Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 06/11 - 10/11/2023

07:35 13/11/2023

Tổng quan:

Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư gần 25 tỷ USD sau 10 tháng 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu có khả năng tăng trưởng âm lần thứ hai kể từ khi đổi mới.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, trị giá XK của cả nước tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% (tương ứng tăng 1,62 tỷ USD) so với tháng trước. Trong khi đó, NK tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% (tương ứng tăng 823 triệu USD). Tổng kim ngạch XNK tháng 10 ước đạt 61,61 tỷ USD, tăng 4,1% (tương ứng tăng 2,45 tỷ USD) so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng XNK ước đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% (tương ứng giảm 59,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó XK 10 tháng năm 2023 ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 22,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 37,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 24,6 tỷ USD.

Bộ Công thương thông tin cho hay, XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục phục hồi tốt trong tháng 10, với kim ngạch XK tăng 4,6% so với tháng 9. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, XK nhóm hàng này giảm 8,3%, đạt 247,34 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch XK của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ít nhất 2 ngành hàng XK trên chục tỷ USD là dệt may, giày dép tăng trưởng âm. Cụ thể, XK dệt may 10 tháng giảm 12,5%, giày dép giảm 20,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, XK điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD). Chỉ một số mặt hàng XK chủ lực có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm 2022, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 0,7%, đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 18,1%, đạt 11,58 tỷ USD). Các chuyên gia nhận định, mặc dù XK một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ… đã có tín hiệu phục hồi hơn trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung, đà phục hồi còn chậm. Về thị trường XK hàng hóa, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường XK do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch XK 10 tháng năm 2023 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến XK từng ngành hàng có sự khác nhau (XK tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).

Ở chiều ngược lại, một trong những điểm tích cực trong tháng 10 là kim ngạch NK các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch NK hàng hóa cả nước, ước đạt 26,09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 89% tổng kim ngạch NK cả nước, cho thấy những dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Trong đó, kim ngạch NK máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,4%; vải các loại tăng 8%, thép các loại tăng 35,2%; xăng dầu các loại tăng 44,8%, ... Tuy nhiên, nếu tính lũy kế từ đầu năm, do những khó khăn về thị trường XK, sự sụt giảm trong đơn hàng XK từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo NK nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính lũy kế 10 tháng, kim ngạch NK nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt gần 236 tỷ USD). Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8% (ước đạt 71,02 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng XK đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 60,4%; sắt thép các loại giảm 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 10,5%; vải các loại giảm 14,2%, ...

Dự báo về triển vọng XNK 2 tháng cuối năm, các chuyên gia đều nhận định, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất định địa chính trị gia tăng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, … Năm 2022, tổng kim ngạch XNK cả nước đạt 731,3 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD. Để chinh phục mốc 700 tỷ USD trong năm nay, 2 tháng cuối năm, mỗi tháng kim ngạch XNK hàng hóa cần đạt 71 tỷ USD – là bài toán vô cùng thách thức. Một điều đáng lưu ý nữa là XK giảm nhưng NK đang giảm mạnh hơn. NK giảm quá mạnh, trong khi Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có tính gia công, lắp ráp cao, ví dụ như các mặt hàng XK điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày, ... phải NK phần lớn linh phụ kiện, nguyên liệu từ bên ngoài. NK giảm mạnh 10 tháng qua sẽ ảnh hưởng lớn tới XK trong thời gian tới. Do đó, có thể thấy, kết quả xuất siêu gần 25 tỉ USD chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng.

Để tăng tốc XK cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các hiệp định thương mại tự do FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ, …    

Tóm lược thị trường trong nước từ 06/11 - 10/11

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 06/11 – 10/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 3 phiên đầu tuần rồi tăng trở lại 2 phiên cuối. Chốt ngày 10/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.014 VND/USD, giảm 70 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.164 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH giảm mạnh phiên đầu tuần rồi biến động tăng – giảm nhẹ sau đó. Kết thúc phiên 10/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.313 VND/USD, giảm tới 222 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch trong xu hướng giảm. Chốt phiên 10/11, tỷ giá tự do giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.470 VND/USD và 24.550 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 06/11 – 10/11, lãi suất VND LNH giảm ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 10/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,64% (-0,36 đpt); 1W 0,90% (-0,42 đpt); 2W 1,20% (-0,40 đpt); 1M 1,88% (-0,34 đpt).

Lãi suất USD LNH ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 10/11, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,04% (+0,01 đpt); 1W 5,13% (không thay đổi); 2W 5,24% (không thay đổi) và 1M 5,34% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 06/11 – 10/11, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất ở 3 phiên đầu tuần, dừng chào thầu 2 phiên cuối. Có 14.999,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất giảm dần xuống mức 1,0% (-0,50 đpt so với cuối tuần trước đó). Có 64.999,6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 49.999,7 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 153.199,5 tỷ đồng.    

Thị trường trái phiếu: Ngày 08/11, KBNN chào thầu 3.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 2.500 tỷ đồng, tương đương 71%. Trong đó, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động được lần lượt toàn bộ 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng chào thầu. Kỳ hạn 5Y và 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn này. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10Y 2,47% (+0,02 đpt), 15Y 2,70% (+0,02 đpt).

