Tổng quan:
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán giảm sâu nhất trên thế giới trong tháng 10. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi khá tích cực trong nửa đầu tháng 11.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, chỉ số VN-Index chốt tại 1.028,19 điểm, giảm 10,91% so với tháng 9 - mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. VN30-Index đạt 1.039,38 điểm, giảm 10,88% so với tháng 9-2023 nhưng vẫn tăng 3,4% so với cuối năm 2022. Trong đó, các chỉ số ngành đều giảm điểm. Đơn cử, ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm mạnh nhất khi rơi tới 20,22% giá trị; ngành năng lượng (VNENE) giảm 14,94% và ngành hàng thiết yếu giảm 14,3%, ... Đáng chú ý, thanh khoản thị trường xuống rất thấp, bình quân chỉ đạt 625,89 triệu cổ phiếu mỗi phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân 14.285 tỉ đồng/phiên - giảm 35,32% về khối lượng và giảm 38,68% về giá trị so với tháng 9/2023.
Theo ý kiến của các cơ quan chứng khoán, thời gian qua, xu hướng giảm giá là xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ do những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Rủi ro địa chính trị liên quan tới xung đột tại dải Gaza đã làm khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung rơi vào trạng thái bất ổn. Những lo ngại việc Israel sẽ tấn công trên bộ quy mô lớn vào dải Gaza khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như vàng và USD khiến thị trường chứng khoán thế giới chịu sự điều chỉnh. Ở Việt Nam, trong tháng 10, tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có nhóm cổ phiếu họ VIN bị bán mạnh trên thị trường, dẫn tới tâm lý “hoảng loạn” ở một bộ phận nhà đầu tư khiến thị trường xuất hiện nhiều phiên bán tháo.
Một điểm đáng lưu ý nữa là số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tính đến hết tháng 10 là 7,45 triệu tài khoản. So với tháng trước, gần 380.000 tài khoản đã không còn hoạt động. Đó là số tài khoản cá nhân trong nước đóng ròng trong tháng 10. Trái với số liệu sụt giảm về lượng tài khoản của nhà đầu tư nội, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở mới thêm 246 tài khoản trong tháng 10 vừa qua, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với con số 253 tài khoản của tháng trước đó. Thời điểm cuối tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 44.952 tài khoản. Việc số lượng lớn tài khoản chứng khoán cá nhân bị đóng cũng có thể liên quan đến yêu cầu của Chính phủ đưa ra trong tháng 10, yêu cầu UBCKNN phải hoàn thành trong tháng 11 việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán, thực hiện đối chiếu thông tin để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Qua nửa đầu tháng 11, TTCK đã có những phiên tăng điểm khá tích cực, tuy nhiên vẫn khó để đánh giá sự tích cực này sẽ được duy trì trong 2 tháng còn lại của năm hay không. Tâm lý của nhà đầu tư đang trở nên dễ thay đổi khi các phiên tăng giảm mạnh có sự đan xen với nhau, chỉ cần một thông tin xấu xuất hiện là có thể khiến nhà đầu tư phản ứng quá mức, đồng thời, hiện tại thị trường đang thiếu vắng những thông tin hỗ trợ trong ngắn hạn. Trái lại, có nhiều yếu tố rủi ro có thể tác động tới thị trường: Lãi suất cao tại các quốc gia phát triển đã bắt đầu thẩm thấu vào thị trường, gây tác động tương đối xấu tới nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và tại Mỹ; Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa thể phục hồi, nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần thời gian hấp thụ các chính sách kích cầu, số liệu kinh tế vẫn còn nhiều u ám; Căng thẳng địa chính trị có thể khiến lạm phát tăng trở lại, … TTCK có thể sẽ phản ánh hết những rủi ro này để đạt trạng thái cân bằng trong tháng 11, thị trường có thể tiếp tục phân hóa đi ngang mà chưa xác định được xu hướng mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn khi được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản. Trước hết, nền kinh tế đã tạo đáy trong quý I/2023, xu hướng phục hồi được thể hiện rõ ràng thông qua các số liệu kinh tế. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI đang quay trở lại, sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Cuối cùng, các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng đang được thẩm thấu và sẽ hỗ trợ tích cực sự phục hồi của nền kinh tế.
Tóm lược thị trường trong nước từ 13/11 - 17/11
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 13/11 – 17/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen, trong đó có 1 phiên giảm mạnh. Chốt ngày 17/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.972 VND/USD, giảm tiếp 42 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.120 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 17/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.248 VND/USD, giảm 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 17/11, tỷ giá tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.500 VND/USD và 24.600 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 13/11 – 17/11, lãi suất VND LNH giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 17/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,20% (-0,44 đpt); 1W 0,40% (-0,50 đpt); 2W 0,60% (-0,60 đpt); 1M 1,22% (-0,66 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 17/11, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,07% (+0,03 đpt); 1W 5,17% (+0,04 đpt); 2W 5,27% (+0,03 đpt) và 1M 5,37% (+0,03 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 13/11 – 17/11, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Có 55.899,7 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 55.899,7 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 97.299,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 13/11, Ngân hàng CSXH chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCPBL, khối lượng trúng thầu là 3.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu của các kỳ hạn 5Y là 2,47% (-0,03 đpt so với tuần trước), 10Y 3,35% (-0,15 đpt) và 15Y 3,60% (+0,60 đpt).
Ngày 15/11, KBNN chào thầu 4.250 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 3.750 tỷ đồng, tương đương 88%. Trong đó, kỳ hạn 5Y không huy động được 500 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y trúng thầu toàn bộ 1.500 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y trúng thầu toàn bộ 750 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10Y 2,47%, 15Y 2,70%, 30Y 3,05%, đều không thay đổi so với tuần trước.
Ngày 16/11, Ngân hàng CSXH tiếp tục chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCPBL, khối lượng trúng thầu là 3.500 tỷ đồng, tương đương 88%. Trong đó, kỳ hạn 5Y chào thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Kỳ hạn 10Y trúng thầu toàn bộ 2.000 tỷ đồng chào thầu và kỳ hạn 15Y trúng thầu toàn bộ 1.500 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10Y 3,15% (-0,2 đpt so với phiên tuần trước), 15Y 3,6% (không thay đổi).
Trong tuần này, ngày 20/11, Ngân hàng CSXH chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCPBL, trong đó, kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Ngày 22/11, KBNN chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 1.500 tỷ mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.542 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 4.107 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 17/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,71% (-0,04 đpt); 2Y 1,72% (-0,03 đpt); 3Y 1,73% (-0,02 đpt); 5Y 1,79% (-0,05 đpt); 7Y 2,14% (-0,26 đpt); 10Y 2,52% (-0,11 đpt); 15Y 2,70% (-0,13 đpt); 30Y 3,20% (-0,04 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 13/11 – 17/11, thị trường chứng khoán tiêu cực trở lại, đặc biệt giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 17/11, VN-Index đứng ở mức 1.101,19 điểm, giảm nhẹ 0,49 điểm (-0,04%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 0,11 điểm (-0,05%) về mức 226,54 điểm; UPCom-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) còn 86,02 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 20.400 tỷ đồng/phiên, thấp hơn mức 23.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.260 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận các thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 10 sau khi tăng 0,4% ở tháng trước đó, trái với dự báo vẫn tăng nhẹ 0,1%. CPI lõi tại Mỹ trong tháng vừa qua tăng nhẹ 0,2% m/m, thấp hơn so với dự báo tiếp tục tăng 0,3% như tháng 9. So với cùng kỳ năm 2022, CPI toàn phần và CPI lõi trong tháng 10 lần lượt tăng 3,2% và 4,0% y/y, cùng giảm tốc so với mức 3,7% và 4,1% của tháng 9. Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần tại Mỹ giảm khá mạnh 0,5% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 0,4% ở tháng 9, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,1%. PPI lõi trong tháng 10 đi ngang (0,0% m/m) sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng 0,3%. So với cùng kỳ 2022, PPI và PPI lõi tháng 10 lần lượt tăng 1,3% và 2,9% y/y, cùng hạ nhiệt so với mức 2,2% và 3,0% ở tháng 9. Tiếp theo, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ giảm nhẹ 0,1% m/m trong tháng 10 sau khi tăng 0,9% ở tháng 9, chưa sâu như mức giảm 0,3% theo dự báo. Doanh số bán lẻ lõi trong tháng vừa qua tăng 0,1% m/m, nối tiếp đà tăng 0,8% của tháng trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%. Về công nghiệp, sản lượng trong tháng 10 giảm 0,6% m/m sau khi tăng nhẹ 0,1% ở tháng trước đó, sâu hơn so với dự báo giảm 0,4%. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 11/11 ở mức 231 nghìn đơn, tăng từ mức 218 nghìn đơn của tuần trước đó và cao hơn so với mức 221 nghìn đơn theo dự báo. Trung bình 4 tuần gần nhất, số đơn ghi nhận ở mức 220,2 nghìn, tăng nhẹ 7,7 nghìn so với 4 tuần trước đó. Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng ở biên bản cuộc họp Fed đầu tháng 11, sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 22/11 theo giờ Việt Nam.
Nước Anh đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 4,6% và 5,7% y/y trong tháng 10, thấp hơn so với 6,7% và 6,1% của tháng 9 và đồng thời cùng thấp hơn so với mức tăng 4,7% và 5,8% theo dự báo. Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này tăng 17,8 nghìn đơn trong tháng 10, cao hơn mức 9 nghìn của tháng trước đó và đồng thời vượt nhẹ mức tăng 15 nghìn theo dự báo. Trong tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đi ngang ở mức 4,2%, khớp với con số dự báo. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động tại Anh tăng 7,9% 3m/y trong 3 tháng 07-08-09/2023, thấp hơn một chút so với mức tăng 8,2% ở 3 tháng 06-07-08, song vẫn mạnh hơn so với mức tăng 7,4% theo kỳ vọng. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại nước Anh giảm 0,3% m/m trong tháng 10, nối tiếp đà giảm 1,1% của tháng trước đó và trái với dự báo hồi phục 0,5%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ của nước này giảm 2,7% trong tháng vừa qua.
Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 13/11 - 17/11/2023