Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/04 - 19/04/2024

07:59 22/04/2024

Tổng quan:

Ngày 19/04, NHNN đã tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng Quý I/2024. 

Tại cuộc họp báo, NHNN đã thông báo một số nội dung chủ yếu sau:

Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/03/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Về tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động trong hoạt động cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng TD giai đoạn đầu năm 2024 vẫn khá thấp so với cùng kỳ các năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp vì nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động, ... Bởi vậy, ngày 07/02/2024, NHNN đã ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT đôn đốc các TCTD đẩy mạnh thực thi các giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ngày 20/02/2024, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh TD NH nhằm hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Quyết liệt hơn, dưới sự chỉ đạo và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/03/2024, NHNN phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan có liên quan đã tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ điều hành CSTT năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” nhằm bàn thảo, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn TD cho DN và người dân, …

Thực tế cho thấy, TD trong tháng 3/2024 đã bắt đầu tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm. Đến ngày 29/03, TD cho nền kinh tế đã tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Hơn nữa, để hỗ trợ các NH và DN, NHNN cho phép các TCTD kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với DN khó khăn thêm 6 tháng, nghĩa là tới hết năm 2024 theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Về điều hành tỷ giá, NHNN cho biết, thời gian qua, tỷ giá tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong những phiên gần đây. Chỉ số DXY tăng rất nhanh trong 3 tháng đầu năm với mức tăng hơn 5%, đã gây áp lực lớn lên các đồng bản tệ của nhiều nước, trong đó có VND. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là ở các DN xăng dầu, sắt thép, cùng với việc nhiều DN tăng mua ngoại tệ cũng góp phần đẩy tỷ giá tăng mạnh. Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó làm giảm nhẹ áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Vì vậy, về cơ bản, thanh khoản thị trường vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế và khu vực. Tính đến nay, tỷ giá tăng 4,9%, mức tăng này tuy cao so với cùng kỳ các năm trước nhưng vẫn là mức tăng khá thấp so với nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo NHNN cho biết, với hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, NHNN sẵn sàng thực hiện ngay các biện pháp can thiệp cần thiết nếu tỷ giá có những diễn biến bất lợi. Thực tế, ngày 19/04, NHNN đã công bố công khai phương án bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 với mức giá 25.450 đồng. Đây là biện pháp mạnh của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý, đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.

Đối với thị trường vàng, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động mạnh theo xu hướng tăng là chủ đạo. Các nguyên nhân chính được chỉ ra gồm: tâm lý lo ngại rủi ro đến từ các cuộc xung đột địa chính trị quốc tế ngày càng trở nên gay gắt; một số NHTW tăng mua vàng; các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, dẫn tới nhu cầu về vàng tăng;… Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, thông báo sẽ bán vàng miếng để tăng nguồn cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu, … Đối với chính sách quản lý thị trường vàng, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Tại tờ trình, NHNN và các bộ, ngành liên quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp hơn với thực tế.        

Tóm lược thị trường trong nước từ 15/04 - 19/04

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 15/04 - 19/04, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng mạnh. Chốt ngày 19/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.260 VND/USD, tăng tới 178 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.450 VND/USD.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 15/04 - 19/04 tăng rất mạnh trong tuần qua. Kết thúc phiên 19/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 25.450 VND/USD, tăng tới 230 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cùng xu hướng tăng mạnh qua các phiên trong tuần qua. Tuy nhiên, chốt phiên 19/04, tỷ giá tự do tăng 230 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.680 VND/USD và 25.760 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 15/04 - 19/04, lãi suất VND LNH tăng mạnh hai phiên đầu tuần rồi giảm mạnh trở lại các phiên sau đó ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 19/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,96% (-0,30 đpt); 1W 4,14% (-0,12 đpt); 2W 4,36% (không đổi); 1M 4,58% (+0,16 đpt).

Lãi suất USD LNH biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 19/04, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,25% (-0,01 đpt); 1W 5,33% (+0,01 đpt); 2W 5,40% (không đổi) và 1M 5,41% (không đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 15/04 - 19/04, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 39.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Có 32.865,1 tỷ đồng trúng thầu và 9.999,99 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 13.100 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất tăng từ 3,59%/năm lên 3,73% vào phiên cuối tuần; có 54.699,9 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua. 

Như vậy, NHNN bơm ròng 64.465,01 tỷ VND ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm xuống mức 66.450 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 32.865,1 tỷ đồng.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 17/04, KBNN huy động thành công 3.030 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 25%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 2.000 tỷ/3.000 tỷ gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 980 tỷ/4.500 tỷ gọi thầu và kỳ hạn 20Y huy động được 50 tỷ/3.500 tỷ gọi thầu. Kỳ hạn 15Y gọi thầu 3.500 tỷ đồng, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y 1,56% (+0,06 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,50% (+0,05 đpt), 20Y 3,0% (+0,15 đpt).

Trong tuần này, ngày 24/04, KBNN chào thầu 11.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 20Y chào thầu 2.000 tỷ đồng/kỳ hạn, 10Y chào thầu 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 3.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 8.953 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 7.871 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua có xu hướng tăng ở tất các kỳ hạn. Chốt phiên 19/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,84% (+0,05 đpt so với phiên trước đó); 2Y 1,85% (+0,05 đpt); 3Y 1,88% (+0,05 đpt); 5Y 2,13% (+0,06 đpt); 7Y 2,35% (+0,07 đpt); 10Y 2,81% (+0,05 đpt); 15Y 3,02% (+0,05 đpt); 30Y 3,12% (+0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 15/04 - 19/04, các chỉ số trên thị trường chứng khoán giảm điểm khi hầ hết các cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh. Chốt phiên 19/04, VN-Index đứng ở mức 1.174,85 điểm, giảm mạnh 83,35 điểm (-6,62%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index rớt 18,27 điểm (-7,64%) xuống mức 220,80 điểm; UPCom-Index mất 3,76 điểm (-4,14%) còn 87,16 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức cao, trung bình đạt trên 29.200 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 20.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.230 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

IMF cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất ngày 17/04, IMF ước tính GDP toàn cầu tăng 3,2% trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng này trong 2024 và 2025. Trong năm 2024 nói riêng, đối với các nước phát triển, GDP Mỹ được dự báo tăng 2,7% (+0,6 đpt so dự báo tháng 1), khu vực Eurozone tăng 0,8% (-0,1 đpt), Nhật Bản tăng 0,9% (+0,1 đpt), nước Anh tăng 0,5% (-0,3 đpt). Tại khu vực đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,6% trong năm nay (không thay đổi) và Ấn độ được dự báo tăng 6,8% (+0,3 đpt). Bên cạnh đó, IMF dự báo lạm phát của thế giới sẽ tiếp tục hạ nhiệt từ mức 6,8% của năm 2023 xuống 5,9% trong năm 2024 và còn 4,5% năm 2025. Trong báo cáo này, IMF cũng cảnh báo các đợt tăng giá mới của hàng hóa theo sau sự leo thang căng thẳng địa chính trị, điều này có thể khiến cho lạm phát dai dẳng và thay đổi kỳ vọng về lãi suất cũng như định giá tài sản. Cuối cùng, IMF cho thấy lo ngại rằng triển vọng mờ mịt tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác có thể đè nặng lên chuỗi thương mại toàn cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell có phát biểu về lạm phát, bên cạnh đó nước Mỹ cũng ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Ngày 17/04, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dữ liệu gần đây chỉ ra rằng thị trường lao động vẫn tăng trưởng vững chắc, quá trình đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu 2,0% không đạt nhiều tiến triển. Những yếu tố này khiến Fed thấy rằng có thể phải mất thời gian lâu hơn dự kiến để tự tin rằng lạm phát hạ nhiệt về mục tiêu một cách bền vững. Hiện tại, theo kịch bản dự báo chiếm ưu thế của CME, Fed có thể bắt đầu cắt giảm LSCS vào tháng 09/2024, và cũng chỉ có duy nhất lần cắt giảm này trong năm nay, đưa LSCS cuối năm về mức 5,0% - 5,25%. Liên quan đến kinh tế Mỹ, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này tăng 0,4% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 0,4% ở tháng trước đó và cũng khớp với dự báo. Tính cả quý đầu năm, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng khoảng 1,8% y/y. Ở lĩnh vực xây dựng, số đơn xin cấp phép xây dựng nhà và số nhà khởi công tại Mỹ lần lượt đạt 1,46 triệu đơn và 1,32 triệu căn trong tháng 3, cùng giảm so với mức 1,52 triệu đơn và 1,55 triệu căn của tháng 2, đồng thời đều chưa đạt mức 1,48 triệu đơn và 1,51 triệu căn theo kỳ vọng. Tiếp theo, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,7% và 1,1% m/m trong tháng 3 sau khi cùng tăng 0,6% ở tháng 2, đồng thời cùng cao hơn mức tăng 0,4% và 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng khoảng 4,0% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn khá nhiều so với 2,1% y/y của tháng 2. Trong tuần này, thị trường chờ đợi kết quả GDP sơ bộ Q1 tại Mỹ và chỉ báo lạm phát PCE quan trọng đối với Fed.

Trong tuần qua, tinh tế Anh cũng đón các chỉ báo quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 3,2% và 4,2% y/y trong tháng 3, cùng giảm tốc so với mức 3,4% và 4,5% của tháng trước đó, tuy nhiên vẫn cao hơn một chút so với dự báo ở mức 3,1% và 4,1%. Đây đều là các mức CPI thấp nhất của nước Anh kể từ tháng 02/2022. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Anh tăng thêm 10,9 nghìn đơn trong tháng 2, cao hơn mức tăng 4,1 nghìn của tháng 1, tuy nhiên chưa cao như mức 17,2 nghìn theo dự báo. Thu nhập bình quân của người dân Anh tăng 5,6% 3m/y trong 3 tháng 12-01-02, bằng với mức tăng của 3 tháng 11-12-01 và cao hơn mức 5,5% theo dự báo. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này ở mức 4,2% trong tháng 2, tăng khá mạnh từ mức 3,9% của tháng 1 và vượt qua mức 4,0% theo dự báo.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 15/04 - 19/04/2024

Đọc thêm