Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 07/06 - 11/06/2021

09:00 14/06/2021

Tổng quan:

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng từ 11/06/2021, giá dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2021.

Theo Liên Bộ Công thương – Tài chính, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, kể từ ngày 11/06, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trên thị trường được quy định như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 19.048 đồng/lít (tăng 622 đồng/lít so với giá hiện hành, nếu kỳ điều hành này không chi quỹ là 1.600 đồng/lít thì giá sẽ tăng 2.222 đồng/lít và giá bán là 20.648 đồng/lít). Xăng RON95-III: không cao hơn 20.164 đồng/lít (tăng 633 đồng/lít, nếu không chi quỹ là 600 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.233 đồng/lít và giá bán là 20.764 đồng/lít). Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 15.448 đồng/lít (tăng 674 đồng/lít, nếu không chi quỹ 300 đồng/lít thì giá sẽ tăng 974 đồng/lít và giá bán là 15.748 đồng/lít). Dầu hỏa: không cao hơn 14.412 đồng/lít (tăng 587 đồng/lít, nếu không chi quỹ 200 đồng/lít thì giá sẽ tăng 787 đồng/lít và giá bán là 14.954 đồng/lít). Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.954 đồng/kg (tăng 675 đồng/kg so với giá hiện hành).

Theo Bộ Công thương, giá dầu trong nước tăng trở lại khi giá xăng dầu thế giới trong tháng 5 tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chính là tăng cao. Các chuyên gia đưa ra một số nguyên nhân làm tăng giá dầu thế giới trong tháng 5. Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được cải thiện khi Mỹ bước vào mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu lên mức cao nhất; nhiều nước châu Âu mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ tỷ lệ dân số đã tiêm phòng Covid đạt mức cao. Thứ hai, thông tin tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh làm gia tăng kỳ vọng cải thiện nhu cầu dầu thô. Thứ ba, dầu tăng giá sau một cuộc tấn công mạng buộc Công ty đường ống dẫn nhiên liệu hàng đầu của Mỹ Colonial đã đóng cửa toàn bộ mạng lưới cung cấp gần một nửa nhiên liệu cho Bờ Đông nước Mỹ. Thứ tư, ngày 21/05, thông tin về một cơn bão đang hình thành trên Vịnh Mexico có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu. Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố tác động làm giảm đà tăng giá dầu trong tháng 5. Thứ nhất, do nhu cầu dầu tăng chậm lại ở châu Á, nơi các ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh đã khiến nhiều biện pháp hạn chế mới được áp đặt nước. Tại Ấn Độ- nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do đại dịch, doanh số bán xăng và dầu diesel trong nước của các nhà máy lọc dầu nhà nước đã giảm 1/5 trong nửa đầu tháng 5 so với một tháng trước đó. Thứ hai, thông tin về cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đang tiến triển nhằm khôi phục một thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này, có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và phục hồi xuất khẩu dầu của Iran thời gian tới. Thứ ba, suy đoán Fed có thể tăng lãi suất ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các nhà đầu tư giảm mối quan tâm với dầu và các hàng hóa khác. Thứ tư, giá dầu đang chịu áp lực giảm giá bởi những lo ngại về sự gia tăng nguồn cung dầu thô trên thị trường thời gian tới khi OPEC+ và Saudi Arabia đã công bố lộ trình tăng sản lượng khai thác vào các tháng 6 và 7/2021.

Trên thực tế, giá dầu thế giới sang đầu tháng 6 đã tăng tới hơn 45% so với đầu năm. Nhiều tổ chức cùng đưa ra dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, qua đó tiếp tục đẩy cao giá dầu. OPEC vừa nâng dự báo về nhu cầu dầu trong năm nay từ 5,79 triệu tấn lên 5,89 triệu tấn/ngày. Ngay từ tháng 4/2021, OPEC đã quyết định cung cấp trở lại 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 do sớm dự đoán nhu cầu toàn cầu tăng cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 đạt 96,4 triệu thùng/ngày. Tương tự, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng dự báo, tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và tăng 3,3 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Vì vậy, giá dầu cũng được dự báo tiếp tục tăng. Ngân hàng JP Morgan dự báo giá dầu Brent kết thúc năm 2021 ở mức 74 USD/thùng. Ngân hàng Barclay dự kiến giá dầu Brent và WTI đạt trung bình lần lượt 66 USD/thùng và 62 USD/thùng trong năm nay. Chuyên gia của Bank of America còn dự đoán giá dầu sẽ đạt mốc 100USD/thùng vào năm 2023. 

Tóm lược thị trường trong nước từ 31/05 - 04/06

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/06 - 11/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm qua hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 11/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.101 VND/USD, giảm mạnh 37 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được niêm yết ở mức 23.125 VND/USD vào phiên đầu tuần, sau đó được giảm 150 đồng xuống mức 22.975 đồng các phiên còn lại. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.744 VND/USD.

Tỷ giá LNH tuần qua giảm mạnh phiên đầu tuần, các phiên sau biến động tăng – giảm nhẹ. Chốt ngày 11/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.945 VND/USD, giảm mạnh 101 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm qua các phiên. Chốt tuần 11/06, tỷ giá tự do giảm 140 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.030 – 23.080 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 07/06 - 11/06 giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 11/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,03% (-0,34 đpt); 1W 1,20% (-0,30 đpt); 2W 1,33% (-0,26 đpt); 1M 1,53% (-0,16 đpt).

