Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 11/04/2024

07:56 11/04/2024

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 10/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.036 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.187 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.942 VND/USD, giảm tiếp 16 đồng so với phiên 09/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.340 VND/USD và 25.450 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 10/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,15 – 0,19 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 3,86%; 1W 4,0%; 2W 4,02% và 1M 3,96%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 5,24%; 1W 5,32%; 2W 5,40%, 1M 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3Y 1,82%; 5Y 2,0%; 7Y 2,22%; 10Y 2,71%; 15Y 2,93%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 2.513,26 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 2,9%. Có 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 8.486,44 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 138.849,6 tỷ đồng, trên kênh cầm cố không còn khối lượng lưu hành.

Thị trường trái phiếu: Ngày 10/04, KBNN huy động thành công 7.025 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 67%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 2.500 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 15Y huy động được 2.525 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng, nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y 1,53% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,48% (+0,03 đpt), 15Y 2,68% (+0,03 đpt).

Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, các chỉ số cùng dao động trong biên độ hẹp. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,26 điểm (-034%) xuống 1.258,56 điểm; HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,65%) xuống mức 238,79 điểm; UPCoM-Index nhích nhẹ 0,08 điểm (+0,09%) lên 90,65 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 18.500 tỷ đồng. Khối ngoại quay trở lại bán ròng 606 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Báo cáo từ KBNN cho biết, hết quý I/2024, tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP là 80.229 tỷ đồng, đạt 20,1% kế hoạch Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng). Báo cáo cũng cho biết, kỳ hạn TPCP phát hành bình quân năm 2024 là 11,53 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,24%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 9,04 năm.

Tin quốc tế:

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3. Trong văn bản này, Fed khẳng định lại triển vọng kinh tế Mỹ đã mạnh hơn so với những dự báo đưa ra hồi cuối năm 2023. Việc điều chỉnh tăng này chủ yếu do thị trường lao động dồi dào, được thúc đẩy bằng lượng người nhập cư mới. Bên cạnh đó, tác động của CSTT thắt chặt có độ trễ và cần thêm thời gian để thấy được đầy đủ. Sản lượng của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ ở dưới mức tiềm năng trong năm 2024, và quay trở lại mức tiềm năng trong dài hạn, khi những tác động từ CSTT yếu dần. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ không thay đổi nhiều trong vài năm tới, và lạm phát PCE toàn phần và PCE lõi sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm nay, kết thúc năm tăng khoảng 2,5% y/y, do cung cầu và cầu trên thị trường chuyển dần sang trạng thái cân bằng. Đến năm 2026, cả hai chỉ báo PCE sẽ ở gần mức tăng mục tiêu 2,0%. Để đạt được lạm phát mục tiêu và toàn dụng nhân công, Fed quyết định duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50%, và sẽ đánh giá cẩn trọng dữ liệu sắp tới. Fed không cho rằng việc cắt giảm LSCS là phù hợp cho tới khi có đủ niềm tin rằng lạm phát đang hướng về mục tiêu 2,0% một cách bền vững, và sẵn sàng thay đổi quan điểm nếu xuất hiện rủi ro có thể cản trở quá trình đạt được mục tiêu này.

Áp lực lạm phát tại Mỹ có các dấu hiệu dai dẳng hơn dự báo. Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại quốc gia này cùng tăng 0,4% m/m trong tháng 3, bằng với đà tăng của tháng trước đó và đồng thời cao hơn dự báo cùng tăng 0,3% m/m. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tại Mỹ tăng 3,5% y/y trong tháng vừa qua, tăng tốc từ mức 3,2% của tháng 2 và vượt qua mức tăng 3,4% theo dự báo. Đây cũng là mức CPI y/y cao nhất mà Mỹ đón nhận kể từ sau tháng 09/2023. Chi phí nhà ở (khoảng 1/3 tỷ trọng trong rổ CPI) tăng mạnh được cho là nguyên nhân chính đang làm áp lực lạm phát tại Mỹ trở nên dai dẳng. Trong tháng vừa qua, chi phí này tăng khoảng 0,4% m/m và 5,7% y/y. Sau khi biên bản họp của Fed và số liệu CPI được công bố, kịch bản dự báo chiếm ưu thế của CME cho thấy có khả năng lần cắt giảm LSCS đầu tiên của Fed sẽ đến vào tháng 9 năm nay thay vì tháng 6 như trước, và cũng chỉ có duy nhất lần cắt giảm này trong năm 2024, đưa LSCS của Fed ở thời điểm cuối năm về mức 5,0% - 5,25%.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 11/04/2024

Đọc thêm