Ngày 09/11, Ngân hàng CSXH chào thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL, khối lượng trúng thầu là 2.500 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 83%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ chào thầu với lãi suất 2,5% (không đổi so với tuần trước), kỳ hạn 10Y huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu với lãi suất 3,5% (không đổi). Kỳ hạn 15Y gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu.

Trong tuần này, ngày 13/11, Ngân hàng CSXH chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCPBL, trong đó, kỳ hạn 5Y chào thầu 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Ngày 15/11, KBNN chào thầu 3.500 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 500 tỷ mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10Y chào thầu 1.000 tỷ và 15Y chào thầu 1.500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.107 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 5.492 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 5Y. Chốt phiên 10/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,75% (-0,03 đpt); 2Y 1,75% (-0,04 đpt); 3Y 1,76% (-0,03 đpt); 5Y 1,83% (+0,08 đpt); 7Y 2,40% (-0,16 đpt); 10Y 2,63% (-0,16 đpt); 15Y 2,82% (-0,23 đpt); 30Y 3,24% (-0,05 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 06/11 – 10/11, thị trường chứng khoán tăng – giảm đan xen qua các phiên, nhưng chiều tăng chiếm ưu thế. Chốt phiên 10/11, VN-Index đứng ở mức 1.101,68 điểm, tăng 24,90 điểm (+2,31%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 8,90 điểm (+4,09%) đạt mức 226,65 điểm; UPCom-Index tăng 1,87 điểm (+2,22%) lên 86,03 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị giao dịch trung bình trên 23.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.350 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Chủ tịch Fed Jerome Powell có phát biểu thận trọng trong tuần qua, bên cạnh đó nước Mỹ đón các thông tin kinh tế đáng chú ý. Cụ thể, ngày 08/10, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành CSTT cẩn trọng, tránh nguy cơ nới lỏng trở lại quá sớm hoặc thắt chặt quá mức. Ông cho biết Fed vẫn ưu tiên mục tiêu đưa lạm phát về mức 2,0%, và còn một chặng đường dài nữa cho tới khi đạt được mục tiêu này. Sau bài phát biểu của ông Powell, công cụ dự báo của CME cho thấy có 84% khả năng Fed giữ LSCS đi ngang ở mức 5,25% - 5,50%, và chỉ có 16% khả năng tăng nhẹ 25 đcb trong cuộc họp cuối năm ngày 13/12. Liên quan đến kinh tế Mỹ, cán cân thương mại của nước này thâm hụt 61,5 tỷ USD trong tháng 9, lớn hơn mức thâm hụt 58,7 tỷ của tháng 8 và đồng thời vượt qua mức thâm hụt 59,7 tỷ theo dự báo. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 04/11 ở mức 217 nghìn đơn, chỉ giảm nhẹ so với mức 220 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 218 nghìn đơn. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 60,4 điểm trong tháng 11, giảm xuống từ 63,8 điểm của tháng 10 và đồng thời thấp hơn mức 63,7 điểm theo dự báo. Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng về chỉ báo lạm phát CPI của Mỹ, được công bố vào tối ngày 14/11 theo giờ Việt Nam.

Nước Anh ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố GDP nước này tăng 0,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà tăng 0,1% của tháng trước đó và trái với dự báo chỉ đi ngang (0,0% m/m) của các chuyên gia. Theo đó, GDP quý 3 đi ngang so với quý trước đó (0,0% q/q) sau khi tăng 0,2% ở quý 2, trái với dự báo giảm nhẹ 0,1% q/q. Tiếp theo, sản lượng xây dựng tại nước này tăng 0,4% m/m trong tháng 9 sau khi giảm 0,8% ở tháng 8, trái với dự báo tiếp tục giảm 0,5%. Sản lượng công nghiệp nước Anh chỉ đi ngang trong tháng 9 sau khi giảm 0,5% m/m ở tháng trước đó, vẫn tích cực hơn dự báo giảm nhẹ 0,1% m/m. Cán cân thương mại tại Anh trong tháng 9 thâm hụt 14,3 tỷ GBP, thu hẹp so với mức thâm hụt 15,5 tỷ ở tháng 8 và đồng thời nhỏ hơn mức thâm hụt 15,3 tỷ theo dự báo.  Cuối cùng, giá nhà tại Anh do Halifax khảo sát tăng 1,1% m/m trong tháng 10 sau khi giảm nhẹ 0,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,2% theo kỳ vọng.

NHTW Úc RBA tăng nhẹ LSCS do áp lực lạm phát dai dẳng. Trong cuộc họp CSTT ngày 07/11, RBA cho biết lạm phát tại Úc đã qua vùng đỉnh nhưng vẫn còn cao và đang cho thấy sự dai dẳng hơn dự báo trong vài tháng trở lại đây. Cơ quan này đánh giá lãi suất cao đã góp phần cân bằng cung cầu trong nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu của RBA là kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu trong khung thời gian hợp lý, tránh tình trạng lạm phát cao làm tổn thương các chức năng của nền kinh tế và đời sống của người dân. CPI được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt dần xuống mức mục tiêu 2,0% - 3,0% vào cuối năm 2025. Theo đó, RBA nhận định việc tăng LSCS thêm 25 đcb ở thời điểm hiện tại, từ 4,10% lên 4,35% là cần thiết, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu trên.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 06/11 - 10/11/2023

Đọc thêm