Tổng quan:
Xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 tăng tháng thứ 3 liên tiếp, nhập khẩu cũng tăng cho thấy dấu hiệu tích cực.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, tổng kim ngạch XNK hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước đó. Chiều XK gây ấn tượng khi đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1%. Chiều NK ở mức 27 tỷ USD, tăng 2,4%. Cán cân XNK tháng vừa qua thặng dư 3,07 tỷ USD. Thông tin tích cực là động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến. Điển hình, XK một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%...
Lũy kế 7 tháng, tổng kim ngạch XNK đạt khoảng 374 tỷ USD, giảm 13,8% y/y. Trong đó, XK đạt 195 tỷ USD, giảm 10,3% và NK đạt 179 tỷ USD, giảm 17,4% y/y. Theo đó, thặng dư lũy kế trong 7 tháng đầu năm tăng lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 1,34 tỷ USD cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu nhóm hàng NK 7 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 168,3 tỷ USD, chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,9%. Điều này cho thấy, các DN bắt đầu thúc đẩy SXKD, làm tăng kỳ vọng SX CN cải thiện trong những tháng cuối năm, góp phần tăng XK hàng hóa, kéo theo tăng trưởng GDP cả năm. Tuy nhiên, số thu ngân sách từ hoạt động XNK tháng 7 đạt 26,23 tỷ đồng, giảm 14,6% so với tháng 6. Lũy kế 7 tháng, thu từ XNK đạt hơn 211 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán và giảm 19,6% so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chính của sự suy giảm XK trong 7 tháng qua là do các đối tác XK lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. 7 tháng, Mỹ là nước NK nhiều nhất hàng hóa từ Việt Nam với mức 53,1 tỷ USD, vẫn giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, mức giảm này đang dần rút ngắn lại so với các tháng trước đó (6 tháng, XK sang Mỹ giảm 22,6%). Thị trường EU NK 25,3 tỷ USD từ Việt Nam, giảm 8,8% (6 tháng giảm 10,2%). Bên cạnh đó, giá hàng hoá XK có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá XK một số mặt hàng CN chế biến giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25,2%; xăng dầu các loại giảm 16,9%; phân bón các loại giảm 36,2%; chất dẻo nguyên liệu giảm 25,2%; xơ, sợi dệt các loại giảm 23%; sắt thép các loại giảm 24,8%... Giá XK nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái (hạt tiêu giảm 28,4%; cao su giảm 20,6%, …). Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng XK cùng chủng loại của Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, khi tăng trưởng kinh tế thế giới được phục hồi, các thị trường XK chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, dù giảm nhập hàng hóa từ Việt Nam, nhưng vẫn là điểm đến quan trọng trong 5 tháng còn lại của năm 2023 và quyết định tới mức tăng trưởng XK của nước ta trong năm 2023.
Tuy đã có dấu hiệu hồi phục, các chuyên gia vẫn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng XK 6% cho cả năm nay còn khá khó khăn khi XK trong các tháng còn lại sẽ phụ thuộc vào độ ấm lên của kinh tế thế giới cũng như sự năng động, linh hoạt của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.
Tóm lược thị trường trong nước từ 07/08 - 11/08
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/08 - 11/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt ngày 11/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.837 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.978 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tiếp tục được giao dịch theo xu hướng tăng nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 11/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.750 VND/USD, tăng tiếp 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 11/08, tỷ giá tự do tăng 35 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.765 VND/USD và 23.815 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 07/08 - 11/08, lãi suất VND LNH biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 11/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,21% (-0,05 đpt); 1W 0,44% (-0,02 đpt); 2W 0,67% (-0,03 đpt); 1M 1,74% (-0,16 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 11/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,05% (+0,02 đpt); 1W 5,13% (+0,01 đpt); 2W 5,23% (+0,02 đpt) và 1M 5,33% (không đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/08 - 11/08, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 09/08, KBNN chào thầu 5.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.599 tỷ, tương đương 84%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 250 tỷ/500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y trúng thầu toàn bộ 2.000 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y huy động được 349 tỷ/1.000 tỷ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,75% (-0,05 đpt so với lần trúng thầu trước), 10Y 2,36% (-0,01 đpt), 15Y 2,59% (-0,01 đpt) và 30Y 3,05% (không thay đổi).
