Cuộc họp định kỳ của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) sắp tới diễn ra trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi chỉ sau vài tháng đầu năm 2022.
Trước “cú đá bồi” nặng nề
Bối cảnh đó được VIRA điểm lại, với nhiều biến động bên ngoài nhưng độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã lớn.
Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa qua, đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt, thì cuộc xung đột Nga - Ukraine với diễn biến phức tạp, quy mô ảnh hưởng sâu rộng, khó lường, đã nổ ra. Đây thực sự là “cú đá bồi” nặng nề vào triển vọng hồi phục kinh tế thế giới 2022-23.
Rủi ro địa chính trị quốc tế theo đó đang bị đẩy cao, khi mà các đòn ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Phương Tây với Nga không ngừng gia tăng.
“Các nguy cơ khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường tài chính quốc tế rung lắc mạnh, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng stagflation (lạm phát đình trệ - PV),… liên tục được cảnh báo”, VIRA điểm lại trong đề dẫn giới thiệu cho cuộc họp sắp tới.
Với bối cảnh như vậy, nhiều ngân hàng trung ương, thậm chí có thể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), buộc phải tỏ ra thận trọng hơn trong những động thái thu lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ trước đó để đối phó áp lực lạm phát đang giai đoạn đỉnh điểm, dù trước chiến sự tại Ukraine, xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ đã khá rõ nét.
Đáng chú ý, VIRA đưa ra nhận định: Với Việt Nam, khoảng “thời gian vàng” để kịp đẩy nhanh gói chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023, đang bị thu hẹp khi mà rủi ro lạm phát trong nước đang gia tăng nhanh, cộng hưởng cùng áp lực lãi suất quốc tế tăng, khiến mặt bằng lãi suất trong nước tất yếu sẽ chịu áp lực tăng theo.
Nhận định trên có thực tế khi đã qua quý 1 nhưng giải ngân đầu tư công vẫn chủ yếu là phần chuyển tiếp năm trước; gói hỗ trợ lãi suất vẫn đang trong quá trình dự thảo và chưa thể triển khai; lãi suất đang tăng lên trên các thị trường…
Trong khi đó, cùng với lạm phát, sự đột biến của các ca nhiễm COVID-19 trong quý 1 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động và năng lực sản xuất, điều kiện kinh doanh mà IHS Markit đưa ra đánh giá cụ thể cho quý đầu tiên của năm.
Với thị trường tiền tệ, bên cạnh xu hướng lãi suất tăng lên, những vụ việc phát sinh và bị xử lý gần đây, đặc biệt ở thị trường trái phiếu có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý thị trường và các dòng chảy, mà lãi suất có thể chịu thêm tác động gián tiếp…
|
Các chỉ tiêu dự báo của VIRA tháng 4/2022
|
Không còn lãi suất “đầu 1” trong dự báo
Trên thị trường thế giới, tháng 3 vừa qua đã chính thức đón nhận quyết định đảo chiều và tăng lãi suất của Fed. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lập tức tăng vọt và trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường.
Những diễn biến như vậy, có thể chỉ mang tính thời điểm, nhưng đang góp phần khiến “thời gian vàng” đối với chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Việt Nam dần thu hẹp.
Thực tế tại thị trường Việt Nam, như báo cáo đề cập ở trên của IHS Markit, Tốc độ tăng chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã cao nhất 11 năm trong kỳ cập nhật vừa qua.
Lãi suất trên các thị trường cũng đã thể hiện xu hướng tăng. Và trong kỳ dự báo mới nhất của VIRA cho tháng 4 này, lãi suất “đầu 1” đã mất tích trong tính toán của các thành viên.
Cụ thể, nếu như tỷ giá USD/VND được dự báo tiếp tục ổn định và thậm chí giảm nhẹ so với tháng trước, thì ở chỉ tiêu dự báo lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng đã không còn mức 1,xx% nữa. Tất cả các thành viên VIRA đều dự báo bình quân lãi suất này sẽ trên 2%, một số thành viên hướng tới khả năng lên 2,5-2,7%/năm; bình quân dự báo ở 2,27%.
Một chỉ tiêu khác, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng không ngừng tăng và dự báo tiếp tục tăng trong tháng này. Bình quân dự báo của VIRA ở 2,44%/năm. Còn trên thị trường sơ cấp, vừa qua đã có những phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ thất bại, với kỳ vọng lãi suất cao hơn từ các thành viên tham gia dự thầu.
Ở một diễn biến liên quan, trong tháng 3 và vắt sang tháng 4, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang liên tiếp phải bơm ròng trên thị trường mở (OMO), tạo nguồn hỗ trợ cân đối ngắn hạn cho hệ thống. Số dư lưu hành qua kênh này đến phiên 07/4 đã trên mốc 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang bám sát để hỗ trợ cũng như bình ổn nhu cầu vốn ngắn hạn trong hệ thống, gián tiếp xọa dịu áp lực tăng lãi suất trên các thị trường.
Cũng như ở “mặt trận” tỷ giá, tỷ giá USD/VND đã và đang, triển vọng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước bình ổn để trở thành một yếu tố quan trọng khi mà giá cả đầu vào nhiều loại nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất trong nước đã và đang tăng cao, cũng như các chi phí như xăng dầu và logistics leo thang thời gian qua.
Bạn đọc tham khảo chi tiết các chỉ tiêu dự báo cũng như dự báo kết năm 2022 của VIRA tại: www.vira.org.vn
MINH ĐỨC
https://bizlive.vn/thoi-gian-vang-voi-viet-nam-dang-dan-thu-hep-post3095887.html