Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.886 VND/USD, giảm tiếp 11 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.030 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.925 VND/USD, tăng tới 111 đồng so với phiên 21/08. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.040 VND/USD và 24.140 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/08, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,20; 1W 0,39%; 2W 0,60% và 1M 1,51%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,04%; 1W 5,13%; 2W 5,22%, 1M 5,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, cụ thể: 3Y 1,72%; 5Y 1,78%; 7Y 2,19%; 10Y 2,56%; 15Y 2,73%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên này không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán có một phiên trồi sụt khi chịu áp lực bán lớn, cả 3 chỉ số chỉ hồi phục nhẹ vào cuối phiên. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 0,73 điểm (+0,06%) lên mức 1.180,49 điểm; HNX-Index thêm 1,68 điểm (+0,71%) đạt 239,65 điểm; UpCOM-Index nhích nhẹ 0,01 điểm (+0,01%) lên 89,51 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch gần 23.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 690 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết, mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu, song tín dụng nền kinh tế 07 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%); nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%). Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).
Tin quốc tế:
Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ NAR cho biết doanh số bán nhà cũ tại nước này đạt 4,07 triệu căn trong tháng 7, thấp hơn so với mức 4,16 triệu căn của tháng 6 và đồng thời thấp hơn mức 4,15 triệu căn theo dự báo. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp doanh số cho thấy sự sụt giảm. So với cùng kỳ năm 2022, mức doanh số trên ghi nhận giảm mạnh 16,6% y/y. Theo Lawrence Yun, kinh tế trưởng của NAR, có hai nguyên nhân khiến cho doanh số liên tục sụt giảm, là việc hàng tồn kho cạn kiệt và lãi suất vay thế chấp liên tục gia tăng.
Theo NHTW Châu Âu ECB, cán cân vãng lai khu vực này thặng dư 35,8 tỷ EUR trong tháng 6, tăng mạnh từ mức thặng dư 7,9 tỷ tháng trước đó, đồng thời cũng cao hơn dự báo ở mức 10,2 tỷ. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2022, cán cân vãng lai vẫn thâm hụt 9 tỷ EUR (bằng 0,1% GDP khu vực), trong khi cùng kỳ thặng dư 123 tỷ.