Lạm phát có thực sự đáng ngại?

15:18 07/11/2021

Đã có những câu trả lời khẳng định từ các đầu mối có sức nặng trong quản lý điều hành, trong ảnh hưởng đến diễn biến của lạm phát: Quan ngại.

“Áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước”, trích một phần nhận định từ Bộ Tài chính, qua cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 26/10 vừa qua do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì.

Gần hơn, tại họp báo Chính phủ ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự tính: Bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.

“Chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước”, Thứ trưởng Hải nói tại họp báo.

Nhìn lại một quá trình, kênh dự báo thường kỳ hàng tháng của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) cũng cho thấy những thay đổi đáng chú ý về kỳ vọng lạm phát ngay trong năm 2021.

Từ giữa 2020 đến đầu 2021, phần lớn dự báo của gần 30 hội viên VIRA (đến từ các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư…) đều nghiêng về điểm chung: tạm để lạm phát (và áp lực) sang một bên, bởi COVID-19 đã đánh quá mạnh vào tổng cầu của nền kinh tế, nhưng mức dự báo vẫn thường cao hơn thực tế một phần nhất định.

Cho đến thời điểm này, cú đánh của đại dịch đã thể hiện rõ nét ở sự gãy sâu kéo dài ở chỉ báo Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Cùng đó, một thực tế ngày càng nổi lên mà chưa có dấu hiệu dừng lại: giá dầu, giá hàng hóa nguyên liệu, chi phí logistics trên thế giới liên tục tăng cao. Sức nóng này phả thẳng vào lạm phát Việt Nam với một nền kinh tế có độ mở lớn.

Tuy nhiên, ông Trịnh Quang Anh - Chủ tịch VIRA cho rằng, dự báo về lạm phát Việt Nam thường rất khó khăn, bởi có những mặt hàng trọng yếu thuộc quản lý Nhà nước, thuộc về ý chí của nhà quản lý.

Nhưng, sau khi “tạm để áp lực lạm phát qua một bên”, những kỳ dự báo gần đây của VIRA đã có độ chênh cao hơn đáng kể so với lạm phát thực tế. Và ở kỳ dự báo tháng 11 này cũng vậy.

Nếu như vừa qua mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm 2020 nằm dưới 2%, thì hầu hết dự báo của các thành viên VIRA đều ở trên mức này. Tháng 11 này, dự báo bình quân của họ là 2,24%; chỉ một số ít thành viên dự báo dưới 2%, phần lớn đều trên 2%, thậm chí từ 2,5-2,8%.

Lạm phát có thực sự đáng ngại?

SỨC CẦU QUÁ YẾU, VẪN CÓ THỂ BÌNH TÂM ĐẾN QUÝ 2/2022?

Kỳ dự báo tháng 11 này của VIRA khá đặc biệt khi Hội có cuộc thảo luận trực tiếp giữa các thành viên, cũng như có phần mở rộng ý kiến các chuyên gia.

Cũng như nhận định của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, lạm phát năm nay chắc chắn được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đề ra. Song áp lực, như đề cập ở trên, đang là điểm nóng được quan tâm.

Áp lực đang rõ ràng, nhất là diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới. Bên cạnh giá dầu và giá nguyên vật liệu, câu chuyện phí logistics tăng cao còn được nhìn nhận đến vấn đề nan giải khi khan hiếm container và khía cạnh “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc chiến thuế quan…, bởi Trung Quốc đang nắm áp đảo nguồn container trên toàn cầu.

Chi phí đẩy từ thị trường thế giới là rõ ràng. Cụ thể như người dân đang phải đổ xăng với giá kỷ lục 7 năm; giá điện sau 5 đợt hỗ trợ 2020-2021 tới đây dần trở lại; giá dịch vụ y tế, giáo dục… cũng khó có thể chia sẻ mãi. Trong khi nội tại, nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ dần rút ngắn độ trễ tác động.

