Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 18/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.259 VND/USD, không thay đổi so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.450 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên 17/06. Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang ở chiều mua vào trong khi tăng 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.850 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 18/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 - 0,14 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: ON 4,26%; 1W 4,44%; 2W 4,66% và 1M 4,89%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 5,29%; 1W 5,33%; 2W 5,39%, 1M 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều; chốt phiên ở mức: 3Y 1,90%; 5Y 1,97%; 7Y 2,29%; 10Y 2,80%; 15Y 2,98%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1.529,89 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 5.150 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 4,25%, có 500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 6.179,89 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 75.210 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố ở mức 2.682,38 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số tăng tích cực đầu phiên nhưng bị kéo giảm sát mốc tham chiếu do lực bán ở cuối phiên. Kết phiên, VN-Index tăng 4,73 điểm (+0,37%) lên mức 1.279,50 điểm; HNX-Index thêm 1,27 điểm (+0,52%) đạt 244,43 điểm; UPCoM-Index nhích 0,22 điểm (+0,22%) lên 98,31 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch trên 24.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 700 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN đến ngày 15/06/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chi NSNN ước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 23,4% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chi trả nợ lãi ước đạt 46,9% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 40,4% dự toán.
Tin quốc tế:
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế trái chiều trong tháng 5. Đầu tiên, tại thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi tại quốc gia này ghi nhận mức giảm 0,1% m/m trong tháng vừa qua, tương tự kết quả thống kê của tháng 4 và trái với dự báo tăng nhẹ 0,2%. Doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng 0,1% m/m trong tháng 5 sau khi giảm 0,2% ở tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 2,3% y/y, giảm tốc so với mức tăng 3,0% của tháng 4 và thấp hơn mức tăng 2,7% theo kỳ vọng. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,9% m/m trong tháng 5 sau khi đi ngang ở tháng 4 (0,0% m/m), tích cực hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng tăng nhẹ khoảng 0,4% y/y, lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.
Trong phiên họp ngày hôm qua 18/06, NHTW Úc RBA nhận định lạm phát đã giảm đáng kể từ đỉnh vào năm 2022, cho thấy lãi suất cao đang đưa tổng cầu và tổng cung về gần với mức cân bằng hơn. Tuy nhiên, tốc độ giảm của lạm phát đã chậm lại theo những dữ liệu gần nhất. Tính đến tháng 4, chỉ số CPI tăng 3,6% và CPI lõi tăng 4,1% y/y, tương tự với mức tăng vào tháng 12/2023. Các quan chức RBA kỳ vọng sẽ cần một thời gian nữa trước khi lạm phát được duy trì bền vững ở mức mục tiêu 2% - 3%. Cơ quan này cũng cho biết chưa đưa ra lộ trình thay đổi LSCS ở bối cảnh hiện tại và vẫn giữ LSCS ở mức 4,35%. RBA sẽ dựa vào những dữ liệu kinh tế, lạm phát trong tương lai để đưa ra những quyết định tiếp theo. RBA khẳng định quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu trong một thời gian hợp lý và sẽ làm những gì cần thiết để đạt được kết quả này.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 19/06/2024