Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.746 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.883 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.672 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên 25/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.630 VND/USD và 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 – 0,04 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,24; 1W 0,47%; 2W 0,68% và 1M 2,0%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,03 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W; giao dịch tại: ON 4,87%; 1W 4,93%; 2W 5,02%, 1M 5,16%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở kỳ hạn 10Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 1,75%; 5Y 1,87%; 7Y 2,16%; 10Y 2,44%; 15Y 2,65%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên chào này không có khối lượng trúng thầu và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu: Hôm qua 26/07, KBNN chào thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.858 tỷ, tương đương 81%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 10 tỷ/500 tỷ gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 1.348 tỷ/2.000 tỷ gọi thầu, kỳ hạn 15Y và 20Y huy động toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 3.000 tỷ và 500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,8% (-0,2 đpt so với lần trúng thầu trước), 10Y 2,40% (-0,05 đpt), 15Y 2,60% (-0,10 đpt) và 20Y 2,75% (-0,20 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán, nối dài chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index chính thức chạm đến mốc điểm quan trọng 1.200 điểm sau nhiều phiên “hụt hơi”. Chốt phiên, VN-Index tăng 4,94 điểm (+0,41%) đạt 1.200,84 điểm; HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,31%) về 236,20 điểm; UpCOM-Index nhích nhẹ 0,02 điểm (+0,02%) lên mức 88,60 điểm. Thanh khoản thị trường giảm với giá trị giao dịch gần 19.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 393 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
KBNN vừa thông báo kế hoạch đấu thầu TPCP trong quý III để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSTW năm 2023. Theo đó, trong quý III, tổng mức phát hành TPCP sẽ là 110.000 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Dự kiến khối lượng huy động theo kỳ hạn như sau: kỳ hạn 5Y là 10.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7Y là 3.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10Y là 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15Y là 48.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20Y là 7.000 tỷ đồng; kỳ hạn 30Y là 7.000 tỷ đồng. Theo KBNN, trong quá trình thực hiện, có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn TP phù hợp tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của NSNN.
Tin quốc tế:
IMF nâng nhẹ triển vọng kinh tế thế giới. Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 3,0% trong năm 2023 (+0,2 đpt so với dự báo tháng 4), nguyên nhân chính là các rủi ro về hệ thống ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ hồi đầu năm đã được kiềm tỏa. Về các nước phát triển, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng 1,8% trong năm nay (+0,2 đpt), Nhật Bản tăng 1,4% (+0,1 đpt), Anh tăng 0,4% (+0,7 đpt) và Eurozone tăng 0,9% (+0,1 đpt) mặc dù Đức suy thoái 0,3% (-0,2 đpt). Về các nước đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay (không thay đổi) và Ấn Độ tăng trưởng 6,1% (+0,2 đpt). Sang năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 3,0%, không tăng tốc so với năm 2023 và cũng không thay đổi so với dự báo trước.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng nhẹ LSCS trong cuộc họp tháng 7. Trong cuộc họp này, Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) đánh giá thị trường việc làm tại Mỹ vẫn mạnh và nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức độ vừa phải, hệ thống ngân hàng an toàn và việc thắt chặt tín dụng đang áp lực lên các hoạt động kinh tế. FOMC khẳng định vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng LSCS thêm 25 đcb, từ khoảng 5,0% - 5,25% lên 5,25% - 5,50%, nhằm đạt được lạm phát mục tiêu 2,0%. FOMC sẽ tiếp tục đánh giá sự tích lũy của việc thắt chặt CSTT và độ trễ của chính sách lên các hoạt động kinh tế và lạm phát để đưa ra các quyết định tiếp theo.
Văn phòng Thống kế Úc cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 0,8% q/q trong quý 2, giảm tốc so với mức 1,4% của quý trước đó và thấp hơn mức tăng 1,0% theo dự báo. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần chỉ tăng 5,4% y/y trong tháng 6, thấp hơn mức 5,6% của tháng 5 và khớp với dự báo.