Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 28/02 - 04/03/2022

08:00 07/03/2022

Tổng quan:

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine bùng nổ, khiến cho thị trường tài chính thế giới chao đảo và triển vọng kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro.

Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này chính thức mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại miền đông Ukraine nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng Donestsk và Lugansk. Chiến sự giữa Nga và Ukraine năm 2022 có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2014 và được xem là cuộc xung đột lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Các cường quốc như Mỹ, EU, Nhật Bản đều lên tiếng phản đối hành động của Nga, tuy nhiên không có nước nào đưa quân đội tới để hỗ trợ Ukraine. Mặt khác, các nước trên đã áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga ở mức độ và quy mô chưa từng có, bao gồm việc loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Moskva. Ở phía ngược lại, Moskow cũng cấm 36 quốc gia bay qua không phận rộng lớn của mình, đồng thời cảnh báo các quốc gia phương tây sẽ gặp thiệt hại hơn gấp nhiều lần nếu đánh vào kinh tế của Nga.

Đối với Nga, nền kinh tế - tài chính của quốc gia này lập tức chịu nhiều tác động tiêu cực, người dân đi rút tiền với quy mô lớn ở tất cả các ngân hàng Nga và thị trường chứng khoán Nga lập tức lao dốc, mất hơn một nửa giá trị, cùng với đó là đồng RUB giảm xuống mức thấp kỷ lục. Đại học Oxford dự báo kinh tế Nga có thể rơi vào khủng hoảng, với mức độ suy giảm 50% trong năm nay. Đối với các nước phương tây và đặc biệt là EU, nền kinh tế của những nước này phụ thuộc rất lớn vào lượng dầu mỏ và khí đốt mà Nga và Ukraine cung cấp. Nếu các nguồn nhiên liệu này bị dừng lại đột ngột, các doanh nghiệp công nghiệp sẽ phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động hoàn toàn.

Đối với thế giới nói chung, kể từ khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine bắt đầu, giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao. Giá dầu Brent tuần qua có lúc gần chạm tới ngưỡng 120 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 02/2013. Ngoài ra, Nga và Ukraine là những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu lúa mì (29% của cả thế giới), và Nga cũng là nguồn cung quan trọng ở thị trường kim loại và phân bón. Sự đứt gãy chuồi cung ứng đối với các loại hàng hóa trên có thể gây ra rủi ro về một cuộc khủng hoảng lạm phát. Hiện tại, lạm phát của các nước phương tây vốn đã ở mức rất cao, CPI Mỹ là 7,5%; Anh 5,5% và Eurozone là 5,1%. Việc giá cả tăng sốc trong những ngày qua có khả năng đẩy lạm phát của nhiều nước lên mức hai con số. Theo đó, các NHTW là Fed, ECB và BOE có thể tăng LSCS nhanh và mạnh hơn so với dự tính, dẫn tới kìm hãm kinh tế của chính các nước này và nhiều quốc gia khác. Về thị trường tài chính, các chỉ số chứng khoán lớn như Dow Jones, DAX, Shang Hai và Nikkei biến động mạnh trong hai tuần vừa qua, nhìn chung cho thấy sự suy giảm.

Việt Nam được nhận định sẽ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, song cũng khó tránh khỏi xu hướng lạm phát cao trong ngắn hạn khi nhiều mặt hàng cơ bản đều tăng giá. Thị trường tài chính cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi các dòng vốn quốc tế có thể tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn. Mặc dù vậy, với việc ở xa phạm vi của cuộc chiến Nga – Ukraine, bên cạnh đó nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn và đón nhận gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ sắp tới, Việt Nam có đủ động lực để vượt qua những sự bất ổn trong thời gian tới.

Hiện tại, cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine đã trải qua 11 ngày, phía Nga đang cho thấy nhiều ưu thế sau khi lần lượt kiểm soát các thành phố lớn của Ukraine. Tuy nhiên, phía ngược lại vẫn đang có những hành động đáp trả quyết liệt. Đã có 2 cuộc đàm phán được tiến hành, nhằm chấm dứt giao tranh, kết quả là hai bên nhất trí lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại các khu vực bị bao vây, nhưng không đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ukraine cho biết có thể sẽ có cuộc đàm phán lần thứ 3 nhằm tiếp tục tìm tiếng nói chung, phía Nga cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại nhưng với điều kiện là mọi yêu cầu của Moskow đều được đáp ứng. Cho đến nay, rất nhiều các kịch bản được đưa ra, song dù với kịch bản nào, những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc chiến tranh Nga – Ukraine mang lại cho thế giới là điều không thể phủ nhận.

Tóm lược thị trường trong nước từ 28/02 - 04/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 28/02 - 04/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ 3 phiên đầu trong khi tăng 2 phiên cuối tuần. Chốt phiên 04/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.151 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.

Tỷ giá LNH giảm nhẹ các đầu tuần, riêng phiên cuối tuần tăng trở lại. Chốt phiên cuối tuần 04/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.70 VND/USD, giảm 45 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xen trong tuần, tuy nhiên xu hướng giảm áp đảo. Chốt phiên cuối tuần 04/03, tỷ giá tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.430 VND/USD và 23.480 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 28/02 - 04/03, lãi suất VND LNH biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 04/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,28% (-0,26 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,30% (-0,36 đpt); 2W 2,27% (-0,37 đpt); 1M 2,13% (-0,33 đpt).

