Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.802 VND/USD, giảm tiếp 13 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.942 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.735 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 07/08. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi đi ngang ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.720 VND/USD và 23.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/08, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,22; 1W 0,49%; 2W 0,70% và 1M 1,88%. Lãi suất chào bình quân LNH USD cũng giảm 0,01 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,03%; 1W 5,13%; 2W 5,23%, 1M 5,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 7Y, cụ thể: 3Y 1,71%; 5Y 1,75%; 7Y 2,12%; 10Y 2,43%; 15Y 2,65%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên này không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường chứng khoán: Mặc dù độ rộng thể hiện sự cân bằng khá tốt sau nhiều nhịp rung lắc sáng hôm qua, đà đi lên ở chỉ số hầu như vẫn chỉ phụ thuộc vào lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,81 điểm (+0,07%) đạt 1.242,23 điểm; HNX-Index nhích nhẹ 0,39 điểm (+0,16%) lên 246,07 điểm; UpCOM-Index cộng 1,07 điểm (+1,16%) lên mức 93,64 điểm. Thanh khoản thị trường giảm với giá trị giao dịch gần 27.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 210 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 7/2023 được trên 267.625 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước hơn 261.619 tỷ đồng, đạt 36,03% kế hoạch; vốn nước ngoài 6.006 tỷ đồng, đạt 21,47% kế hoạch. Tính đến ngày 31/7, tổng số vốn ĐTC đã được phân bổ là 724.527,7 tỷ đồng, đạt 102,47% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (707.044,2 tỷ đồng). Trong đó, các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 47.003 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng này, tổng số vốn đã phân bổ là 677.524,7 tỷ đồng, đạt 95,82% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết còn 29.519,5 tỷ đồng, chiếm 4,18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước còn 27.893,3 tỷ đồng; vốn ngoài nước còn 1.621,2 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Cơ quan Phân tích kinh tế Mỹ cho biết cán cân thương mại nước này thâm hụt 65,5 tỷ USD trong tháng 6, nhỏ hơn mức thâm hụt 68,3 tỷ của tháng 5 và gần khớp với mức thâm hụt 65,1 tỷ theo dự báo. Đây là tháng có mức thâm hụt nhỏ nhất trong quý 2. Về chi tiết, giá trị xuất khẩu của nước Mỹ trong tháng 6 đạt 247,5 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% m/m và giá trị nhập khẩu đạt 313,0 tỷ USD, giảm 1,0% m/m.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Anh NIESR dự báo CPI toàn phần của nước này sẽ giảm tốc từ 7,9% ở hiện tại xuống còn 5,2% khi kết thúc năm 2023. Sau đó sẽ về trên mức mục tiêu 2,0% của BOE khi kết thúc năm 2027. Thu nhập của ngươi dân có thể vẫn tăng cao trong năm 2024, ở khoảng 6%, tương đương với mức tăng của năm nay. Bên cạnh đó, kinh tế nước Anh có khả năng sẽ trầm lắng, thậm chí rơi vào khủng hoảng ngắn hạn vào cuối năm sau bất chấp thị trường lao động mạnh mẽ. Mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tới được dự báo dao động quanh 0,3% - 0,6%. Về lãi suất, NIESR kỳ vọng LSCS của BOE sẽ đạt đỉnh ở 5,5%, đồng nghĩa rằng có một nhịp tăng nữa trong tương lai.
Thu nhập bình quân của người dân Nhật Bản trong tháng 6 tăng 2,3% y/y, giảm tốc so với mức tăng 2,9% của tháng trước đó và kém hơn so với mức tăng 3,0% theo kỳ vọng. Tiếp theo, mức chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản giảm 4,2% y/y trong tháng 6, sâu hơn mức giảm 4,0% của tháng 5 và cũng sâu hơn mức 3,9% theo dự báo.