Thế nhưng, ý kiến chung của VIRA và chuyên gia đều nhìn vào thực tế sức cầu trong nước quá yếu. COVID-19 đánh sập nặng các chỉ số liên quan đến sức cầu này, qua dữ liệu Tổng cục Thống kê cập nhật hàng tháng. Vậy nên trọng tâm trong ngắn hạn quan điểm chung là vẫn có thể bình tâm với lạm phát, điều được chờ đợi hơn là chính sách kích cầu nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, áp lực lạm phát hiện tại dường như bị thổi phồng quá mức để trở thành “một con ngáo ộp”, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường hiện nay. Còn ngắn hạn việc kiểm soát ở mức thấp là rõ ràng. Tại họp báo Chính phủ nói trên, đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định chắc chắn điểm này.

Xa hơn, VIRA dự báo áp lực lạm phát rất đáng chú ý từ quý 2/2022. Điều này gắn với triển vọng sức cầu phục hồi theo đà của nền kinh tế; độ trễ tác động của các chính sách nới lỏng được rút ngắn; chính sách và nguồn lực bình ổn các mặt hàng trọng yếu Nhà nước quản lý trở nên có hạn.

Theo đó, nửa sau năm 2022 lạm phát dự báo sẽ là vấn đề thực sự thử thách đối với công tác điều hành và kiểm soát, đặc biệt ở việc điều hành chính sách tiền tệ.

Lạm phát có thực sự đáng ngại? 2

LÃI SUẤT VÀ TỶ GIÁ BÌNH ỔN TẦM THẤP

Bên cạnh lạm phát, lãi suất và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng là hai chỉ tiêu nữa mà VIRA tập trung phân tích và dự báo.

Ở kỳ tháng 11 này, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần dự báo sẽ tiếp tục bình ổn. Bình quân dự báo của VIRA cho tháng này chỉ 0,76%, thấp hơn mức bình quân thực tế tháng 10 vừa qua với 0,79%.

Lãi suất VND liên ngân hàng vẫn tiếp tục bình ổn dù tín dụng thường tăng cao những tháng cuối năm (10 tháng đã tăng 8,6%), cũng như cầu VND cho thanh toán chi trả thường mạnh hơn. Song, nguồn tác động và bình ổn là yếu tố tiếp tục thể hiện.

Sau khi lượng VND cung ứng từ nguồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng đầu năm lần lượt đáo hạn, thị trường có thêm nguồn cung ứng tức thời mới. VIRA ghi nhận nhà điều hành vừa mua vào lượng ngoại tệ đáng kể, cung thêm VND trong khi các kênh trung hòa truyền thống vẫn tạm ngừng, gián tiếp tạo nguồn vốn dồi dào trên thị trường.

Ở diễn biến trên, liên quan trực tiếp đến tỷ giá USD/VND. Hầu hết các thành viên VIRA đều dự báo giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng tháng 11 này sẽ chỉ nhỉnh hơn mức 22.650 VND - giá Sở Giao dịch NHNN mua vào.

Dự báo trên về tỷ giá USD/VND đã bao gồm quyết định hạ mạnh giá mua vào USD mà NHNN thực hiện ngày 5/11 vừa qua. Bình quân dự báo VIRA tháng này sẽ ở 22.693 VND. Và theo đó tỷ giá USD/VND được kỳ vọng tiếp tục ổn định ở mức thấp.

Ở chỉ tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm, bình quân dự báo của VIRA trượt nhẹ ở 2,12% so với mức thực tế bình quân 2,14% tháng 10 vừa qua.

Với kênh TPCP, Kho bạc Nhà nước vừa nâng thêm khối lượng phát hành năm nay. Song Bộ Tài chính đang tính toán, nếu tốc độ giải ngân đầu tư công được đẩy nhanh hai tháng cuối năm và đạt tiến độ, kênh phát hành TPCP sẽ phấn đấu đạt kế hoạch vừa nâng thêm, hoặc ngược lại.

Ở vùng dự báo cho 3 tháng tới, tức đến tháng 01/2022, dự báo chung của VIRA tiếp tục tập trung ở sự ổn định của tỷ giá USD/VND, với mức bình quân dự báo giá USD giao ngay liên ngân hàng vẫn chỉ quanh 22.696 VND; lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm nhích lên 2,16%.

Song, ba tháng tới, thị trường bước vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng được VIRA dự báo sẽ tăng lên đáng kể với bình quân 0,93%, từ quanh 0,7% hiện nay.

Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/lam-phat-co-thuc-su-dang-ngai-3572482.html

                                                                                                               Minh Đức

Đọc thêm