Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.755 VND/USD, tăng mạnh 23 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.892 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.538 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên 23/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 45 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.530 VND/USD và 23.610 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/06, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,03 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 1,10%; 1W 1,45%; 2W 1,88% và 1M 3,0%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W; giao dịch tại: ON 4,83%; 1W 4,91%; 2W 5,02%, 1M 5,17%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 7Y và 10Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 2,13%; 5Y 2,14%; 7Y 2,24%; 10Y 2,52%; 15Y 2,77%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 07 ngày và 28 ngày, khối lượng 10.000 tỷ đồng/kỳ hạn đều với lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn; không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giữ ở mức 293,83 tỷ đồng. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, các chỉ số giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 2,65 điểm (+0,23%) lên mức 1.132,03 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,23%) xuống 231,01 điểm; UpCOM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) về mức 85,60 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch trên 23.100 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng gần 364 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/06/2023, tổng vốn ĐTNN đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ 2022, ít hơn mức giảm 7,3% của 5 tháng đầu năm. Trong tổng vốn đăng ký, có 1.293 dự án mới được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 71,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD (tăng 31,3%); có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD (giảm 57,1%); có 1.594 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4 tỷ USD, giảm 6,6% về số lượng nhưng tăng 76,8% về vốn so với cùng kỳ. Nửa đầu năm, giải ngân vốn ĐTNN đạt 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tin quốc tế:
Tổ chức Ifo khảo sát cho biết niềm tin kinh doanh tại thị trường Đức ở mức 88,5 điểm trong tháng 6, giảm từ 91,7 điểm của tháng 5 và xuống sâu hơn mức 90,7 điểm theo dự báo. Theo Ifo, rất nhiều yếu tố đang đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư, điển hình là sự mở cửa trở lại yếu ớt của Trung Quốc, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái và chính bên trong khu vực Châu Âu đang phải chịu nhiều rủi ro từ lãi suất và lạm phát.
Đồng JPY đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD, vượt qua ngưỡng 143 JPY/USD. Đồng nội tệ của Nhật Bản cũng rơi xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng EUR, đứng ở mức khoảng 155 JPY/EUR. Vốn được coi là "một nơi trú ẩn an toàn", việc đồng JPY giảm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí nhập khẩu, giáng một đòn mạnh vào người tiêu dùng. Ngày 26/06, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản Masato Kanda cho biết, Nhật Bản sẽ không loại trừ phương án nào trong việc ứng phó với đồng JPY đang mất giá mạnh.