7 tháng năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 2,41 tỷ USD

07:53 13/08/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 12/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.152 VND/USD, giảm mạnh 26 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 22.750 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.797 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.808 VND/USD, chỉ giảm 02 đồng so với phiên 11/08. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.200 - 23.250 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 12/08, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,05 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,86%; 1W 1,05%; 2W 1,17 và 1M 1,38%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi tăng trở lại 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W và giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: 3Y 0,75%; 5Y 0,92%; 7Y 1,24%; 10Y 2,08%; 15Y 2,29%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, nhóm cổ phiếu lớn phân hóa khiến các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,35%) xuống 1.353,05 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%) xuống 334,33 điểm; UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 91,98 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt gần 27.600 tỷ VND. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 168 tỷ VND trên cả ba sàn.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7/2021, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tiếp tục thâm hụt 1,25 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7 thâm hụt 2,41 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 27,86 tỷ USD, tăng 2,4% so với tháng 6; nhập khẩu đạt 29,11 tỷ, tăng 5,3%. Kim ngạch XK 7 tháng đầu năm đạt 186,35 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước; NK đạt 188,76 tỷ, tăng 35,8%; đưa tổng kim ngạch XNK cả nước 7 tháng lên mức 375, 11 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ 2020.

Tin quốc tế:

Chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước Mỹ cùng tăng 1,0% m/m trong tháng 7, sau khi tăng cũng 1,0% ở tháng trước đó, cao hơn so với mức tăng lần lượt là 0,6% và 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, PPI toàn phần tăng 7,7% và PPI lõi tăng 6,2%. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 07/08 ở mức 375 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 385 nghìn đơn của tuần trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp.

Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu cho biết sản lượng công nghiệp của khu vực Eurozone giảm 0,3% m/m trong tháng 6 sau khi giảm 1,1% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của Reuters. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng công nghiệp của khu vực này tăng khá mạnh 9,7%.  Đối với Liên minh EU27 nói riêng, sản lượng công nghiệp trong tháng 6 giảm 0,2% m/m và tăng 10,5% y/y.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết GDP của nước này tăng 4,8% q/q theo thống kê sơ bộ, sau khi giảm 1,6% ở quý trước đó, khớp với kỳ vọng. Riêng GDP trong tháng 6 của nước Anh cho thấy mức tăng 1,0% m/m, nối dài đà tăng 0,6% ở tháng 5, và tích cực hơn so với mức tăng 0,8% theo kỳ vọng. Sản lượng công nghiệp của Anh giảm 0,7% m/m trong tháng 6 sau khi tăng 0,6% ở tháng 5, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,3%. Cuối cùng, cán cân thương mại nước này thâm hụt 12,0 tỷ GBP trong tháng 6, sâu hơn mức thâm hụt 9,6 tỷ ở tháng 5 và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 9,1 tỷ theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm