Trước tác động nghiêm trọng, kỳ vọng Fed sẽ “nhẹ tay”

00:51 09/03/2022

Chỉ trong vòng một tháng qua, bối cảnh kinh tế toàn cầu đã có khác biệt lớn. Những dự báo trước đó, và cả trù tính của các ngân hàng trung ương (bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed) bắt đầu có những điều chỉnh.

Tác động nghiêm trọng từ yếu tố mới

Nếu như một tháng trước, hầu hết các dự báo đều nghiêng về khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp chính sách với phán quyết dự kiến vào ngày 17/3 tới. Song, các cập nhật mới đã thay đổi.

Trao đổi với BizLIVE, một thành viên của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, trở thành nhân tố rủi ro và thách thức mới đối với nền kinh tế thế giới vừa gượng phục hồi sau đại dịch.

Ngày 5/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo, giá năng lượng và lương thực tăng phi mã, cộng thêm tác động của lạm phát từ đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sẽ tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu.

Theo thành viên trên của VIRA, yếu tố bất ngờ này làm ảnh hưởng đến những dự tính trước đó của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed. Theo đó, dự báo tại kỳ họp tới đây Fed chỉ dự kiến nâng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ sở, “nhẹ tay” hơn so với dự báo nâng 0,5 điểm phần trăm trước khi xảy ra chiến sự.

Đó cũng là kỳ vọng mà CME FedWatch (một công cụ của Chicago Mercantile Exchange sử dụng để dự báo xác suất xảy ra biến cố về động thái chính sách của Fed) hướng tới. Mức độ chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm cũng là kỳ vọng hiển thị dự báo trên lịch biểu sự kiện cuộc họp sắp tới ở nhiều kênh hỗ trợ quan sát thị trường và đầu tư…

“Nhìn chung, thị trường tài chính quốc tế sẽ có những đợt biến động mạnh khi các ngân hàng trung ương vừa phải thắt chặt dần chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, vừa phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng”, thành viên của VIRA nhìn nhận.

Thực tế, khi mà cuộc khủng hoảng COVID-19 chưa qua, kinh tế toàn cầu lại đang nối tiếp trải qua cú sốc (không còn phải để trong ngoặc kép) về giá vàng, giá dầu, cũng như đà lao dốc của chứng khoán trên khắp các thị trường…

Nếu như các giai đoạn trước đây, thế giới thường lo ngại vấn đề lạm phát và lãi suất tăng bởi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, tiền bơm nhiều và mất giá, thì nay gốc rễ của nó gắn với sự đứt gãy của nguồn cung, giãn đoạn chuỗi cung ứng trong khi thu nhập và cầu tiêu dùng vừa trải qua 2 năm của cơn bão đại dịch.

Trước tác động nghiêm trọng, kỳ vọng Fed sẽ “nhẹ tay” ảnh 1

Các chỉ tiêu dự báo của VIRA cho tháng 3/2022

Mặt bằng lãi suất mới, áp lực đối với ngân sách

Việt Nam không nằm ngoài tác động của bối cảnh trên. Thị trường chứng khoán cũng đã bước đầu có những phiên giảm mạnh. Và trước khi phân định hợp lý thiệt - hơn từ ảnh hưởng cuộc xung đột Nga với Ukraine (và mở rộng với phạm vi mối quan hệ với Phương Tây), “bóng ma” lạm phát đang ám ảnh.

Áp lực lạm phát là điểm kết nối đầu tiên. Giá dầu thế giới và giá xăng trong nước tăng vọt đang tạo áp lực rất lớn, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân hai tháng đầu năm mới tăng 1,68% so cùng kỳ 2021.

Ngoài ra, theo nhận định của một số thành viên VIRA, CPI còn chịu áp lực từ sự phục hồi cầu tiêu dùng đi cùng với việc chi phí sản xuất tăng cao bị dồn tích, đang phản ánh dần vào giá bán.

Trong kỳ dự báo tháng 3 này, nhiều thành viên của VIRA cũng đã hướng đến tình huống CPI sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ, với hơn 2%; dự báo bình quân của các thành viên cho tháng này ở 2%.

Sau lạm phát, điểm liên quan nữa là lãi suất. Cũng theo nhận định của một số thành viên VIRA, rủi ro địa chính trị quốc tế mới phát sinh, áp lực lạm phát toàn cầu và khả năng Fed tăng lãi suất đang khiến dư địa giảm lãi suất trong nước sẽ không nhiều. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021.

Song, ở kỳ hạn 1 tuần mà VIRA lựa chọn dự báo, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng dù cao hơn so với năm ngoái nhưng dự tính sẽ tiếp tục bình ổn sau yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán vừa qua; bình quân dự báo sẽ giảm xuống còn 2,29%/năm so với thực tế bình quân 2,68%/năm trong tháng 2.

Khi lãi suất dần định hình mặt bằng mới, cao hơn so với năm ngoái, áp lực đối với ngân sách nhà nước cũng là một mối liên hệ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm là một chỉ tiêu VIRA dự báo hàng tháng. Và dự báo tháng 3 này sẽ tăng lên.

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), chênh lệch lãi suất sơ cấp và thứ cấp doãng rộng, gia tăng áp lực điều chỉnh trên sơ cấp. Kho bạc Nhà nước phát hành TPCP khó khăn trong hai tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 2. Nhà đầu tư tham gia chủ yếu là Bảo hiểm Xã hội, trong khi các TCTD tỏ ra thận trọng khi lợi suất TPCP Mỹ tăng mạnh, lãi suất liên ngân hàng neo cao cùng áp lực lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, hai tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước mới chỉ phát hành thành công 32 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 8% kế hoạch năm và 34% kế hoạch quý 1.

Dự báo, mặt bằng lãi suất TPCP sẽ tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Dự báo kỳ tháng 3 của VIRA cũng hướng về đà tăng của lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm; dự báo bình quân sẽ lên 2,31% so với mức bình quân 2,18% tháng trước.

Với tỷ giá USD/VND, mặc dù trù tính biến động sẽ không quá lớn, song hầu hết các thành viên của VIRA đều đồng loạt dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong tháng này. Tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bình quân dự báo tháng 3 sẽ lên 22.843 VND, cao hơn mức bình quân thực tế 22.765 VND trong tháng 2 vừa qua.

Liên quan, cùng với triển vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào kỳ họp sắp tới, chỉ số USD Index hiện đã vượt mốc 99, sau khi liên tục đi lên kể từ đầu năm nay và đặc biệt thời gian gần đây.

Minh Đức

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/truoc-tac-dong-nghiem-trong-ky-vong-fed-se-nhe-tay-post3095045.html

Đọc thêm