Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 16/08 - 20/08/2021

08:01 23/08/2021

Tổng quan:

Nhập siêu có xu hướng gia tăng trong những tháng gần đây, tuy nhiên cán cân thương mại vẫn có khả năng thặng dư trở lại vào cuối năm 2021. Trong kỳ 1 tháng 8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,36 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/08/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 3,88 tỷ USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 8/2021, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 11,37 tỷ USD, giảm 24,2% so với kỳ 2 tháng 7/2021. Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 8/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2021 ở một số nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 21,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 41,6%... Tính chung từ đầu năm đến hết 15/08/2021, tổng trị giá XK của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 54,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,8%; sắt thép các loại tăng 121,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 11,4%... so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tính đến hết ngày 15/8/2021, tổng trị giá XK hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt hơn 145 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,3% tổng trị giá XK của cả nước.

Ở chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 8/2021, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam đạt 12,73 tỷ USD, giảm 11,7% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021. Trị giá NK hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2021 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 10,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6,3%... Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/08/2021, tổng trị giá NK của cả nước đạt 201,58 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 35,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 45,9%... so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết ngày 15/8/2021, tổng trị giá NK của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 130,82 tỷ USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 64,9% tổng trị giá NK của cả nước.

Có thể thấy, nhìn chung hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng trong những tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, tăng trưởng XNK sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước. Dự báo, nhu cầu hàng hóa XK vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại, tiếp tục triển khai các gói kích cầu làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Ngoài ra, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK. Một yếu tố nữa là, theo chu kỳ, NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan… Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch XNK đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động XNK hàng hóa trong những tháng cuối năm nay. Bộ Công thương nhận định, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới, tổng kim ngạch XK cả năm có thể đạt 308 tỷ USD, NK đạt 306 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại sẽ có thể thặng dư ở mức khoảng 2 tỷ USD.   

Tóm lược thị trường trong nước từ 16/08 - 20/08

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 16/08 - 20/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.166 VND/USD, tăng trở lại 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.811 VND/USD.

Tỷ giá LNH vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại. Chốt phiên cuối tuần 20/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.820 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm qua các phiên, chốt tuần giảm 50 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.050 VND/USD và 23.180 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 16/08 - 20/08 tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 20/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,72% (-0,11 đpt); 1W 0,89% (-0,13 đpt); 2W 1,01% (-0,12 đpt); 1M 1,22% (-0,08 đpt).

Lãi suất USD LNH vẫn gần như không biến động trong suốt tuần. Chốt tuần 20/08, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở các kỳ hạn 1W và 2W trong khi giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1M, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22% và 1M 0,31%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 16/08 - 20/08, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.      

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 16/08 - 20/08, NHCSXH và KBNN cùng tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu là 11.120 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 16/08, NHCSXH huy động được toàn bộ 1.124 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu ở kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu tại 2,54%/năm, giảm 0,04% so với phiên đấu thầu trước. Ngày 18/08, KBNN huy động thành công 8.967/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 90%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 20 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động lần lượt 2.692 và 3.775 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt là 5 năm 0,84%/năm (-0,16%); 10 năm 2,05%/năm (-0,05%); 15 năm 2,26%/năm (-0,06%) và 20 năm 2,83%/năm (-0,03%). Trong tuần có 6.555 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 23/08 - 27/08, KBNN sẽ gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP. Trong tuần này sẽ có 740 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.800 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 8.062 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần vừa qua. Chốt phiên 20/08, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,32% (không thay đổi); 2 năm 0,55% (không thay đổi); 3 năm 0,74% (-0,02 đpt); 5 năm 0,86% (-0,04đpt); 7 năm 1,19% (-0,05 đpt); 10 năm 2,08% (-0,01 đpt); 15 năm 2,28% (-0,02 đpt); 30 năm 2,97% (-0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 16/08 - 20/08, thị trường chứng khoán lao dốc phiên cuối tuần khiến VN-Index chốt tuần trong sắc đỏ trong khi 2 chỉ số còn lại tăng nhẹ. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 20/08, VN-Index đứng ở mức 1.329,43 điểm, tương ứng giảm 27,62 điểm (-2,04%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng nhẹ 1,10 điểm (+0,33%) lên 338,06 điểm; UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,58%) đạt 92,70 điểm

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức rất cao với giá trị giao dịch đạt trên 32.896 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 3.862 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 7, cho thấy sự quan tâm đến quyết định cắt giảm quy mô thu mua tài sản hàng tháng. Cụ thể, biên bản được công bố vào ngày 19/08 của Fed cho thấy cơ quan này bắt đầu có những bàn luận về việc cắt giảm chương trình thu mua TPCP trị giá 120 tỷ USD/tháng vào cuối năm nay. Mặc dù vậy, các quan chức cũng nhấn mạnh rằng không có mối liên hệ nào giữa việc cắt giảm chương trình này và khả năng tăng lãi suất. Lạm phát đã tăng vọt trong năm nay, đang ở mức 3,5% y/y vào tháng 6, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, thị trường lao động chưa đáp ứng tiêu chuẩn “tiến bộ đáng kể hơn nữa” mà Fed đặt ra trước khi xem xét tăng lãi suất. Một số ý kiến cho rằng Fed sẽ bước vào quá trình cân bằng việc quản lý hai công cụ CSTT - mua trái phiếu và lãi suất - mà không làm mất kiểm soát lạm phát hoặc kiềm chế sự phục hồi trước khi nền kinh tế lấy lại được nhiều việc làm nhất có thể.

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ giảm 0,4% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 1,6% ở tháng 6, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng nhẹ 0,2%. Doanh số bán lẻ toàn phần của nước này giảm 1,1% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,7% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ toàn phần của Mỹ vẫn tăng mạnh 15,8%. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại nước Mỹ tăng 0,9% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,5% theo dự báo. Trên lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng tại Mỹ đạt 1,64 triệu đơn trong tháng 7, tăng so với cón số 1,59 triệu đơn của tháng 6 và vượt nhẹ so với mức 1,61 triệu đơn theo dự báo. Tuy nhiên, số nhà khởi công của nước này chỉ ở mức 1,53 triệu căn trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 1,64 triệu căn của tháng 6, đồng thời thấp hơn mức 1,60 triệu căn theo kỳ vọng. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 14/08 ở mức 348 nghìn đơn, giảm so với mức 377 nghìn của tuần trước đó, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp đối với chỉ báo này.

Nước Anh đón một số thông tin trái chiều. Về tích cực, trên thị trường lao động, thu nhập bình quân của người dân Anh trong 3 tháng 04-05-06/2021 tăng 8,8% 3m/y; cao hơn mức tăng 7,4% của 3 tháng 03-04-05/2021, đồng thời cao hơn mức 8,6% theo dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng 6 giảm nhẹ xuống còn 4,7%; trái với dự báo đi ngang ở mức 4,8% như kết quả thống kê tháng 5. Về tiêu cực, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 2,0% và 1,8% y/y trong tháng 7, thấp hơn mức tăng 2,5% và 2,3% của tháng 6, đồng thời thấp hơn mức tăng 2,3% và 2,0% theo dự báo. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại nước Anh giảm 2,5% m/m trong tháng 7, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,2% m/m như kết quả của tháng 6.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm