Tổng quan:
Ngày 03/04/2024, nhận định chung tại họp phiên thường kỳ Chính phủ tháng 3 là tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kết quả tháng 3 tốt hơn 2 tháng trước đó; trong quý I, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2024 diễn ra ngày 03/04, Chính phủ nhận định, Quý I/2024 nhìn chung tốt hơn năm 2023, với các mặt nổi bật sau: (i) tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 – 2023 và cao hơn kịch bản đề ra, cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (CN - XD và dịch vụ chiếm ưu thế với lần lượt là 35,67% và 43,48%); (ii) kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất siêu 8,08 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm); chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2, bình quân quý I tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%); mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; (iii) XK tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, kim ngạch XNK tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5%; trong đó XK tăng 17% (khu vực trong nước tăng 26,2%, khu vực FDI tăng 13,9%), NK tăng 13,9%; (iv) các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực: tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 8,2%; số lượt khách quốc tế tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 78,6% so với cùng kỳ; tính chung quý I đạt trên 4,6 triệu lượt, tăng 72% (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19); (v) tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện, thu NSNN quý I đạt 31,7% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NS được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều so giới hạn quy định; TTCK phục hồi tích cực, chỉ số VN-Index tăng trên 13%, giá trị giao dịch tăng 28,2%, vốn hoá thị trường tăng 12,2% so với cuối năm 2023; (vi) đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng 3,7%); giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng; thu hút FDI đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% (cao nhất trong 5 năm qua); (vii) phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng, tháng 3/2024 có 14.100 DN đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý I có 36.200 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 DN hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ; (viii) kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành chế biến chế tạo tích cực: có 82% số DN đánh giá dự kiến quý II ổn định và tốt hơn so với quý I/2024; đặc biệt có 82,9% số DN đánh giá đơn hàng XK quý II ổn định và tăng hơn so với quý I/2024.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Thứ nhất, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá còn cao do rủi ro địa chính trị quốc tế, giá dầu thô, giá lương thực thế giới biến động khó lường, rủi ro trên các thị trường tài chính quốc tế. Thứ hai, một số ngành SXCN phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Thứ ba, hoạt động SXKD một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói TD 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm. Thứ tư, về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; có nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam, …
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với CSTK mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn TD phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm tiếp mặt bằng LS cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống NH; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, …
Tóm lược thị trường trong nước từ 01/04 - 05/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 01/04 - 05/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 05/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.038 VND/USD, tăng mạnh 35 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.189 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH trong tuần từ 01/04 - 05/04 tăng mạnh các phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 05/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.960 VND/USD, vẫn tăng mạnh 150 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự tuần trước đó, tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh đầu tuần rồi giảm trở lại 2 phiên cuối tuần. Chốt phiên 05/04, tỷ giá tự do cùng tăng 55 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.435 VND/USD và 25.515 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 01/04 - 05/04, lãi suất VND LNH tăng mạnh 3 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 05/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,58% (-0,20 đpt); 1W 2,90% (-0,10 đpt); 2W 3,23% (+0,21 đpt); 1M 3,75% (+0,45 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 05/04, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,25% (+0,04 đpt); 1W 5,31% (+0,02 đpt); 2W 5,39% (+0,04 đpt) và 1M 5,42% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 25/03 - 29/03, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 55.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Có 8.465,53 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua.
Trong tuần, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở 04 phiên. Hết tuần, có tổng cộng 1.600 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất tăng từ 2,4%/năm lên 2,7% vào phiên cuối tuần.
Như vậy, NHNN bơm ròng 6.865,53 tỷ VND ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành tăng lên mức 172.798,8 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 8.465,53 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 03/04, KBNN huy động thành công 7.095 tỷ đồng/14.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 49%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 2.500 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15Y huy động được 2.595 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5Y và 30Y gọi thầu lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y 1,5% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,45% (+0,06 đpt), 15Y 2,65% (+0,06 đpt).
