Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 09/11/2023

08:01 09/11/2023

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.985 VND/USD, giảm tiếp 29 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.134 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.376 VND/USD, tăng 44 đồng so với phiên 07/11. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.470 VND/USD và 24.550 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/11, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,10 - 0,16 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,86%; 1W 1,20%; 2W 1,47% và 1M 2,07%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn dài hơn; giao dịch tại: ON 5,05%; 1W 5,14%; 2W 5,25%, 1M 5,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giữ nguyên ở kỳ hạn 5Y; chốt phiên ở mức: 3Y 1,76%; 5Y 1,75%; 7Y 2,39%; 10Y 2,64%; 15Y 2,86%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh nay. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 5.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 1,0%, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trong phiên 07/11. Như vậy, NHNN bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 193.199,4 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu: Ngày 08/11, KBNN chào thầu 3.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 2.500 tỷ đồng, tương đương 71%. Trong đó, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động được lần lượt toàn bộ 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng chào thầu. Kỳ hạn 5Y và 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn này. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10Y 2,47% (+0,02 đpt), 15Y 2,70% (+0,02 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên hôm qua hồi phục và tăng lên mạnh mẽ nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 33,14 điểm (+3,07%) đạt 1.113,43 điểm; HNX-Index thêm 8,74 điểm (+4,0%) lên 227,03 điểm; UPCoM-Index tăng 1,56 điểm (+1,84%) lên mức 86,17 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực với giá trị giao dịch gần 21.500 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 204 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 07/11/2023, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” (sau đây gọi tắt là Báo cáo), tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam. Tại Báo cáo kỳ này, BTC Hoa Kỳ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ trên cơ sở ba tiêu chí: (1) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (2) thặng dư cán cân vãng lai; và (3) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Theo đó, BTC Hoa Kỳ đưa 06 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam vượt ngưỡng 2 tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ (đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP).

Tin quốc tế:

Doanh số bán lẻ tại khu vực Eurozone giảm 0,3% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 0,7% của tháng trước đó và gần khớp với mức giảm 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ 2023, doanh số bán lẻ của khu vực này giảm khá mạnh 2,9% y/y. Tại khu vực EU nói riêng, doanh số bán lẻ trong tháng 9 lần lượt giảm 0,2% m/m và 2,7% y/y.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 08/11 nhận định đà tăng trưởng tiền lương nhanh chóng ở Eurozone có thể thúc đẩy lạm phát tiếp tục tăng cao. Do đó, NHTW Châu Âu ECB nên giữ lãi suất ở quanh các mức cao kỷ lục trong năm tới để “xoa dịu” áp lực về giá cả. Theo IMF, ECB không nên cắt giảm LSCS quá sớm vì điều đó sẽ khiến tổ chức này phải thực hiện thắt chặt CSTT một cách tốn kém hơn sau này. Mặc dù IMF tin rằng ECB có thể đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu vào năm 2025, song những diễn biến thắt chặt trên thị trường lao động có thể đẩy thời điểm này lùi về năm 2026.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 09/11/2023

Đọc thêm