Trong khi đó, lãi suất USD LNH duy trì dao động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,24% và 1M 0,33%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/06 - 11/06, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Có 1,08 tỷ đồng trúng thầu, như vậy NHNN bơm ròng 1,08 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trên thị trường sơ cấp, trong tuần từ 07/06 - 11/06, KBNN huy động thành công 8.770/12.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 70%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 5.800/7.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.450/4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 520/1.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,21%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,46%/năm (+0,01%) và kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,05%/năm.

Trong tuần có 9.700 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Tuần này từ 14/06 – 18/06, KBNN chỉ gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP, giảm mạnh so với mức 12.500 tỷ đồng của tuần trước.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.124 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 10.721 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 07/06 - 11/06, lợi suất TPCP biến động trái chiều ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 11/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,41% (0 đpt); 2 năm 0,57% (+0,004 đpt); 3 năm 0,87% (+0,01 đpt); 5 năm 1,09% (-0,036đpt); 7 năm 1,33% (-0,03 đpt); 10 năm 2,18% (-0,06 đpt); 15 năm 2,46% (-0,03 đpt); 30 năm 3,08% (0 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 07/06 - 11/06 biến động mạnh qua các phiên, chốt tuần cả 3 sàn đều chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên cuối tuần 11/06, VN-Index đứng ở mức 1.351,74 điểm, giảm 22,31 điểm (-1,62%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 13,07 điểm (-3,96%) xuống 316,69 điểm; UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,83%) xuống 88,93 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất cao với giá trị giao dịch đạt trên 31.105 tỷ đồng/phiên. Mặc dù có 2 phiên mua ròng khá mạnh, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng gần 780 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

World Bank cập nhật dự báo, nâng triển vọng kinh tế thế giới. Tổ chức này dự báo GDP toàn cầu tăng 5,6% trong năm nay, tích cực hơn mức tăng 4,1% đã đưa ra hồi tháng 1. Khối các nước phát triển được dự báo tăng 5,4% (+2,1 đpt so với dự báo trước), trong đó GDP của Mỹ được dự báo tăng 6,8% (+3,3 đpt), Eurozone tăng 4,2% (+0,6 đpt), Nhật Bản tăng 2,9% (+0,4 đpt). Khối quốc gia đang phát triển được dự báo tăng 6,0% (+0,8 đpt) trong đó Trung Quốc tăng 8,5% (+0,6 đpt). Tổ chức này cho rằng kinh tế thế giới đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục nhưng mang nhiều bất ổn, sự chênh lệch khoảng cách giữa các quốc gia có thể gia tăng đáng kể khi các nước lớn phục hồi rất nhanh và các nước nhỏ vẫn đang trong tình trạng suy giảm. Ngoài GDP, World Bank cũng dự báo khối lượng xuất nhập khẩu trên toàn thế giới sẽ tăng lên 5,0% trong năm 2021 do nhu cầu của các quốc gia lớn tăng đột biến. Chỉ số giá cả toàn cầu cũng theo đó đi lên, có thể tăng khoảng 2,4% trong năm nay.

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,6% và 0,7% m/m trong tháng 5, nối tiếp đà tăng 0,8% và 0,9% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 0,4% và 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2020, CPI toàn phần và CPI lõi của Mỹ lần lượt tăng 5,0% và 3,8%. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này tuần kết thúc ngày 05/06 ở mức 376 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 385 nghìn đơn của tuần trước đó và chưa xuống được mức 370 nghìn đơn như dự báo. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 86,4 điểm trong tháng 6, tăng lên từ 82,9 điểm của tháng 5 và vượt qua mức 84,1 điểm theo kỳ vọng. Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 17/06 theo giờ Việt Nam.

NHTW Châu Âu ECB không thay đổi CSTT, đồng thời khu vực Eurozone đón một số thông tin kinh tế trái chiều. ECB cho biết sẽ duy trì LS tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên ở mức 0,25% và LS tiền gửi ở mức -0,5%. ECB kỳ vọng sẽ giữ các LSCS ở mức hiện tại hoặc thấp hơn cho tới khi lạm phát tăng nhanh trở lại và tiệm cận dưới ngưỡng mục tiêu 2,0%. Bên cạnh đó, NHTW này tiếp tục thực hiện chương trình thu mua TPCP trong đại dịch PEPP. Các tài sản PEPP đáo hạn được cam kết tái đầu tư ít nhất cho tới 2023. Liên quan đến thông tin kinh tế, GDP khu vực Eurozone chính thức giảm 0,3% q/q trong quý 1, được điều chỉnh bớt tiêu cực hơn so với mức giảm 0,6% theo thống kê sơ bộ. Niềm tin kinh tế tại Eurozone giảm xuống còn 81,3 điểm trong tháng 6 từ mức 84,0 điểm của tháng 5, trái với dự báo tăng lên 85,5 điểm. Riêng tại nước Đức, niềm tin kinh tế xuống còn 79,8 điểm trong tháng này, giảm từ 84,4 điểm của tháng 5 và trái với dự báo tăng lên 86,0 điểm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

/upload/news/21/06/14/210614_T_ng_h_p_tu_n_kinh_t__T_i_ch_nh_MSB_Research_JHTC.pdf

 

Đọc thêm