Trong tuần này, ngày 10/04, KBNN chào thầu 10.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y chào thầu 4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y chào thầu 3.500 tỷ đồng và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 9.804 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 14.846 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 05/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,78% (+0,20 đpt so với phiên trước đó); 2Y 1,79% (+0,18 đpt); 3Y 1,81% (+0,19 đpt); 5Y 2,06% (+0,25 đpt); 7Y 2,27% (+0,04 đpt); 10Y 2,78% (+0,15 đpt); 15Y 2,96% (+0,15 đpt); 30Y 3,11% (+0,06 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 01/04 - 05/04, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, cả 3 chỉ số đều giảm điểm ở hầu hết các phiên. Chốt phiên 05/04, VN-Index đứng ở mức 1.255,11 điểm, giảm mạnh 28,98 điểm (-2,26%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 2,90 điểm (-1,20%) về mức 239,68 điểm; UPCom-Index lùi 0,92 điểm (-1,0%) còn 90,65 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ, trung bình đạt gần 28.800 tỷ đồng/phiên, từ mức 26.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 961 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón các chỉ báo kinh tế quan trọng, nổi bật là thị trường lao động vẫn duy trì trạng thái thắt chặt. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này đạt mức 50,3% trong tháng 3, tăng lên từ mức 47,8% của tháng trước đó và đồng thời vượt qua mức 48,5% theo dự báo. Đây là lần đầu tiên chỉ báo này vượt qua mức trung tính 50% sau 16 tháng, kể từ tháng 11/2022. Về lĩnh vực dịch vụ, PMI tháng 3 ghi nhận mức 51,4%, giảm xuống từ 52,6% của tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng nhẹ lên 52,8%. Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 8,76 triệu cơ hội việc làm trong tháng 2, không thay đổi nhiều so với mức 8,75 triệu của tháng trước đó và khớp với dự báo. Đây là mức cơ hội việc làm gần như thấp nhất của Mỹ kể từ năm 2022, tuy nhiên vẫn lớn hơn rất nhiều so với mức 7 triệu ở giai đoạn kinh tế Mỹ phát triển ổn định trước đại dịch Covid-19. Sang tháng 3, quốc gia này tạo ra thêm 303 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn mức 270 nghìn của tháng 2 và vượt mạnh mức 212 nghìn theo kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ cũng giảm nhẹ xuống còn 3,8% trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang ở mức 3,9% như kết quả thống kê tháng 2. Cuối cùng, thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ tăng 0,3% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng 2 và khớp với con số thị trường dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, mức thu nhập hiện tại tăng khoảng 4,1% y/y. Sau khi các thông tin trên được công bố, công cụ của CME dự báo khả năng Fed hạ LSCS trong tháng 6 chỉ còn khoảng 53,2%, giảm mạnh xuống từ mức 61% trước đó, và tỷ lệ Fed không thay đổi LSCS đã tăng lên tới 46,8%. Trong tuần này, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi các thông tin về CPI toàn phần và CPI lõi tháng 3 của Mỹ, được công bố vào tối 10/04 theo giờ Việt Nam.
Khu vực Eurozone cũng ghi nhận nhiều chỉ báo đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, về lạm phát, Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu Eurostat cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 2,4% và 2,9% y/y trong tháng 3, cùng giảm xuống so với mức 2,6% và 3,1% của tháng trước đó, đồng thời cùng thấp hơn mức tăng 2,5% và 3,0% theo dự báo. Đây là tháng có áp lực lạm phát thấp nhất tại khu vực này kể từ tháng 03/2022. Tại nước Đức nói riêng, CPI toàn phần tháng 3 tăng 2,2%, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 04/2021. Tiếp theo, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone trong tháng 2 ghi nhận ở mức 6,5%, đi ngang so với kết quả thống kê của tháng trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 6,4%. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone giảm 0,5% trong tháng 2 sau khi đi ngang ở tháng trước đó (0,0% m/m), sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ khu vực này giảm 0,7% y/y. Trong tuần này, thế giới chờ đợi các thông tin về cuộc họp của NHTW Châu Âu ECB. Kết quả của cuộc họp được công bố vào tối ngày 11/04 theo giờ Việt Nam. Thị trường dự báo ECB vẫn giữ nguyên LSCS (LS cho vay tái cấp vốn) trong cuộc họp lần này.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 01/04 - 05/04/2024