Trong tuần này, ngày 16/08, KBNN chào thầu 5.000 tỷ TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ, 10Y và 15Y chào thầu 2.000 tỷ mỗi kỳ hạn và 30Y chào 500 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.077 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 6.038 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua phân hóa, tăng giảm nhẹ ở các kỳ hạn khác nhau. Chốt phiên 11/08, lợi suất TPCP 1Y giao dịch quanh 1,67% (không thay đổi so với tuần trước); 2Y 1,68% (không thay đổi); 3Y 1,71% (-0,01 đpt); 5Y 1,70% (-0,12 đpt); 7Y 2,12% (+0,01 đpt); 10Y 2,44% (+0,02 đpt); 15Y 2,64% (-0,02 đpt); 30Y 3,06% (+0,01).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 07/08 - 11/08, thị trường chứng khoán tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 11/08, VN-Index đứng ở mức 1.232,21 điểm, tăng 6,23 điểm (+0,51%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,84 điểm (+1,17%) đạt 245,25 điểm; UPCom-Index thêm 1,58 điểm (+1,72%) lên mức 93,28 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá cao với giá trị giao dịch trung bình trên 24.600 tỷ đồng/phiên so với mức 24.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng 1.760 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế đang chú ý. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước Mỹ cùng tăng 0,2% m/m trong tháng 7, bằng với mức tăng của tháng 6 và cùng khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần tăng 3,2% y/y, cao hơn mức tăng 3,0% của tháng 6 song vẫn thấp hơn so với mức tăng 3,3% theo dự báo. Tuy nhiên, CPI lõi tháng 7 tăng 4,7% y/y, hạ nhiệt nhẹ so với mức tăng 4,8% của tháng 6. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng vừa qua sau khi đi ngang ở tháng 6 (0,0% m/m), cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 05/08 ở mức 248 nghìn đơn, tăng lên từ mức 227 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt qua mức 231 nghìn đơn theo dự báo. Tiếp theo, Đại học Michigan khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 71,2 điểm trong tháng 8, giảm nhẹ từ mức 71,6 điểm của tháng 7 và gần khớp với mức 71,4 điểm theo dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại nước Mỹ thâm hụt 65,5 tỷ USD trong tháng 6, nhỏ hơn mức thâm hụt 68,3 tỷ của tháng 5 và gần khớp với mức thâm hụt 65,1 tỷ theo dự báo. Sau các thông tin kinh tế trên và đặc biệt là thông tin về lạm phát, công cụ của CME dự báo có 88,5% khả năng Fed sẽ không tăng LSCS vào cuộc họp ngày 20/09, và chỉ 11,5% khả năng tăng lãi suất 0,25 đpt lên mức 5,50% - 5,75%, thay đổi nhẹ so với mức 85%/15% trước đó.
Kinh tế nước Anh tiếp tục tăng nhẹ trong quý 2. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh thông báo GDP của nước này tăng 0,2% q/q trong quý 2, nối tiếp kết quả tăng nhẹ 0,1% của quý 1 và trái với dự báo đi ngang (0,0% q/q) của các chuyên gia. Về tháng 6, GDP của nước này tăng 0,5% m/m sau khi giảm nhẹ 0,1% ở tháng 5, vượt qua kỳ vọng tăng nhẹ 0,2% m/m. Sản lượng công nghiệp của nước Anh trong tháng 6 tăng 1,8% m/m sau khi giảm 0,6% ở tháng trước đó, vượt mạnh so với mức tăng 0,2% theo dự báo. Sản lượng xây dựng tại Anh cũng tăng mạnh 1,6% m/m trong tháng 6 sau khi giảm 0,3% ở tháng 5. Cán cân thương mại hàng hóa tại Anh trong tháng 6 thâm hụt 15,5 tỷ GBP, nhẹ hơn mức 18,4 tỷ của tháng 5 và đồng thời nhẹ hơn mức thâm hụt 16,6 tỷ theo dự báo. Cuối cùng, Halifax khảo sát cho biết giá nhà trung bình tại nước Anh ở khoảng 285 nghìn GBP/căn trong tháng 7, giảm 0,3% m/m so với tháng 6 và trái với dự báo đi ngang (0,0%) của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2022, giá nhà tại Anh đã giảm khoảng 2,4% y/y.