Tổng quan:
Giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch, là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2023 tăng khá cao so với tháng trước. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính làm CPI tháng 7 tăng cao so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê là do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch. Trong mức tăng 0,45% của CPI tháng 7, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao nhất 2,84%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,63%, làm CPI chung tăng 0,21 đpt. Trong nhóm này, lương thực tăng 0,31% đẩy CPI chung tăng 0,01 đpt; thực phẩm tăng 0,79% làm CPI chung tăng 0,17 đpt; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,39% do nhu cầu tăng cao theo mùa du lịch, tác động làm CPI tăng 0,03 đpt. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và VLXD tăng 0,51% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/05/2023. Ngoài ra, giá dầu hỏa tăng 3,44% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/07, 11/07 và 21/07; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 0,58%; du lịch ngoài nước tăng 0,49% và khách sạn, nhà khách tăng 0,14% khi nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp hè. Đồng thời, giá dịch vụ thể thao tăng 0,23% so với tháng trước; thiết bị văn hóa tăng 0,19%; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,15% do nhu cầu tăng trong dịp hè. Nhóm giao thông tăng 0,11% do đang mùa cao điểm du lịch nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 5,5%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,53%. Ở chiều ngược lại, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,11%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,44%, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Như vậy, các chuyên gia nhận định, giá cả hàng hóa thị trường vẫn đang được kiểm soát tốt. Lạm phát cả năm có thể thấp đáng kể so với mục tiêu điều hành 4,5% năm nay. Điều này tạo dư địa để thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như điều hành giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước gần đây cũng cho rằng, lạm phát năm nay của Việt Nam có thể sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4%. Mới đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á ADB dự báo lạm phát Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 4% trong cả hai năm 2023 và 2024.
Không được tích cực như lạm phát, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng cả nước vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, mức giảm này đã thu hẹp so với thời điểm cuối tháng 6/2023. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa 7T.23 ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch NK hàng hóa 7T.23 ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2023 ước tính xuất siêu 2,15 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2023, CCTM hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Tóm lược thị trường trong nước từ 24/07 - 28/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 24/07 - 28/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 28/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.744 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.881 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tiếp tục giao dịch tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 28/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.685 VND/USD, tăng tiếp 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 28/07, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.630 VND/USD và 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 24/07 - 28/07, lãi suất VND LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 28/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,23% (+0,01 đpt); 1W 0,47% (+0,04 đpt); 2W 0,70% (+0,08 đpt); 1M 1,93% (-0,10 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng khá mạnh trong tuần qua. Phiên cuối tuần 28/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,01% (+0,15 đpt); 1W 5,11% (+0,20 đpt); 2W 5,21% (+0,21 đpt) và 1M 5,33% (+0,15 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 24/07 - 28/07, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 25/07, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu thành công toàn bộ 2.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu, bao gồm kỳ hạn 10Y và 15Y với 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn trên lần lượt là 2,70%/năm và 3,0%/năm, không thay đổi so với phiên trúng thầu trước. Ngày 26/07, KBNN chào thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.858 tỷ, tương đương 81%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 10 tỷ/500 tỷ gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 1.348 tỷ/2.000 tỷ gọi thầu, kỳ hạn 15Y và 20Y huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 3.000 tỷ và 500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,8% (-0,20 đpt so với lần trúng thầu trước), 10Y 2,40% (-0,05 đpt), 15Y 2,60% (-0,10 đpt) và 20Y 2,75% (-0,20 đpt).
Trong tuần này, ngày 02/08, KBNN chào thầu 5.000 tỷ TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 500 tỷ mỗi kỳ hạn, 10Y chào thầu 1.500 tỷ và 15Y chào 2.500 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.292 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 6.814 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm nhẹ ở các tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 28/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,69% (-0,03 đpt); 2 năm 1,69% (-0,03 đpt); 3 năm 1,72% (-0,03 đpt); 5 năm 1,85% (-0,05đpt); 7 năm 2,15% (-0,02 đpt); 10 năm 2,42% (-0,02 đpt); 15 năm 2,64% (-0,04 đpt); 30 năm 3,06% (-0,08 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 24/07 - 28/07, thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng tích cực của tuần trước đó, có thời điểm VN-Index đã tăng trên mốc 1.200 điểm. Chốt phiên cuối tuần 28/07, VN-Index đứng ở mức 1.185,90 điểm, tăng 17,50 điểm (+1,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,79 điểm (+2,08%) đạt 234,98 điểm; UPCom-Index thêm 1,86 điểm (+2,16%) lên mức 88,15 điểm.
Thanh khoản thị trường tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng gần 19.500 tỷ đồng/phiên từ mức 20.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ khoảng 150 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
IMF nâng nhẹ triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 3,0% trong năm 2023 (+0,2 đpt so với dự báo tháng 4), nguyên nhân chính là các rủi ro về hệ thống ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ hồi đầu năm đã được kiềm tỏa. Về các nước phát triển, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng 1,8% trong năm nay (+0,2 đpt), Nhật Bản tăng 1,4% (+0,1 đpt), Anh tăng 0,4% (+0,7 đpt) và Eurozone tăng 0,9% (+0,1 đpt) mặc dù Đức suy thoái 0,3% (-0,2 đpt). Về các nước đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay (không thay đổi) và Ấn Độ tăng trưởng 6,1% (+0,2 đpt). Về năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 3,0%, không tăng tốc so với năm 2023 và cũng không thay đổi so với dự báo trước. Về lạm phát, IMF dự báo CPI toàn phần của thế giới năm 2023 tăng 6,8%, giảm tốc so với mức 8,7% của năm 2022. Tuy nhiên CPI lõi vẫn tăng 6,0% trong năm nay, chỉ hạ nhiệt rất nhẹ từ mức 6,5% của năm trước.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng nhẹ LSCS, đồng thời nước Mỹ cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng trong tuần qua. Trong cuộc họp ngày 25-26/07, Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) khẳng định vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng LSCS thêm 25 đcb, từ khoảng 5,0% - 5,25% lên 5,25% - 5,50%, nhằm đạt được lạm phát mục tiêu 2,0%. FOMC sẽ tiếp tục đánh giá sự tích lũy của việc thắt chặt CSTT và độ trễ của chính sách lên các hoạt động kinh tế và lạm phát để đưa ra các quyết định tiếp theo. Liên quan đến kinh tế Mỹ, GDP tại quốc gia này tăng 2,4% q/q trong quý 2, cao hơn mức tăng 2,0% của quý trước đó và đồng thời tích cực hơn nhiều so với dự báo giảm tốc còn 1,8%. Tiếp theo, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 6, giảm tốc từ mức 0,3% của tháng 5 và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, PCE lõi tháng 6 tăng 4,1%, cũng thấp hơn mức 4,6% của tháng trước đó. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 22/07 ở mức 221 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 228 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 234 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 6 sau khi giảm 2,5% ở tháng 5, trái với dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,5%.
NHTW Châu Âu ECB cũng có nhịp tăng LSCS trong tháng 7. Trong phiên họp ngày 27/07, ECB quyết định tăng bộ LSCS thêm 25 đcb mỗi loại nhằm chắc chắn kiểm soát lạm phát trung hạn về mức mục tiêu 2,0% trong một thời gian hợp lý. Theo đó, lãi suất cho vay tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi tại ECB lần lượt lên mức 4,25%, 4,50% và 3,75%. Đây là lần tăng LSCS lần thứ 9 liên tiếp, và cũng là mức LSCS cao nhất của cơ quan này trong vòng 23 năm. ECB cho biết sẽ tiếp tục đánh giá triển vọng lạm phát nhằm đưa ra các quyết định tiếp theo. Liên quan đến kinh tế Eurozone, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone lần lượt ở mức 42,7 và 51,1 điểm trong tháng 7, cùng giảm từ 43,4 và 52,0 điểm của tháng 6, đồng thời thấp hơn mức 43,5 và 51,7 điểm theo dự báo. Tiếp theo, tại nước Đức, CPI quốc gia này tăng 0,3% m/m trong tháng 7, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo.