Tổng quan:
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2023 biến động giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo, các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng thị trường nửa cuối năm.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ số trên TTCK Việt Nam đã tăng trở lại và thanh khoản được cải thiện. Tính đến ngày 30/06/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.120,8 điểm, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; HNX-Index đóng cửa ở mức 227,32 điểm, tăng 10,7% so với cuối năm 2022. Từ đầu năm, thị trường tăng điểm tích cực trong tháng 1, trước khi giảm xuống khá thấp trong tháng 2 và đã phục hồi trở lại từ cuối tháng 3 đến nay. Thanh khoản trên thị trường có diễn biến tích cực trong quý 2/2023. Trong tháng 6, thanh khoản đã tăng 27,2% so với tháng trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1/2023. Giá trị giao dịch bình quân quý 2 tăng khoảng 37% so với quý 1/2023, tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân nửa đầu năm vẫn giảm khoảng 31,9% so với bình quân năm 2022. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 5,78 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 6/2023 đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2022 với 743 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 866 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong nửa đầu năm, số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tham gia thị trường tiếp tục tăng với tổng số tài khoản mở mới đạt 413.976 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên hơn 7,31 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2022. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng mức huy động vốn thực tế trên TTCK ước đạt 187.273 tỷ đồng, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: (i) huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu ước đạt 8.221 tỷ đồng, giảm 62,3% so với cùng kỳ năm trước; huy động vốn thông qua phát hành TPDN ước đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước; (ii) huy động vốn cho NSNN thông qua đấu thầu TPCP ước đạt 162.952 tỷ đồng, tăng mạnh 188,3% so với cùng kỳ năm trước. Dòng tiền vào TTCK bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của NĐT đối với thị trường đang dần được cải thiện. Ngoài ra, số liệu cho thấy, dòng tiền tham gia lại thị trường chủ yếu đến từ NĐT cá nhân trong nước, qua đó bù đắp cho xu hướng bán ròng của NĐT ngoại.
Từ cuối năm 2022 và trong cả nửa đầu năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều gặp nhiều khó khăn, qua đó ảnh hưởng đến niềm tin NĐT và dòng tiền vào TTCK. Những khó khăn đó có thể kể đến tăng trưởng GDP cả thế giới và trong nước đều ở mức thấp, áp lực lạm phát tại nhiều nước ở mức cao; cầu hàng hóa thấp, lãi suất tăng cao…. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đều thống nhất, TTCK đạt được kết quả trên là nhờ Chính phủ đưa ra các biện pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Đáng chú ý là NHNN nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, các NHTM giãn, hoãn nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Chính phủ quyết định giảm 2% thuế GTGT từ 01/07 để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, kích cầu cho nền kinh tế.
Nhìn về triển vọng TTCK, có thể nhận định, diễn biến hồi phục có thể tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023, dù thị trường có khả năng xuất hiện một số nhịp giảm để củng cố xu hướng, hoặc tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn. Kinh tế trong nước những tháng cuối năm có nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực khi những nút thắt của nền kinh tế đang tiếp tục được tháo gỡ, CSTT nới lỏng hơn nhằm hỗ trợ DN và người dân, trong khi kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 được cho chủ yếu đến từ các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ gồm giảm lãi suất cho vay, giúp DN giảm chi phí vốn; thúc đẩy giải ngân ĐTC. Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro do suy thoái kinh tế toàn cầu, CSTT thắt chặt ở các nước phát triển, giá cả hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng năng lượng biến động, rủi ro địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ...
Tóm lược thị trường trong nước từ 10/07 - 14/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 10/07 - 14/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh ở tất cả các phiên. Chốt ngày 14/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.720 VND/USD, giảm rất mạnh 113 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.856 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 14/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.630 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 14/07, tỷ giá tự do giảm 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.620 VND/USD và 23.670 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 10/07 - 14/07, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 14/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,20% (-0,28 đpt); 1W 0,40% (-0,42 đpt); 2W 0,64% (-0,66 đpt); 1M 2,24% (-0,61 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên cuối tuần 14/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 4,87% (+0,03 đpt); 1W 4,91% (+0,01 đpt); 2W 5,0% (không thay đổi) và 1M 5,20% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 10/07 - 14/07, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 12/07, KBNN huy động thành công toàn bộ 7.750 tỷ đồng TPCP chào thầu. Đợt phát hành này bao gồm 4 loại kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5Y huy động được 500 tỷ, 10Y là 3.000 tỷ, 15Y là 3.750 tỷ và 30Y 500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 2,0%, 10Y 2,45% và 15Y 2,70%, 3,20%, đều không thay đổi so với phiên đấu thầu trước.
Trong tuần này, ngày 18/07 NH CSXH chào thầu 3.000 tỷ TPCBBL, trong đó kỳ hạn 3Y và 5Y cùng chào 500 tỷ mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10Y và 15Y cùng chào 1.000 tỷ mỗi kỳ hạn. Ngày 19/07, KBNN chào thầu 6.500 tỷ TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ, 10Y chào 2.500 tỷ, 15Y chào 3.000 tỷ và 30Y chào 500 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 3433 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 10230 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm nhẹ ở các tất cả các kỳ hạn khác nhau. Chốt phiên 14/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,79% (-0,32 đpt); 2 năm 1,79% (-0,33 đpt); 3 năm 1,84% (-0,3 đpt); 5 năm 1,94% (-0,2đpt); 7 năm 2,26% (-0,15 đpt); 10 năm 2,6% (-0,13 đpt); 15 năm 2,8% (-0,13 đpt); 30 năm 3,19% (-0,08 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 10/07 - 14/07, thị trường chứng khoán có một tuần tích cực với các chỉ số tăng điểm ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 14/07, VN-Index đứng ở mức 1.168,40 điểm, tăng 30,33 điểm (+2,67%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,37 điểm (+1,94%) đạt 230,19 điểm; UPCom-Index thêm 1,63 điểm (+1,93%) lên mức 86,29 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng trên 20.000 tỷ đồng/phiên so với mức 17.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng 1.290 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Tuần vừa qua, nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của nước này chỉ tăng 0,2% m/m và 3,0% y/y sau khi tăng lần lượt 0,1% và 4,0% trong tháng 5, đều thấp hơn dự báo ở mức tăng 0,3% và 3,1%. CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tháng 6 tăng 0,2% m/m, thấp hơn mức tăng 0,4% tháng trước đó và dự báo ở mức tăng 0,3%; và tăng 4,8% y/y, giảm mạnh từ mức tăng 5,3% của tháng 5. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI chung và lõi tháng 6 của Mỹ đều tăng 0,1% m/m sau khi lần lượt giảm 0,3% và tăng 0,2% tháng trước đó, thấp hơn dự báo ở mức tăng 0,2%. Đây là mức tăng PPI thấp nhất trong vòng gần 3 năm qua. Như vậy, PPI lõi tháng 6 tăng 2,6% y/y, mức thấp nhất kể từ 2/2021. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này tuần kết thúc 08/07 ở mức 237 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 248 nghìn của tháng trước đó, trái với dự báo tăng lên mức 251 nghìn của thị trường. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng của Mỹ do Đại học Michigan UoM khảo sát tăng mạnh lên mức 72,6 điểm trong tháng 7 từ mức 64,4 điểm của tháng 6, đồng thời cũng cao hơn dự báo ở mức 65,5 điểm. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm của chỉ số này nhờ số liệu lạm phát và thị trường lao động tích cực tại Mỹ.
GDP tháng 5 của Anh tích cực hơn dự báo, đồng thời thị trường lao động tiếp tục ổn định. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, GDP tháng 5 của nước này chỉ giảm 0,1% m/m sau khi tăng 0,2% tháng trước đó, không giảm sâu như dự báo của thị trường ở mức -0,3%. GDP của Anh hiện cao hơn 0,2% so với mức trước COVID-19 vào thời điểm 2/2020. Trong đó, sản lượng công nghiệp tháng 5 giảm 0,6% m/m, sâu hơn mức -0,2% tháng 4 và mức -0,4% dự báo. Lĩnh vực xây dựng giảm 0,2%, sau khi giảm 0,9% tháng trước đó và tích cực hơn dự báo ở mức -0,5%. Lĩnh vực dịch vụ không tăng trưởng (0,0%). Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa của Anh thâm hụt 18,7 tỷ GBP trong tháng 5, sâu hơn mức thâm hụt 14,6 tỷ của tháng 4 và mức dự báo 14,9 tỷ. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tháng 6 tăng 25,7 nghìn đơn, cao hơn mức tăng 22,5 nghìn của tháng trước đó, đồng thời cao hơn dự báo tăng 20,5 nghìn đơn. Tỷ lệ thất nghiệp nước này tháng 5 cũng tăng lên mức 4,0% từ mức 3,8% tháng 4 cũng là dự báo của thị trường. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân 3 tháng 3-4-5 tăng 6,9% 3m/y, tích cực hơn mức tăng 6,7% của 3 tháng 2-3-4 và dự báo ở mức 6,8%.
Kinh tế Trung Quốc đón nhận một số thông tin tiêu cực. Chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần Trung Quốc không tăng trong tháng 6 (0,0% y/y), trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,2% như kết quả thống kê tháng 5. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc cũng cho thấy mức giảm 5,4% y/y trong tháng 6, sâu hơn mức giảm 4,6% của tháng 5 và đồng thời sâu hơn mức giảm 5,0% theo dự báo. Về thương mại, cán cân thương mại hàng hóa nước này thặng dư 70,6 tỷ USD trong tháng 6, tuy cao hơn mức thặng dư 65,8 tỷ tháng trước đó nhưng thấp hơn dự báo ở mức 74,0 tỷ.