Tổng quan:
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 17/08/2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023. Một số nội dung chính được Thường trực Chính phủ kết luận gồm:
Trong hơn 07 tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy trong bối cảnh tình hình quốc tế khó khăn, nhiều quốc gia tăng trưởng chậm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt; an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm...; góp phần tạo dư địa thực hiện chính sách ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động SXKD, tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế (theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 09/08/2023 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3%, trong khi chỉ tiêu định hướng cả năm là khoảng 14-15%), thị trường BĐS, TPDN còn khó khăn, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà... Vì vậy, cần phải tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm và thời gian tới.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa Phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao lựa chọn một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng ưu tiên để tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp, tạo sinh kế, việc làm cho người dân; khẩn trương tập trung hoàn thiện trình ban hành các quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu; chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; trong đó nhấn mạnh một số giải pháp chính:
(1) Về chính sách tiền tệ: NHNN nghiên cứu, phát huy tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, người dân để khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số..., phấn đấu tiếp tục hạ LS cho vay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; khẩn trương rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các Thông tư của NHNN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động SXKD; đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
(2) Về chính sách tài khóa: Bộ Tài chính đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất trong thời gian qua; trên cơ sở đó, chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới. Có giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm, hiệu quả vấn đề TPDN; đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách.
(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối quản lý kinh tế vĩ mô và tiếp tục rà soát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đặc biệt chú trọng xây dựng chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC và công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
(4) Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, thương mại; khẩn trương hoàn thiện dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trước ngày 19/08/2023; giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp thống nhất sửa đổi ngay các Nghị định này.
Ngày 18/08, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công lệnh số 749/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn ĐTC nguồn NSNN kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt mục tiêu trên, TTCP yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Tóm lược thị trường trong nước từ 14/08 - 18/08
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 14/08 - 18/08, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng mạnh 4 phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ 05 điểm phiên cuối tuần. Chốt ngày 18/08, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.946 VND/USD, tăng tới 109 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.093 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tăng mạnh 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/08, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.806 VND/USD, tăng 56 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong tuần qua tuy đã chững lại ở phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/08, tỷ giá tự do tăng 185 đồng ở chiều mua vào và 195 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.950 VND/USD và 24.010 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 14/08 - 18/08, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 18/08, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,20% (-0,01 đpt); 1W 0,40% (-0,04 đpt); 2W 0,63% (-0,04 đpt); 1M 1,63% (-0,11 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 18/08, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,08% (+0,03 đpt); 1W 5,18% (+0,05 đpt); 2W 5,26% (+0,03 đpt) và 1M 5,34% (+0,01 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 14/08 - 18/08, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/08, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.683 tỷ, tương đương 94%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 470 tỷ/500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y trúng thầu toàn bộ 2.000 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y huy động được 213 tỷ/500 tỷ gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,74% (-0,06 đpt so với lần trúng thầu trước), 10Y 2,36% (-0,01 đpt), 15Y 2,59% (-0,01 đpt) và 30Y 3,05% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 23/08, KBNN chào thầu 5.000 tỷ TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ, 10Y và 15Y chào thầu 2.000 tỷ mỗi kỳ hạn và 20Y chào 500 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.986 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 7.077 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 18/08, lợi suất TPCP 1Y giao dịch quanh 1,69% (+0,02 đpt so với tuần trước); 2Y 1,69% (+0,01 đpt); 3Y 1,72% (+0,01 đpt); 5Y 1,78% (+0,08 đpt); 7Y 2,17% (+0,05 đpt); 10Y 2,49% (+0,05 đpt); 15Y 2,69% (+0,05 đpt); 30Y 3,06% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 14/08 - 18/08, thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm tiêu cực của cả 3 chỉ số, đặc biệt ở phiên cuối tuần. Chốt phiên cuối tuần 18/08, VN-Index đứng ở mức 1.177,99 điểm, sụt mạnh 54,22 điểm (-4,40%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 9,29 điểm (-3,79%) còn 235,96 điểm; UPCom-Index giảm 4,01 điểm (-4,30%) xuống mức 89,27 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá cao với giá trị giao dịch trung bình trên 24.600 tỷ đồng/phiên so với mức 24.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng 1.450 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7, bên cạnh đó NHTW Trung Quốc PBOC có lần cắt giảm lãi suất tiếp theo. Ngày 16/08, trong biên bản họp của Fed, cơ quan này nhận định kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải trong nửa đầu 2023. Thị trường lao động duy trì trạng thái thắt chặt với trỷ lệ thất nghiệp thấp và số lượng việc làm liên tiếp tăng lên. Đại diện lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao trong tháng 6. Fed khẳng định ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát về mức 2,0% trong dài hạn. Theo đó, Fed quyết định tăng LSCS 25 đcb, lên mức 5,25% - 5,50%. Fed sẽ tiếp tục quan sát các dữ liệu kinh tế và độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt để có những động thái tiếp theo. Ngày 15/08, PBOC thông báo cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn hạn MLF 1Y 15 đcb, xuống còn 2,5%/năm. Lần gần nhất PBOC thực hiện cắt giảm lãi suất này là ngày 20/06, chỉ với 10 đcb. Thị trường kỳ vọng định PBOC có khả năng cắt giảm tiếp lãi suất cho vay dài hạn LPR trong tuần này.
Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại thị trường này lần lượt tăng 0,7% và 1,0% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà tăng 0,3% và 0,2% của tháng trước đó, đồng thời vượt mạnh so với dự báo cùng tăng 0,4% m/m. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 3,2% y/y. Sản lượng công nghiệp tại Mỹ trong tháng 7 tăng 1,0% m/m sau khi giảm 0,8% ở tháng 6, cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. Tại thị trường xây dựng, số đơn xin cấp phép xây nhà tại Mỹ trong tháng 7 ở mức 1,44 triệu đơn, bằng với mức đơn của tháng trước đó và thấp hơn so với mức 1,47 triệu đơn theo dự báo. Số nhà khởi công trong tháng vừa qua là 1,45 triệu căn, cao hơn so với 1,40 triệu căn của tháng 6 và khớp với kỳ vọng. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 12/08 ở mức 239 nghìn đơn, giảm từ mức 250 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 240 nghìn đơn.
Kinh tế nước Anh ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Anh tăng 29 nghìn đơn trong tháng 7, cao hơn mức 16,2 nghìn của tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này tăng lên mức 4,2% trong tháng vừa qua, trái với kỳ vọng không đổi ở mức 4,0%. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tại Anh tăng mạnh 8,2% 3m/y trong 3 tháng 05-06-07, cao hơn mức tăng 7,2% của 3 tháng 04-05-06 và đồng thời cao hơn mức tăng 7,3% theo dự báo. Tiếp theo, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần của nước này tăng 6,8% y/y trong tháng 7, giảm tốc nhiều so với mức 7,9% của tháng 6 và gần khớp với mức tăng 6,7% theo dự báo. CPI lõi trong tháng vừa qua tăng 6,9% y/y, đi ngang so với kết quả thống kê tháng 6, trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 6,8%. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Anh giảm 1,2% m/m trong tháng 7 sau khi tăng 0,6% ở tháng 6, sâu hơn mức giảm 0,6% theo dự báo.