Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 03/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.258 VND/USD, tăng 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.453 VND/USD, không thay đổi so với phiên 02/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.830 VND/USD và 25.910 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 03/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm tiếp 0,03 - 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: ON 4,48%; 1W 4,60%; 2W 4,76% và 1M 4,88%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 5,30%; 1W 5,35%; 2W 5,40%, 1M 5,43%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 3Y; chốt phiên ở mức: 3Y 1,90%; 5Y 1,99%; 7Y 2,27%; 10Y 2,77%; 15Y 2,95%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 1.737 tỷ đồng trúng thầu, có 551,57 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 14.100 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 3.160 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 9.754,57 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 144.080 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 34.580,98 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 03/07, KBNN gọi thầu 17.000 tỷ đồng TPCP. Trong đó, duy nhất kỳ hạn 10Y huy động được 11.487 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng gọi thầu với mức lãi suất trúng thầu là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước). Các kỳ hạn 5Y, 15Y và 20Y gọi thầu lần lượt là 500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở các kỳ hạn này.
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán hôm qua tiếp tục phục hồi với lực mua tăng. Kết phiên, VN-Index tăng 7,06 điểm (+0,56%) lên 1.276,85 điểm; HNX-Index thêm 0,63 điểm (+0,26%) đạt mức 241,43 điểm; UPCoM-Index nhích 0,32 điểm (+0,33%) lên 97,90 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch gần 17.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 60 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tháng 6/2024 có 15,72 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 143,01 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% về số DN và tăng 3,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 6/2024 cũng ghi nhận hơn 7,5 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức hơn 119,61 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong 6 tháng năm 2024, cả nước có 110,31 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản họp tháng 6, bên cạnh đó quốc gia này ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong văn bản này, Fed nhận định các hoạt động kinh tế Mỹ mở rộng vững chắc trong nửa đầu năm 2024, thị trường lao động cũng duy trì được trạng thái tích cực. Lạm phát giá cả tiêu dùng đã thấp hơn so với một năm về trước tuy nhiên tốc độ quay lại mục tiêu 2,0% đang chậm dần những tháng gần đây. Các dự báo về kinh tế trong cuộc họp lần này hầu như không thay đổi nhiều so với cuộc họp tháng 3, tuy nhiên dự báo lạm phát đã được điều chỉnh cao hơn so với cuộc họp trước. Điều này đồng nghĩa rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm do cung cầu dần trở về cân bằng, nhưng tốc độ giảm sẽ chậm hơn dự kiến trước đây. Theo đó, để hỗ trợ cho mục tiêu đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp lần này, và sẽ tiếp tục đánh giá cẩn trọng các dữ liệu sắp tới để có các quyết định tiếp theo. Liên quan đến thông tin kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này bất ngờ chỉ đạt 48,8% trong tháng 6, giảm mạnh từ mức 53,8% của tháng 5 và đồng thời thấp hơn mức 52,6% theo dự báo. Đây là mức PMI dịch vụ thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận kể từ tháng 05/2020. Tiếp theo, tại thị trường lao động, ADP khảo sát cho biết Mỹ tạo ra 150 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 6, thấp hơn mức 157 nghìn của tháng 5 và thấp hơn so với mức 159 nghìn theo kỳ vọng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 29/06 ở mức 238 nghìn đơn, tăng từ 234 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn một chút so với mức 235 nghìn đơn theo dự báo.
Hãng S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước Anh chính thức đạt 52,1 điểm trong tháng 6, điều chỉnh tăng nhẹ so với mức 51,2 điểm theo kết quả sơ bộ. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức PMI dịch vụ thấp nhất của quốc gia này kể từ sau tháng 11/2023, cho thấy động lực tăng trưởng của lĩnh vực này đang yếu dần.
Văn phòng Thống kê Úc cho biết doanh số bán lẻ tại quốc gia này tăng 0,6% m/m trong tháng 5, nối tiếp mức tăng chỉ 0,1% của tháng trước đó và vượt qua kỳ vọng tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ tại Úc tăng 1,7% y/y.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 04/07/2024