Lãi suất USD LNH rất ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 04/03, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 2W và 1M, cụ thể: ON 0,15%; 1W 0,20%; 2W 0,26% và 1M 0,34%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 28/02 - 04/03, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Có 678,12 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 2.398 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 1.719,88 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 1.596,12 tỷ VND.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.                

Thị trường trái phiếu: Ngày 02/03, KBNN huy động thành công 3.500/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 70%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2.15%/năm (+0,03%); 2,45%/năm (+0,03%) và 3%/năm (+0,02%). Trong tuần có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Trong tuần này từ 07/03 - 11/03, có 4.750 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.103 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 14.261 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục tăng ở tất cả các kỳ hạn, mức tăng mạnh hơn ở các kỳ hạn ngắn. Chốt phiên 04/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,35% (+0,23 đpt); 2 năm 1,50% (+0,30 đpt); 3 năm 1,55% (+0,29 đpt); 5 năm 1,60% (+0,32 đpt); 7 năm 1,78% (+0,21 đpt); 10 năm 2,29% (+0,07 đpt); 15 năm 2,65% (+0,11 đpt); 30 năm 3,04% (+0,05 đpt).           

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 28/02 - 04/03, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực với cả 3 chỉ số tăng điểm, VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 04/03, VN-Index đứng ở mức 1.505,33 điểm, tương ứng tăng 6,44 điểm (+0,43%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 10,43 điểm (+2,37%) lên 450,59 điểm; UPCom-Index tăng 0,63 điểm (+0,56%) lên 113,29 điểm.

Thanh khoản thị trường nhích nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 31.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.085 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều, đa phần thiên về tích cực. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng ISM Mỹ cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 58,6% trong tháng 2, tăng lên từ mức 57,6% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức 58,0% theo dự báo. Ở lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI chỉ đạt 56,5% trong tháng 2, giảm khá mạnh từ mức 59,9% của tháng 1 và trái với dự báo tăng lên thành 61,2%. Ở thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 27/02 ở mức 215 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 232 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn mức 223 nghìn đơn theo kỳ vọng. Nước Mỹ cũng tạo ra 678 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng 2 vừa qua, tăng mạnh từ mức 481 nghìn của tháng trước đó và đồng thời cao hơn khá nhiều so với mức 407 nghìn theo dự báo. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống còn 3,8% trong tháng 2 từ mức 4,0% của tháng 1, tích cực hơn mức 3,9% theo kỳ vọng của các chuyên gia. Tuy nhiên, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ không thay đổi trong tháng vừa qua (0,0% m/m), sau khi tăng 0,6% ở tháng đầu năm, trái với dự báo tiếp tục tăng 0,5%. Cuối cùng, cán cân thương mại hàng hóa của Mỹ thâm hụt mạnh 107,6 tỷ USD trong tháng 1, sâu hơn mức thâm hụt 100,5 tỷ của tháng 12/2021 và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 99,6 tỷ theo dự báo.

NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS trong cuộc họp tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 01/03, RBA cho rằng nền kinh tế quốc nội Úc đang tiếp tục quá trình phục hồi trong đại dịch, tuy nhiên tình hình chiến tranh tại Ukraine nổi lên là một yếu tố bất ổn rất lớn. Theo đó, NHTW này quyết định giữ LSCS ở mức thấp 0,1%; không thay đổi so với trước. Bên cạnh đó, RBA cam kết sẽ duy trì chính sách hỗ trợ tối đa cho mục tiêu toàn dụng nhân công và đạt được lạm phát trung hạn ở mức 2,0% - 3,0%. Liên quan đến kinh tế Úc, GDP của nước này tăng 3,4% q/q trong quý 4/2021, sau khi giảm 1,9% ở quý trước đó, gần đạt mức tăng 3,5% theo dự báo của các chuyên gia. Như vậy, GDP của nước Úc đã tăng 4,2% trong năm 2021. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 1 tăng 1,8% m/m sau khi giảm 4,4% ở tháng 12/2021, mạnh hơn nhiều so với mức tăng 0,3% theo dự báo. Cuối cùng, số cấp phép xây dựng tại nước này giảm mạnh 27,9% m/m trong tháng đầu năm 2022, sau khi tăng 9,8% ở tháng trước đó, tiêu cực hơn rất nhiều so với mức giảm 2,9% theo dự báo.

Khu vực Eurozone cũng ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, CPI toàn phần và CPI lõi tại khu vực này lần lượt tăng 5,8% và 2,7% y/y trong tháng 2, cùng cao hơn mức 5,1% và 2,3% của tháng 1, đồng thời cùng cao hơn so với mức 5,6% và 2,6% theo dự báo. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ở mức 6,8% trong tháng 1, giảm từ 7,0% của tháng 12/2021, tích cực hơn dự báo ở mức 6,9%. Cuối cùng, doanh số bán lẻ của khu vực Eurozone tăng nhẹ 0,2% m/m trong tháng 1 sau khi giảm 2,7% ở tháng trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,5% theo kỳ vọng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm