Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 17/07 - 21/07/2023

07:50 24/07/2023

Tổng quan:

Sau thời gian ảm đạm từ cuối năm 2022, quý 1 và đầu quý 2/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi từ cuối quý 2 nhờ được hỗ trợ từ các chính sách phù hợp của các cơ quan quản lý.

Theo số liệu tổng hợp từ website Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội HNX, trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành TPCP trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý 1/2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành ra công chúng mỗi đợt là 2.000 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng giá trị phát hành. Riêng tháng 6, có 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một DN phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị TPDN phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm 05/07/2023, giá trị TPDN đang lưu hành trên thị trường khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% GDP. Trong đó, nhóm TCTD chiếm khoảng 35% và nhóm BĐS chiếm khoảng 27% tổng giá trị lưu hành của toàn thị trường. Hiện quy mô TPDN trên GDP của Việt Nam là khoảng 15%; và 13% đối với TPDN phát hành riêng lẻ, tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Nhìn lại trước đó, thị trường TPDN Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2019 – 2021. Hệ quả là, cả năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn của TPDN là 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý 1/2023, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn ở mức 30.655 tỷ đồng, ước tính giảm 40,3% so với quý 4/2022 nhưng tăng 246,7% so với cùng kỳ. Áp lực đáo hạn tăng mạnh trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt là 93.139 tỷ đồng, tăng 203,8% q/q và tăng 169% yoy; và 89.488 tỷ đồng, tăng 49,9% yoy. Giá trị đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt, chỉ còn 59.571 tỷ đồng, tăng 16% yoy.

Để gỡ khó cho DN khi tín dụng bị siết chặt, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dòng tiền chủ đầu tư bị mất cân đối, dẫn đến tổ chức phát hành không thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán cho trái chủ đầy đủ, đúng hạn so với kế hoạch, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực. Với Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 05/03/2023, Chính phủ cho phép DN có thể đàm phán với trái chủ để kéo dài thời gian vay nợ, giảm áp lực đáo hạn. NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN, nới lỏng điều kiện đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua lại TPDN trước hạn. Vì vậy, hoạt động mua lại được đẩy mạnh trong quý 2/2023. Tổ chức phát hành đã thực hiện mua lại 73,4 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2023, cao gấp 2 lần so với quý 1 và tăng 22% yoy. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị mua lại khoảng 108 nghìn tỷ, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm TCTD đẩy mạnh hoạt động mua lại trong quý 2/2023, đạt khoảng 52 nghìn tỷ, chiếm khoảng 70% giá trị mua lại toàn thị trường, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các lô TP được TCTD mua lại có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm và có thời gian đáo hạn còn lại khoảng từ 1-2 năm.

Các chuyên gia nhận định, để thị trường TPDN phát triển vững chắc, bền vững, các cơ quan quản lý đã và đang tiếp tục xây dựng những công cụ hỗ trợ thị trường như đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại HNX từ ngày 19/07, chuẩn bị cơ sở để xây dựng quỹ đầu tư TP, hoạt động xếp hạng tín nhiệm, ban hành những chính sách phù hợp… Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TP ra thị trường quốc tế, trong đó có nhiều quy định mới được đề xuất. Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp DN không thể thanh toán gốc, lãi TP bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc: Tuân thủ quy định pháp luật; phải được người sở hữu TP chấp thuận; DN phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi TP. Dự thảo mới cũng quy định cho phép các TP đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn, tối đa 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản TP mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì DN phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc TP cho nhà đầu tư … Các quy định mới này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN thông qua biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định pháp luật.

Tóm lược thị trường trong nước từ 17/07 - 21/07

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 17/07 - 21/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 21/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.734 VND/USD, tăng 14 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.870 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH giao dịch tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 21/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.660 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 21/07, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.610 VND/USD và 23.660 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 17/07 - 21/07, lãi suất VND LNH đã có một số phiên tăng trở lại ở các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 21/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,22% (+0,02 đpt); 1W 0,43% (+0,03 đpt); 2W 0,62% (-0,02 đpt); 1M 2,03% (-0,21 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên cuối tuần 21/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,86% (-0,01 đpt); 1W 4,91% (không thay đổi); 2W 5,0% (không thay đổi) và 1M 5,18% (-0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 17/07 - 21/07, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Ngày 18/07, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 2.450 tỷ, tương đương 82%. Trong đó, TP kỳ hạn 3Y chào thầu 500 tỷ và không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 5Y trúng thầu toàn bộ 500 tỷ, kỳ hạn 10Y trúng thầu toàn bộ 1.000 tỷ và kỳ hạn 15Y trúng thầu 950/1.000 tỷ đồng. LS trúng thầu ở các kỳ hạn lần lượt là 5Y 2,3% (giảm 2,5 đpt so với lần trúng thầu trước), 10Y 2,7% (+0,28 đpt) và 15Y 3,0% (+0,46 đpt). Ngày 19/07, KBNN chào thầu 9.250 tỷ đồng TPCP. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 8.750 tỷ, tương đương 95%. Trong đó, TP kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng và không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 10Y trúng thầu toàn bộ 3.750 tỷ chào thầu, kỳ hạn 15Y trúng thầu toàn bộ 4.500 tỷ và kỳ hạn 30Y trúng thầu toàn bộ 500 tỷ đồng. LS trúng thầu ở các kỳ hạn lần lượt là 10Y 2,45% (không thay đổi so lần trúng thầu trước), 15Y 2,70% (không đổi) và 15Y 3,10% (-0,15 đpt).

