Giải ngân đầu tư công 2 tháng đạt 8,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

07:59 09/03/2022

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.171 VND/USD, tăng tiếp 12 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 22.550 VND/USD và 23.050 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.810 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 07/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.420 VND/USD và 23.500 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/03, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 2,23; 1W 2,32%; 2W 2,32 và 1M 2,20%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại; giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,21%; 2W 0,26%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 1,51%; 5Y 1,58%; 7Y 1,80%; 10Y 2,29%; 15Y 2,64%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 427,2 tỷ đồng trúng thầu, trong ngày có 377 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 50,2 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố lên mức 2.238,12 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, xu hướng chốt lời các cổ phiếu hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép, than, phân bón... tiếp tục mạnh lên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa tại 1.473,71 điểm, giảm mạnh 25,34 điểm (-1,69%); HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,54%) xuống 445,89 điểm; UPCoM-Index hạ 0,61 điểm (-0,54%) còn 112,61 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 40.900 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.518 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân vốn đầu tư công được trên 44.612 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9,22% (cùng kỳ năm 2021 đạt 5,68%), vốn nước ngoài đạt 0,20% (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,38%). Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2 tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1/2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2 và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại số địa phương đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Tin quốc tế:

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày hôm qua công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các loại khí đốt từ Nga, nhằm trừng phạt Moscow với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện tại, Quốc hội Mỹ đang bàn luận và có thể sẽ nhanh chóng thông qua quyết định này của ông Biden. Trước đó, Mỹ thường nhập khẩu khoảng hơn 20 triệu thùng dầu thô và một số sản phẩm hóa dầu của Nga mỗi tháng, chiếm 8% kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu hóa lỏng.

GDP của khu vực Eurozone chính thức tăng 0,3% q/q trong quý cuối năm 2021, không thay đổi so với kết quả thống kê sơ bộ. Cả năm 2021, GDP của Eurozone và EU đều tăng 5,3%. Tiếp theo, liên quan tới Đức, sản lượng công nghiệp của quốc gia này tăng 2,7% m/m trong tháng 01/2022, nối tiếp đà tăng 1,1% của tháng trước đó và đồng thời vượt mạnh so với mức tăng 0,5% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, sản lượng công nghiệp Đức tăng 1,8%. Trong tất cả các nhóm ngành, sản xuất đồ tiêu dùng có mức tăng mạnh nhất với 4,0% y/y.

Bộ Lao động Nhật Bản cho biết thu nhập bình quân tại nước này tăng 0,9% y/y trong tháng 01/2021, tích cực hơn nhiều so với ghi nhận giảm 0,4% ở tháng trước đó, và đồng thời vượt qua mức tăng 0,2% theo dự báo. Đây là tháng đầu tiên ghi nhận thu nhập so với cùng kỳ năm ngoái tăng lên sau 5 tháng liên tiếp suy giảm. Tiếp theo, cán cân vãng lai của quốc gia này thặng dư 0,19 nghìn tỷ JPY trong tháng đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với thặng dư 0,81 nghìn tỷ của tháng 12/2021, và không đạt mức thặng dư 0,33 nghìn tỷ JPY theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm