so với phiên 18/06. Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.850 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 19/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,06 - 0,31 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: ON 3,95%; 1W 4,22%; 2W 4,60% và 1M 4,83%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON, tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W, đi ngang ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 5,28%; 1W 5,34%; 2W 5,39%, 1M 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 3Y; chốt phiên ở mức: 3Y 1,90%; 5Y 1,96%; 7Y 2,29%; 10Y 2,79%; 15Y 2,97%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu cũng như đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 6.450 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 4,25%, có 650 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 5.800 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 81.010 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố ở mức 2.682,38 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 19/06, KBNN gọi thầu thành công 8.231 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 78%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 500 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được toàn bộ 7.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 200 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 31 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,85% (+0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,76% (+0,02 đpt), 15Y là 2,88% (+0,05 đpt) và 30Y là 3,10% (không đổi).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên hôm qua vẫn diễn biến cầm chừng. Kết phiên, VN-Index tăng 0,29 điểm (+0,02%) lên mức 1.279,79 điểm; HNX-Index giảm 0,86 điểm (-0,35%) còn 243,57 điểm; UPCoM-Index nhích 0,05 điểm (+0,05%) đạt 98,36 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch gần 28.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 19/06/2024, NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Đại diện NHNN cho biết, đến 14/06/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Dù số liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, nhưng với tình hình hiện tại, sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến hết quý II đạt 5 -6% mà NHNN đã đề ra.       

Tin quốc tế:

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố chỉ số CPI toàn phần tại nước này tăng 2,0% y/y trong tháng vừa qua, giảm tốc từ mức 2,3% của tháng trước đó và khớp với dự báo. Đây là tháng suy yếu thứ 4 liên tiếp của CPI, và cũng là lần đầu tiên chỉ báo này về lại mức 2,0% trong vòng 3 năm trở lại đây (đỉnh ở mức 11,1% tháng 10/2022). Bên cạnh đó, CPI lõi tại Anh giảm tốc còn 3,5% y/y trong tháng 5 từ mức 3,9% của tháng trước đó, khớp với con số được kỳ vọng. Một số ý kiến từ thị trường nhận định mặc dù CPI toàn phần đã chạm tới mức mục tiêu 2,0% mà NHTW Anh BOE theo đuổi, tuy nhiên lạm phát lõi vẫn còn tương đối cao và tăng trưởng tiền lương vẫn khá nhanh. Theo đó, BOE được kỳ vọng sẽ chưa thay đổi LSCS ở mức 5,25% (cao nhất 16 năm) trong cuộc họp ngày hôm nay 20/06, dù triển vọng tăng trưởng kinh tế đang ở mức rất thấp. Một số ý kiến cho rằng BOE sẽ bắt đầu cắt giảm LS lần đầu vào cuộc họp tháng 8 năm nay.

Cán cân vãng lai tại khu vực Eurozone thặng dư 38,6 tỷ EUR trong tháng 4, cao hơn so với mức 35,8 tỷ của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức 35,2 tỷ theo dự báo. Trong vòng 12 tháng gần nhất, cán cân vãng lai tại khu vực này thặng dư 337 tỷ EUR (2,3% GDP Eurozone), đảo chiều sau khi ghi nhận thâm hụt 53 tỷ ở 12 tháng trước đó.

Cán cân thương mại Nhật tiếp tục thâm hụt trong tháng 5. Theo thông tin từ Bộ Tài chính Nhật, cán cân thương mại nước này thâm hụt 0,62 nghìn tỷ JPY trong tháng 5 sau khi thâm hụt 0,58 nghìn tỷ tháng trước đó, tuy nhiên vẫn tích cực hơn dự báo ở mức thâm hụt 0,64 nghìn tỷ. Trong đó, xuất khẩu nước này đạt 8,96 nghìn tỷ JPY, tăng 1,2% m/m; nhập khẩu đạt 9,58 nghìn tỷ, tăng 1,5% m/m.  So với cùng kỳ 2023, XK tăng 13,5%, mức tăng cao nhất kể từ 11/2022; NK tăng 9,5%.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 20/06/2024

Đọc thêm