Trong tuần này, ngày 25/07 NHCSXH chào thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL, gồm kỳ hạn 10Y và 15Y, mỗi kỳ hạn 1.000 tỷ VND. Ngày 26/07, KBNN chào thầu 5.000 tỷ TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 20Y chào thầu 500 tỷ mỗi kỳ hạn, 10Y và 15Y chào 2.000 tỷ mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.814 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 3.423 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm nhẹ ở các tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 21/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,71% (-0,08 đpt); 2Y 1,71% (-0,08 đpt); 3Y 1,76% (-0,09 đpt); 5Y 1,9% (-0,04đpt); 7Y 2,17% (-0,09 đpt); 10Y 2,44% (-0,16 đpt); 15Y 2,67% (-0,12 đpt); 30Y 3,14% (-0,05 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 17/07 - 21/07, thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng tích cực của tuần trước đó. Chốt ngày 21/07, VN-Index đứng ở mức 1.185,90 điểm, tăng 17,50 điểm (+1,50%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,79 điểm (+2,08%) đạt 234,98 điểm; UPCom-Index thêm 1,86 điểm (+2,16%) lên mức 88,15 điểm.

Thanh khoản thị trường tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng gần 19.500 tỷ đồng/phiên từ mức 20.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhẹ khoảng 150 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.                 

Tin quốc tế

Thị trường Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ cùng tăng 0,2% m/m trong tháng 6 sau khi lần lượt tăng 0,3% và 0,5% ở tháng 5, cùng thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0,4% và 0,5%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại nước Mỹ tiếp tục giảm 0,5% m/m trong tháng 6, bằng với mức giảm của tháng trước đó và trái với kỳ vọng đi ngang (0,0% m/m) của các chuyên gia. Tại thị trường xây dựng nhà, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,44 triệu đơn và 1,43 triệu ăn trong tháng 6, cùng giảm so với 1,50 triệu đơn và 1,56 triệu căn của tháng 5, đồng thời thấp hơn mức 1,49 triệu đơn và 1,48 triệu căn theo kỳ vọng. Bên cạnh đó, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 4,16 triệu căn trong tháng 6, giảm nhẹ so với mức 4,30 triệu căn của tháng 5 và cũng thấp hơn mức 4,21 triệu căn theo kỳ vọng. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 15/07 ở mức 228 nghìn đơn, thấp hơn so với 237 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời thấp hơn mức 239 nghìn đơn theo dự báo.

Trung Quốc ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng. Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết GDP của nước này tăng 6,3% q/y trong quý 2, cao hơn so với mức tăng 4,5% của quý trước đó nhưng thấp hơn mức tăng 7,1% theo kỳ vọng. Như vậy, so với cùng kỳ 2022, GDP nửa đầu năm của Trung Quốc tăng 5,5% y/y. Riêng trong tháng 6, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 4,4% y/y, cao hơn mức tăng 3,5% của tháng 5 và đồng thời cao hơn mức tăng 2,5% theo dự báo. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 6 tăng 3,1% y/y, thấp hơn nhiều so với mức 12,7% của tháng 5 và cũng thấp hơn mức 3,4% theo dự báo. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc ghi nhận ở mức 5,2% trong tháng 6, đi ngang so với kết quả của tháng 5 và khớp với dự báo.

Trong tuần này, thế giới chờ các thông tin về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, diễn ra trong 2 ngày 25-26/07, kết quả họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 27/07 theo giờ Việt Nam. CME dự báo 99,8% khả năng Fed sẽ tăng LSCS 25 đcb trong cuộc họp sắp tới, từ khoảng 5,0% - 5,25% lên 5,25% - 5,50%. Sau Fed, NHTW Châu Âu ECB cũng có cuộc họp ngày 27/07 và phần lớn thị trường cũng dự báo ECB tiếp tục tăng LSCS 25 đcb, từ 4,0% lên 4,25%.

Đọc thêm